Rau cần Lạc Vân
Xác định cây rau cần là cây trồng thay thế cây lúa để giúp người dân địa phương tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế, Hợp tác xã Nông nghiệp Lạc Vân, huyện Nho Quan đã vận động người dân trồng rau cần theo quy trình an toàn. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn rau cung cấp ra thị trường, tạo ra sản phẩm được nhiều người tiêu dùng tin tưởng.
Thời điểm này, trên những thửa ruộng ở xã Lạc Vân, người nông dân đang nhanh tay trồng những cây rau cần, trên gương mặt của họ hiện rõ niềm vui khi bước vào vụ sản xuất mới. Tại cánh đồng xóm 2, xã Lạc Vân, chị Nguyễn Thị Viễn đang cặm cụi chăm sóc cho những cây rau cần mới trồng cho biết: Tại xóm tôi, cây rau cần có chất lượng rất tốt, ăn ngon, giòn, đảm bảo không có thuốc bảo vệ thực vật, được nhiều người tiêu dùng ưu chuộng. Cây rau cần cho thu nhập gấp khoảng 3 lần so với cây lúa, gia đình tôi có 3 sào trồng rau cần.
Cũng như hộ chị Viễn, hàng chục hộ trồng rau cần tại xã Lạc Vân hiện nay đang có việc làm và nguồn thu nhập ổn định từ loại cây này. Vào những ngày thu hoạch rau, nơi đây còn tạo việc làm cho nhiều lao động với mức bình quân vài trăm nghìn đồng/ngày nhờ nhổ, rửa, cân rau thuê.
Ông Trương Văn Lập, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lạc Vân cho biết: Việc trồng cây rau cần của bà con đã có từ lâu, tuy nhiên chỉ vài hộ trồng với diện tích nhỏ, chủ yếu canh tác theo phương thức tự phát, dựa theo kinh nghiệm truyền thống nên sản lượng rau không nhiều, chất lượng chưa cao.
Nhận thấy cây rau này hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt và cho thu nhập cao so với cây lúa nên năm nay, HTX đã mở rộng thành vùng sản xuất tập trung, trồng theo hướng an toàn.
Hiện, tổ trồng rau cần của HTX có khoảng 60 hộ tham gia trồng trên diện tích hơn 3 ha, chủ yếu ở xóm 2, trung bình mỗi gia đình trồng từ 1-2 sào. Theo ông Lập, rau cần ưa khí hậu mát và lạnh nên thường được trồng từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Khoảng từ tháng 10 - 12, rau cần cho năng suất và chất lượng tốt nhất.
Khâu làm đất để chuẩn bị trồng rau cần vụ mới.
Sau mỗi đợt thu hoạch, người dân nghiên cứu, tách chiết phần thân cây rau cũ để tái tạo cây rau mới. Cây giống được lai trong môi trường đầy đủ dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh trước ngày gieo trồng, ruộng phải được làm sạch, rắc vôi bột khử trùng nhằm tạo điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cây con. Khi cây đủ độ dài sẽ đem ra ruộng cấy với mật độ phù hợp. Rau cần vốn ưa môi trường ẩm nên cây cao tới đâu, người dân chủ động đưa nước vào ruộng tới đó.
Dự kiến vụ này, mỗi sào rau cần thu được hơn 1 tấn rau/lứa, mỗi lứa từ 40 - 45 ngày, mỗi năm cho thu hoạch 3 lứa, với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg, ước đạt 30 - 35 triệu đồng/sào/năm.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm vững quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn rau an toàn, không sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học mà chỉ sử dụng phân hữu cơ hay dùng tro sau khi đốt rơm rạ, bón cho cây... nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ngoài ra, các hộ thành viên được HTX hỗ trợ về các khâu dịch vụ như làm đất, nước... tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm giúp người dân yên tâm sản xuất.
Thời gian tới, để nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm, HTXNN Lạc vân sẽ tiếp tục triển khai mô hình sản xuất và tiêu thụ rau cần theo hướng VietGap, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn nguyên liệu giống, quy trình sản xuất đến khâu thu hoạch, tiêu thụ, giúp người dân tăng thêm thu nhập, để người dân thực sự gắn bó với cây rau cần.
Bài, ảnh: Hoàng Hiệp
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/rau-can-lac-van/d20211023155841336.htm