Rào cản khi triển khai bệnh án điện tử

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, các bệnh viện trên cả nước đang đẩy mạnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) với mục tiêu đến hết ngày 30/9/2025, 100% cơ sở khám chữa bệnh hoàn thành việc chuyển đổi từ bệnh án giấy sang EMR.

Các bệnh viện trên cả nước đang đẩy mạnh triển khai EMR

Các bệnh viện trên cả nước đang đẩy mạnh triển khai EMR

Chạy nước rút

Tại Hà Nội, quá trình chuyển đổi số trong y tế đã ghi nhận những bước tiến rõ rệt. Đến nay, 14/42 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội đã chính thức triển khai EMR.

Điển hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm ký xác nhận EMR bằng chữ ký số thông qua ứng dụng VneID. Với giai đoạn đầu, việc triển khai được thực hiện tại 3 phòng khám và toàn bộ khoa điều trị nội trú, sau đó sẽ mở rộng toàn viện.

Ở tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức và Bệnh viện Đa khoa Mê Linh đã sẵn sàng vận hành EMR sau khi hoàn thiện đầy đủ hạ tầng công nghệ, phần mềm quản lý tổng thể (HIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS/PACS), hệ thống xét nghiệm (LIS), kê đơn thuốc điện tử, chữ ký số… Các quy trình khám chữa bệnh tại đây đã được số hóa toàn diện, giúp người dân tra cứu thông tin, đặt lịch khám và nhận kết quả qua nền tảng trực tuyến, tạo sự thuận tiện rõ rệt.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, đơn vị thứ 14 tại Hà Nội triển khai EMR, toàn bộ quy trình khám chữa bệnh đã được số hóa và lưu trữ trên hệ thống điện tử. Bệnh viện cũng tiên phong trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán trong các chuyên khoa thế mạnh như răng-hàm-mặt, tai-mũi-họng.

Theo báo cáo từ Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế), đến hiện tại có 212 cơ sở y tế trên toàn quốc chính thức công bố triển khai EMR, chiếm khoảng 7,5% trong tổng số hơn 2.800 cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Không chỉ ở Hà Nội, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đang đẩy mạnh triển khai EMR. Tại Hà Tĩnh, ngành y tế đã hoàn tất khảo sát hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý tại tất cả các bệnh viện tuyến huyện, đồng thời phối hợp xây dựng phần mềm EMR và tổ chức tập huấn chuyên sâu. Tỉnh đặt mục tiêu đến ngày 30/9/2025 sẽ hoàn thành EMR ở mức cơ bản tại tất cả bệnh viện tuyến huyện.

Từ thực tế triển khai, các cơ sở y tế đang lựa chọn các phương thức thực hiện phù hợp với điều kiện và nguồn lực của mình, như đầu tư mới hoàn toàn, thuê dịch vụ hoặc nâng cấp phần mềm hiện có.

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, giữa tháng 5/2025, đơn vị đã phê duyệt dự toán mua sắm thiết bị máy chủ, thiết bị lưu trữ phục vụ triển khai EMR, với tổng giá trị hơn hơn 10 tỷ đồng. Gói thầu này được mở vào đầu tháng 6/2025. Nếu tiến độ diễn ra thuận lợi, bệnh viện hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu hoàn thành trước cuối tháng 9/2025.

Một số bệnh viện trung ương cũng đang tích cực triển khai các gói đầu tư lớn. Bệnh viện Da liễu Trung ương đã phê duyệt từ tháng 11/2024 danh mục thuê phần mềm và cung cấp thiết bị công nghệ thông tin, hiện đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 4 trong 6 gói thầu.

Trong khi đó, cuối tháng 5/2025, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phê duyệt dự toán lên tới 34,26 tỷ đồng cho hàng loạt hạng mục như phần mềm HIS, LIS, RIS-PACS, EMR, cùng các ứng dụng di động dành cho người bệnh và nhân viên y tế. Việc lựa chọn nhà thầu sẽ diễn ra trong quý II/2025.

Còn đó nhiều rào cản

Theo báo cáo từ Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế), đến hiện tại mới chỉ có 212 cơ sở y tế trên toàn quốc chính thức công bố triển khai EMR, chiếm khoảng 7,5% trong tổng số hơn 2.800 cơ sở khám chữa bệnh công lập. Đây là số lượng khá khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra.

Thực tế cho thấy, việc triển khai EMR tại các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những rào cản lớn nhất là bài toán tài chính. Các bệnh viện tự chủ phải tự tìm nguồn kinh phí đầu tư phần mềm, máy chủ, thiết bị đầu cuối, lưu trữ dữ liệu và chi phí cho chữ ký số. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định đưa chi phí công nghệ thông tin vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, gây khó khăn trong việc lập kế hoạch đầu tư.

Ngoài ra, nhiều bệnh viện cho biết họ vẫn lúng túng do thiếu hành lang pháp lý, chưa có quy định cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật cho các gói đầu tư công nghệ thông tin như RIS/PACS hay chữ ký số. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ mua sắm, triển khai và vận hành hệ thống. Việc thiếu nhân lực công nghệ thông tin chuyên trách cũng khiến việc duy trì và khai thác hệ thống EMR gặp nhiều thách thức.

PGS-TS. Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam cho rằng, vấn đề lớn nhất là cơ chế tài chính, bởi để triển khai EMR, các bệnh viện cần đầu tư rất nhiều vào hạ tầng công nghệ, nhưng không phải bệnh viện nào cũng đủ nguồn vốn. Bởi vậy, số lượng bệnh viện triển khai EMR vẫn còn khiêm tốn so với tổng số cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm từ các cơ sở y tế và sự hỗ trợ từ Chính phủ, chuyển đổi số trong y tế chắc chắn sẽ là bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Về phía Bộ Y tế, cơ quan này đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để nghiên cứu, điều chỉnh chính sách, trong đó có việc bổ sung chi phí công nghệ thông tin vào chi phí quản lý trong giá viện phí, đồng thời ban hành các quy chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn về sử dụng hệ thống EMR, RIS/PACS, ký số… nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các cơ sở y tế triển khai EMR một cách thống nhất, hiệu quả.

Dương Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/rao-can-khi-trien-khai-benh-an-dien-tu-d328623.html