Rô đồng nấu với lá giang…
Rô đồng nấu với lá giangNghĩa thiếp tình chàng hôm sớm có nhauMãn buổi làm đồng, vác cuốc lên vai có treo túi ni lông đựng mớ cá rô đồng vừa bắt được, người nông dân đi về dưới cái nắng chang chang nghĩ đến bữa cơm trưa có món canh chua nấu cá rô đồng với lá giang dầm ớt thật cay mà thấy bụng đói cồn cào.
Nghĩa thiếp tình chàng hôm sớm có nhau
Mãn buổi làm đồng, vác cuốc lên vai có treo túi ni lông đựng mớ cá rô đồng vừa bắt được, người nông dân đi về dưới cái nắng chang chang nghĩ đến bữa cơm trưa có món canh chua nấu cá rô đồng với lá giang dầm ớt thật cay mà thấy bụng đói cồn cào.
Cây giang là một loại dây leo rất dẻo, khi còn non có màu xanh, khi già có màu nâu. Lá giang hình quả tim, có vị chua, lá càng già càng chua.
Không biết tự bao giờ, dây giang, lá giang đã gần gũi thân thiết với người dân quê đến vậy. Những vật dụng như rế đựng nồi, đụt đựng cá, rọ mồm bò… đan bằng dây giang già bền chắc hơn đan bằng lạt tre rất nhiều. Thời còn chiến tranh, khi làm nhà, người ta bứt dây giang già về buộc néo rui mè để lợp tranh, buộc néo mầm trĩ để trát đất. Nếu không bị dột ướt hay bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh, những ngôi nhà như thế có tuổi thọ bằng cả đời người.
Lá giang dùng để nấu canh chua ăn giải nhiệt. Người ta có thể nấu canh chua bằng khế, me… nhưng có những món như cá đồng, gà… thì chỉ nấu chua bằng lá giang mới hợp gu.
Sau buổi làm đồng, được quây quần bên mâm cơm cùng gia đình, bưng chén cơm chan nước canh chua cá đồng nấu với lá giang dầm ớt sừng thật cay thì thật tuyệt. Vị chua đặc trưng của lá giang, vị ngọt của cá đồng, độ mềm dẻo của cơm nấu bằng gạo lúa mới quyện vào nhau, vừa ăn vừa hít hà vì nóng và cay, bỗng thấy cuộc sống ý nghĩa biết bao, cần chi mâm cao cỗ đầy.
Vào những dịp có khách phương xa đến thăm, chợ xa, bắt một con gà tơ, ra bờ rào hoặc gò mối tuốt một mớ lá giang, hái một nắm ớt sừng bên ảng nước. Vậy là đã có một nồi canh chua ngon tuyệt để đãi khách.
Nhớ lại tuổi thơ, những trưa hè lẻn dậy xuống bếp lấy một nhúm muối hột, chạy vụt ra vườn, vạch rào chui ra với chúng bạn đang chờ sẵn. Ổi thì già, xoài đã qua mùa, bèn rủ nhau nhắm gò mối ngoài đồng thẳng tới. Những lùm lá giang bị những bàn tay bé xíu vặt trụi đựng vào vạt áo rồi cả bọn chen nhau ngồi dưới bóng râm ít ỏi của bụi trâm bầu hưởng ngọn gió nồm mát rượi, ăn lá giang kẹp với muối hột, mặt đứa nào cũng nhăn nhúm vì chua vậy mà thấy sướng gấp ngàn lần bị bắt buộc phải lên gường nằm ngủ… Năm tháng dần trôi, tuổi thơ trôi qua lúc nào chẳng hay, không còn trốn mẹ cha tìm lấy vị chua của lá giang một thuở. Vậy mà khi nhớ lại vẫn còn có cảm giác ê răng vì vị chua của lá giang những trưa hè…
Thân thiết, gần gũi với người dân quê ven biển miền Trung là thế, bây giờ, lá giang đã vượt qua chốn ruộng đồng vào thành phố. Trong xu thế hội nhập, phát triển du lịch hôm nay, chắc đã có không ít khách du lịch nước ngoài nếm thử món ăn thuần túy của người Việt Nam, trong đó có vị chua của lá giang từ đồng nội.
TRẦN XUÂN THỤY
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/am-thuc/202101/ro-dong-nau-voi-la-giang-8201804/