Rõ sự tình công nhân đóng bảo hiểm bằng cà phê
Việc 2 công ty cà phê ở Gia Lai làm trung gian thu bảo hiểm bằng cà phê đã vấp phải phản ứng từ công nhân. Chuyện bắt đầu từ đâu?
Vừa qua, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Công ty Cà phê Ia Sao 1 và Công ty Cà phê 706 (cùng xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai và cùng là thành viên Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) để làm rõ thông tin công nhân phải đóng bảo hiểm bằng cà phê.
Bất hợp lý so với giá thị trường
Phản ánh với phóng viên, nhiều công nhân cho biết đã hàng chục năm nhận khoán, chăm sóc vườn cây cà phê cho các công ty. Hằng năm, công nhân thu hoạch cà phê và nộp sản lượng về cho doanh nghiệp với mức 4 tấn tươi/ha/năm, số còn lại công nhân được hưởng. Các công ty có trách nhiệm đóng bảo hiểm, các chế độ phúc lợi khác cho công nhân và thu lại số tiền này vào cuối vụ.

Công nhân nhận khoán, chăm sóc vườn cà phê
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, khi giá cà phê tăng cao thì thay vì thu bằng tiền, Công ty Cà phê Ia Sao 1 đã thu gần 1,7 tấn cà phê tươi/người/năm. Ngoài ra, công nhân còn phải đóng thêm 10,5% sản lượng cho bảo hiểm. Với giá cà phê tươi hiện bình quân 25.000 đồng/kg thì mức đóng này là quá cao.
Bà N.T.T (trú xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cho biết với giá cà phê như hiện tại, số tiền bảo hiểm và phúc lợi khác mà công nhân phải nộp về công ty là gần 50 triệu đồng/năm; trong khi đó, công ty chỉ nộp cho cơ quan bảo hiểm khoảng 30 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, các công nhân còn phản ánh bậc lương khác nhau nhưng các công ty đều thu mức sản lượng cà phê như nhau là không hợp lý. Tuy bức xúc nhưng họ cũng không dám có ý kiến vì lo ngại sẽ bị thu hồi vườn cây, mất sinh kế.
Các công ty nói gì?
Ông Trịnh Xuân Bảy, Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1, cho biết hiện đơn vị đang quản lý gần 500 ha cà phê, có 294 người nhận khoán vườn cây của công ty. Trong phương án khoán có ghi rõ người lao động và doanh nghiệp cùng đầu tư và phân chia lợi ích. Doanh nghiệp thu các chi phí đầu tư, khấu hao vườn cây, tiền thuê đất và thực hiện chế độ phúc lợi cho người lao động. Công ty đóng bảo hiểm cho công nhân và thu lại tiền từ công nhân.
Trong chu kỳ 2017-2022, công ty đứng ra đóng bảo hiểm và thu lại tiền từ công nhân vào cuối năm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không đóng dẫn đến khiếu kiện ra tòa. Từ chu kỳ 2023-2027, công ty và người lao động ký kết phương án thu bằng sản phẩm. Theo đó, bảo hiểm và các khoản khác công nhân đóng cố định với mức 21,5% - tương đương 1,7 tấn cà phê tươi/năm (đơn giá 10.000 đồng/kg), ngoài ra còn phải đóng thêm 10,5% tùy theo bậc lương.
Theo ông Bảy, việc xây dựng phương án với đơn giá 10.000 đồng/kg đã căn cứ vào các quy định của nhà nước, giá cả thị trường, bảo đảm tính đúng, tính đủ về định mức kinh tế kỹ thuật cũng như tất cả các mặt về vật tư sản phẩm, hài hòa lợi ích của các bên. Tuy nhiên, năm vừa qua, giá cà phê tươi lên cao với mức bình quân 25.000 đồng/kg, do đó công nhân phản ứng.
"Việc công nhân phản ứng là do giá lên cao, giá thị trường chênh lệch nhiều so với giá theo phương án, mức đóng bảo hiểm. Trong khi đó, nếu giá cà phê thấp thì công ty phải bù tiền để đóng, không thu thêm của họ" - ông Bảy nói.
Còn ông Trần Minh Tuân, Giám đốc Công ty Cà phê 706, cho biết đơn vị thu của công nhân 1,5 tấn/người/năm để đóng bảo hiểm và các chế độ khác. Việc này đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng công nhân không có bất kỳ ý kiến phản ứng nào. Trong chu kỳ trước, công ty xây dựng giá 8.500 đồng/kg cà phê tươi, trong khi giá thị trường chỉ khoảng 7.000 đồng/kg, công ty phải bù tiền để thực hiện chế độ cho công nhân thì không ai có ý kiến. Vừa qua, giá cà phê tăng đột biến thì công nhân so sánh với giá thị trường và phản ứng.
"Khi xây dựng phương án, 100% công nhân cũng thấy hợp lý nên ký kết hợp đồng nhận khoán. Tuy nhiên, do vừa qua giá cà phê tăng đột biến, họ so sánh với giá thị trường nên phản ứng như vậy" - ông Tuân nói.
Đề xuất lên Tổng Công ty Cà phê Việt Nam
Theo ông Trịnh Xuân Bảy, trước phản ứng của công nhân, trên tinh thần cầu thị, công ty sẽ nắm lại tâm tư, nguyện vọng của công nhân để đề xuất với tổng công ty.
Trong khi đó, ông Trần Minh Tuân nêu quan điểm phương án khoán đã ký kết được thực hiện xuyên suốt cho cả chu kỳ, hai bên chỉ thỏa thuận lại phương án khoán khi chế độ chính sách có thay đổi, ngoài ra, không đàm phán dựa trên giá thị trường. Tuy nhiên, trước việc giá cà phê tăng cao, Công đoàn Công ty Cà phê 706 đã đề xuất với Công đoàn Tổng Công ty Cà phê Việt Nam có cơ chế thưởng tri ân người lao động vì họ là lao động chính, mang lại nguồn lợi nhuận tốt cho công ty năm nay.

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ro-su-tinh-cong-nhan-dong-bao-hiem-bang-ca-phe-196250219212447164.htm