Rét đậm, gia tăng các ca mắc bệnh nguy hiểm
Những ngày này, nhiệt độ giảm sâu khiến số bệnh nhân đột quỵ, viêm phổi, huyết áp, xương khớp, viêm đường hô hấp trên gia tăng.
Bệnh nhân N.T.H (83 tuổi, ở Hà Nội) nhập Bệnh viện Phổi T.Ư trong tình trạng giãn phế quản phổi, suy hô hấp, được chỉ định thở máy. Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân được cai máy thở, chuyển sang thở bằng oxy. Ngoài bà H, nhiều người cao tuổi khác nhập viện vì bệnh phế quản phổi mạn tính. Ông T.V.B điều trị cùng phòng bà H cho hay, cứ mỗi đợt giao mùa hoặc trời chuyển lạnh, bệnh tái phát. Đợt rét đậm này, bệnh diễn tiến nặng khiến ông khó thở, sốt nhẹ và ớn lạnh, nhiều đờm đặc, và suy hô hấp.
Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính - Bệnh viện Phổi T.Ư, cho biết, số lượng bệnh nhân gia tăng mạnh trong đợt rét. Thông thường, mỗi tháng, Khoa tiếp nhận khoảng 170 lượt người điều trị nội trú, nhưng hiện tại tăng hơn 220 lượt bệnh nhân. “Con số nhập viện gia tăng phụ thuộc vào nhiều tác nhân, trong đó thời tiết là một trong những yếu tố làm kịch phát căn bệnh này. Nguyên nhân thời tiết lạnh khiến khả năng bảo vệ tại chỗ từ đường hô hấp trên tới hô hấp dưới đều bị suy giảm. Đây là yếu tố dẫn tới các bệnh lý bị nhiễm trùng tăng nặng như hen phế quản, co thắt phế quản mạn tính…”, bác sĩ Thành lý giải. Phần lớn bệnh nhân nhập viện trong dịp này đều trong tình trạng nặng, nhiều trường hợp suy hô hấp phải hỗ trợ thở máy, thở oxy.
Tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ - Bệnh viện Lão khoa Trung ương có 100 giường bệnh luôn trong tình trạng kín chỗ. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhân đột quỵ những ngày trời lạnh tăng trên 15%. Trời lạnh, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số người đến khám bệnh giảm, trong khi số bệnh nhân đột quỵ tăng 20% so với bình thường. Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết, có 4 nguyên nhân khiến đột quỵ trong mùa đông gia tăng. Đầu tiên là do cơ thể tăng tiết chất Catecholamine (để giữ nhiệt) làm co mạch, khiến huyết áp tăng lên. Ngoài ra, về mùa đông, con người thường uống ít nước hơn dẫn đến độ đặc quánh của máu tăng lên dễ gây nguy cơ tắc mạch máu não. Mùa đông cơ thể cũng ít vận động dẫn đến nguy cơ béo phì, đái tháo đường, cholesterol trong máu tăng cao... cũng là các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Thống kê tại Bệnh viện Hữu Nghị cho thấy, số lượng bệnh nhân bị liệt cơ, méo mặt tăng từ 20-30%. Các bác sĩ cảnh báo, nhiều người già mắc phải căn bệnh này do không đảm bảo các biện pháp phòng, chống rét. Thời tiết lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh VII, gây ra thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh khiến bệnh nhân bị yếu liệt, xệ một bên cơ mặt.
Tăng cường giữ ấm
Bác sĩ Vũ Văn Thành cho biết, bệnh viện đã có các biện pháp tăng cường giữ ấm cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân nặng, bệnh viện trang bị thêm đèn sưởi. Song song đó, hệ thống phòng ốc đảm bảo yếu tố thông thoáng nhưng kín gió. Đặc biệt, các khoa, phòng như Điều trị tích cực, Điều trị hen nặng được trang bị hệ thống điều hòa trung tâm nên luôn đảm bảo các vấn đề về nhiệt độ, môi trường.
Bác sĩ Thành khuyên, trong điều kiện thời tiết như hiện nay, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài và luôn đảm bảo cơ thể được giữ ấm. Khi ngủ dậy, cần khởi động dần dần để cơ thể làm quen với môi trường. Đặc biệt, cần duy trì chế độ vệ sinh họng, vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh bụi bặm trong nhà, bởi môi trường sạch giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng khi mắc bệnh.
Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày trời lạnh có khoảng 25-30% số trẻ nhập viện điều trị do mắc các bệnh liên quan đường hô hấp. TS Ðỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi T.Ư), cho biết, mỗi ngày có 20-30 trẻ mắc cúm vào viện. Từ đầu năm 2020 đến nay, tại đây tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân cúm. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo, để phòng các bệnh viêm tai mũi họng, viêm đường hô hấp, cần giữ ấm cho trẻ, nhất là khi về đêm và gần sáng, tránh khói thuốc lá, bụi xe bằng khẩu trang. Ngoài ra, cho trẻ ăn đủ chất, uống đủ nước để tăng cường sức đề kháng; rửa mũi bằng nước muối sinh lý khi bị cảm cúm…