Rau vụ đông: Sản xuất nhọc nhằn, nhưng được giá
ĐBP - Hiện nay, trên các cánh đồng rau vụ đông của xã Pom Lót (huyện Điện Biên), nông dân đang hối hả thu hoạch và chăm bón cho những lứa rau tiếp theo để phục vụ trước và sau Tết Nguyên đán. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên việc trồng, chăm sóc khó khăn; nhiều hộ phải trồng đi trồng lại vài lần mới cho thu hoạch. Nhưng bù lại những nhọc nhằn ấy, rau năm nay được giá, tiêu thụ thuận lợi...
Vườn cà chua của gia đình ông Nguyễn Văn Sớm chuẩn bị đến ngày thu hoạch và diện tích cà chua bị hỏng được trồng thay thế bằng cây đỗ.
Cánh đồng rau vụ đông tại thôn 5, xã Pom Lót những ngày này tràn một sắc xanh mơn mởn của các loại rau. Người mua, bán tấp nập; bà con nông dân phấn khởi vì ít năm nào rau vụ đông được giá như năm nay. Gia đình ông Nguyễn Văn Sớm trồng 3.200m2 su hào, súp lơ, bắp cải, cà chua… Vừa thu về trên 50 triệu đồng lứa đầu tiên của vụ đông năm nay. Ông Sớm chia sẻ: Hơn 30 năm làm nông nghiệp, chưa năm nào tôi thấy giá rau tăng cao như năm nay; dù có ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá lên xuống từng ngày nhưng không hạ nhiều và giữ ổn định trong thời gian dài từ ngày 25/11, cao nhất là từ ngày 7/12 - 10/12. Giá tăng như vậy là do thời tiết không thuận lợi, lúc gieo giống, mưa suốt dẫn đến cây bị thối, chết gần hết (nhất là cà chua, súp lơ) phải giặm lại. Rét muộn cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Bên cạnh đó, cà chua bị bệnh héo xanh, cứ đến lúc cho ra quả thì héo rũ, không phát triển được, đành phải nhổ bỏ; nếu không sẽ lây lan hết ra cả vườn. Nhà tôi năm nay trồng muộn, thường xuyên kiểm tra vườn cây nên mới cho ra quả tốt. Từ đầu vụ tôi mới bán được hơn 10kg quả bói, nhưng may mắn đúng đợt giá lên cao điểm. Sau 15 ngày nữa, 600m2 cà chua này bắt đầu thu hoạch; nếu giá cứ ổn định, không hạ nhiều thì năm nay được ăn Tết to (năm ngoái, giá mua tại vườn rẻ lắm, chỉ 1.000 - 2.000 đồng/1kg thôi). Rau vào vụ, lại được giá nên ngày nào tôi cũng có mặt ở ruộng từ sáng sớm đến tối mịt để chăm bón cẩn thận.
Chúng tôi đến thăm vườn rau nhà ông Nguyễn Văn Đông, thôn 5, khi cả nhà đang tất bật thu hoạch, chăm sóc rau. Vụ đông năm nay, nhà ông trồng có 1.400m2 rau nhưng đã thu được 30 triệu đồng sau lứa đầu tiên. Ông Đông cho biết: Năm nay, đầu vụ mưa liên tục, cà chua, bắp cải, súp lơ phát triển kém; có nhà trồng không lớn được, nhà tôi trồng 3.000 - 4.000 cây súp lơ thì chết một nửa; 4.00m2 cà chua cũng đang bị bệnh, phải tháo dỡ gần hết. Nhưng bù lại, giá đổ tại vườn cao nên gia đình tôi vẫn có lãi. Hầu hết, rau cắt đến đâu, có thương lái thu mua hết đến đó. Lâu lắm rồi mới có một vụ rau được giá như vậy. Mặc dù đầu vụ thời tiết không ủng hộ; khó làm đất, cây chết phải trồng đi trồng lại; nhưng chúng tôi vẫn phấn khởi vì rau dễ tiêu thụ, giá cao. Hiện nay, giá các loại rau đã giảm hơn, nhưng so với năm ngoái thì vẫn cao gấp 3 - 4 lần.
Ông Nguyễn Văn Đông tỉa lá vườn rau súp lơ.
Ông Nguyễn Viết Tròn - một thương lái thu mua rau cho biết: Rau chúng tôi thu mua đem đi tiêu thụ ở thị trường Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình. Hiện tại (ngày 14/12), giá rau thu mua đã giảm nhưng không quá thấp; bắp cải từ 7.000 đồng/1kg, đỗ 10.000 đồng/kg, súp lơ 25.000 đồng/1kg, cà chua vẫn ở mức cao nhất 30.000 đồng/1kg. Rau trồng đang chờ lứa tiếp cùng với nguồn cung rau ở các tỉnh lân cận (Sơn La, Lai Châu) không có nhiều, khiến giá rau tăng cao. Năm nay, có những hộ thu về hàng trăm triệu đồng, ít cũng vài chục triệu mặc dù mới thu hoạch những lứa đầu tiên của vụ đông.
Ông Lò Văn Hiêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pom Lót cho biết: Toàn xã có 81ha rau trồng vụ đông, chủ yếu là bắp cải, súp lơ, đỗ, cà chua. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều hộ phải trồng lại rau từ 2 - 3 lần. Đặc biệt là với bí xanh, cà chua sinh trưởng chậm, khó chăm sóc, dễ bị bệnh. Nhiều hộ phải phá bỏ các luống cà chua hỏng để trồng xen kẽ đỗ, cà. Ngoài ra, hiện nay giá phân bón còn tăng gấp đôi so với cùng kì năm trước, giá cây giống, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng. Tuy nhiên, bù lại cho những khó khăn vất vả của người nông dân là rau củ đều được giá nên bà con vẫn phấn khởi, vui mừng. Đây là điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, đáp ứng nhu cầu của thị trường.