Xem xét tăng lương, giảm giờ làm cho người lao động trong ngành dệt may

Theo Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cần có chính sách tiền lương và phúc lợi phù hợp cho người lao động làm việc trong ngành dệt may.

Ngày 21-2, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến báo cáo tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp dệt may và khuyến nghị đối với hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương, thu nhập trong ngành dệt may tại Việt Nam.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết số lao động trong ngành dệt may đã tăng từ gần 1,8 triệu người năm 2012 lên khoảng 3 triệu người vào năm 2024. Trong đó, khoảng 74% là lao động nữ.

 Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Quang, lực lượng lao động ngành dệt may chủ yếu là lao động phổ thông. Ngành này vẫn thiếu lao động có trình độ, đặc biệt là cán bộ quản lý, chuyên gia chuyên ngành và công nhân kỹ thuật các cấp.

Trong 5 năm gần đây, việc tuyển dụng lao động ngày càng khó khăn do cạnh tranh gay gắt từ các ngành dịch vụ, thương mại, điện tử. Bên cạnh mức thu nhập còn hạn chế, người lao động trong ngành dệt may phải đối mặt với môi trường sản xuất có nồng độ bụi cao, ánh sáng và độ ồn chưa đảm bảo, không khí nóng ẩm. Ngoài ra, cường độ làm việc trong ngành này cũng rất lớn, với tình trạng tăng ca kéo dài và áp lực công việc cao” - ông Quang nói.

Do đó, theo ông Quang, tổ chức công đoàn sẽ tích cực tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến lao động, công đoàn, việc làm, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,…

Đặc biệt, công đoàn sẽ tập trung xác định mức lương tối thiểu đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động, đồng thời đề xuất điều chỉnh vùng áp dụng tiền lương tối thiểu cho phù hợp.

“Ngoài ra, công đoàn cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất giảm thời gian làm việc hàng tuần xuống dưới 48 giờ, tăng số ngày nghỉ hưởng lương nhằm đảm bảo phúc lợi tốt hơn cho người lao động.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng sẽ chủ động phối hợp với Ủy ban Quan hệ Lao động để xây dựng và ban hành các khuyến nghị về tiền lương, bố trí thời gian làm việc hợp lý, cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho công nhân” - ông Quang chia sẻ.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ TP.HCM, cho biết cơ cấu tiền lương và mức thu nhập thực tế của người lao động đang đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét về cơ cấu tiền lương, mức lương ký hợp đồng cũng như các khoản phụ cấp đi kèm.

 Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

“Thu nhập chung ở tại TP.HCM dao động từ 6,5 - 6,8 triệu đồng/tháng, khiến việc đảm bảo mức sống tối thiểu trở nên khó khăn. Chẳng hạn, bữa ăn ca của công nhân có mức chi phí tối thiểu là 25.000 đồng, nhưng trong thực tế nhiều nơi chưa đáp ứng được mức này.

Do đó, việc điều chỉnh chính sách phải dựa trên số liệu thực tế để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ cần có sự phối hợp giữa các cấp từ doanh nghiệp, công đoàn cơ sở đến Tổng LĐLĐ Việt Nam” - ông Đô nói.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/xem-xet-tang-luong-giam-gio-lam-cho-nguoi-lao-dong-trong-nganh-det-may-post835443.html