Rau đặc sản ở miền Bắc không trồng vẫn mọc, nấu canh hay xào đều ngon, bổ
Mọc tự nhiên trong rừng hay ven đồi, ngoài bờ ruộng… tại một số tỉnh thành miền Bắc, những loại rau này không chỉ là nguyên liệu chế biến món ăn mà còn được ưa chuộng vì thơm ngon, bổ dưỡng.
Rau ngót rừng
Rau ngót rừng (rau sắng) là 1 trong những loại rau tự nhiên được tận dụng làm nguyên liệu chế biến món ăn khá phổ biến ở miền Bắc.
Loại cây này thuộc thân mộc, ưa ánh sáng, mọc trên những vách đá, có thể thu hái quanh năm nhưng khoảng từ cuối tháng Giêng đến tháng 2, 3 âm lịch là thời điểm rau non và ngon nhất.
Rau ngót rừng có thể chế biến thành một số món, được ưa chuộng nhất là xào tỏi và nấu canh. Để món canh ngon hơn, người nấu thường cho thêm thịt băm hoặc xương sườn, tôm.

Rau ngót rừng có vị ngọt tự nhiên như nước ninh xương và mùi đặc trưng của rau rừng, thậm chí khi nấu không cần cho thêm mì chính. Ảnh: Quỳnh Vũ
Lương y Luân Quốc Tuấn, người đã học Đông y lâu năm ở Trung Quốc, đánh giá rau ngót rừng hay ngót nhà đều có những công dụng kỳ diệu.
Rau ngót rừng vị ngọt, tính mát, có tác dụng hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc gan, hỗ trợ tiêu viêm, điều trị mụn nhọt hay trị các vấn đề tiêu hóa như táo bón.
Ngoài ra, rau ngót rừng rất giàu đạm nên được khuyên dùng cho người muốn giảm cân và người bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, người bị huyết áp thấp hoặc phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng loại rau này.
Rau mít rừng
Rau mít rừng thường mọc hoang trong rừng, phân bố ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nhưng phổ biến nhất là ở Hòa Bình (nay là tỉnh Phú Thọ).
Nhiều năm qua, bà con người Mường ở đây đã tận dụng lá và búp non của cây mít rừng để làm thức ăn.
So với các loại rau rừng khác, loại rau này có quãng thời gian thu hoạch dài hơn, có thể thu hái quanh năm nhưng thường không ra lộc vào những tháng mùa đông.

Thời điểm rau mít rừng vào chính vụ là từ tháng 3-10 dương lịch. Ảnh: Thuong Bui
Rau mít rừng có thể chế biến thành nhiều món như xào tỏi, xào thịt trâu hoặc nấu canh, làm nộm.
Trước khi nấu, cần rửa sạch rau bằng nước muối loãng và đảo nhẹ tay để loại bỏ hết nhựa và tránh làm nát rau. Khi chế biến, rau cần được nấu chín kỹ.
Ngũ gia bì hương
Ngũ gia bì hương vốn là cây bụi mọc trong rừng, được người dân vùng cao đưa về trồng quanh bờ ao, bờ mương hay làm hàng rào để ngăn gia súc (ngựa, trâu) phá hoại rau màu, cây ăn quả.
Loại cây này xuất hiện phổ biến ở một số tỉnh thành miền Bắc như Tuyên Quang (trước là Hà Giang), Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La…
Rau ngũ gia bì hương xào tỏi ăn rất ngon. Ảnh: Bếp của em
Vài năm gần đây, khi rau ngũ gia bì hương được sử dụng làm thực phẩm phổ biến hơn, bà con cũng trồng loại cây này để thu hái ngọn và lá non làm rau, phân phối tới các nhà hàng, quán ăn hoặc mang ra chợ bán.
Loại rau này có thể ăn sống, nhúng lẩu hoặc xào, nấu canh, trong đó phổ biến và được ưa chuộng nhất là xào với trứng.
Theo cuốn sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, ngũ gia bì hương có vị cay, đắng, tính ôn, có tác dụng khử phong thấp, cường gân cốt, bổ gan thận.
Lạc tiên
Lạc tiên (còn gọi là đọt nhãn lồng, chùm bao, lồng đèn, bọc đường) là loại cây mọc dại, được tìm thấy chủ yếu ở miền Bắc, những nơi bờ bụi, dễ leo quấn như hàng rào, bờ ao…
Lá và ngọn non của cây lạc tiên được sử dụng khá phổ biến để làm rau ăn, chế biến thành các món dân dã. Đơn giản nhất là rau lạc tiên luộc, còn cầu kỳ hơn thì đem xào tỏi (hoặc thịt bò), nấu canh thịt băm (hoặc tôm) hay nhúng lẩu… đều ngon.
Rau lạc tiên được dùng làm thức ăn khá phổ biến ở miền Bắc. Ảnh: Ẩm thực tại gia
Theo BSCK II Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (cơ sở 3), lạc tiên không chỉ được sử dụng như 1 loại rau sạch mà còn là vị thuốc trị mất ngủ.
Ngoài các món được chế biến từ rau tươi, người dân còn thái nhỏ lạc tiên và đem phơi khô, dùng để sắc thành nước uống, giúp cải thiện giấc ngủ, hỗ trợ điều trị chứng lo âu…, từ đó tăng cường sức khỏe.
Tầm bóp
Tầm bóp (hay còn gọi là cây bôm bốp, thù lù cạnh, bùm bụp, lồng đèn) là loài cây thân thảo, mọc tự nhiên ở những khu vực như ven đường, bờ ruộng, trong vườn hay ngoài bãi đất hoang.
Chúng được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La… Phần lá, ngọn của cây này được sử dụng như một loại rau ăn hàng ngày.
Rau tầm bóp vị đắng, ngọt hậu, tính mát, có thể chế biến thành nhiều món ăn như gỏi, luộc, nhúng lẩu, nấu canh nhưng ngon và phổ biến hơn cả là rau tầm bóp xào tỏi.

Rau tầm bóp có công dụng ổn định đường huyết, hỗ trợ cho quá trình điều trị ung thư phổi, dạ dày, gan, đại tràng… Ảnh: Ma Thị Chiến
Không chỉ là nguyên liệu chế biến món ăn, rau tầm bóp cũng được xem như liều thuốc từ tự nhiên vì giàu dinh dưỡng, đem lại một số lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), người có sức khỏe bình thường nên ăn rau tầm bóp vì rau cung cấp lượng lớn các vitamin A, C, tăng cường khả năng kiểm soát cholesterol, ngăn bệnh tim mạch và nguy cơ đột quỵ.