Rộ tin Nga phát triển tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân
Các báo cáo từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) gần đây chỉ ra rằng, Nga đang phát triển loại tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân mới, có sức công phá lớn.
Trong báo cáo "Đánh giá mối đe dọa toàn cầu năm 2025" mà Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ trình lên Tiểu ban Tình báo và Hoạt động Đặc biệt của Hạ viện có viết: "Nga đang mở rộng lực lượng hạt nhân bằng việc bổ sung nhiều loại vũ khí mới, trong đó có tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân và các hệ thống vũ khí khác. Nga đang duy trì kho vũ khí hạt nhân sẵn sàng chiến đấu gồm 1.550 đầu đạn chiến lược và 2.000 đầu đạn phi chiến lược".
Báo cáo cũng đề cập đến lời cảnh báo và các cuộc diễn tập hạt nhân của Nga có liên quan đến chiến sự ở Ukraine, tuy nhiên, khả năng Nga sử dụng loại vũ khí này trong cuộc xung đột là rất thấp.

Ảnh minh họa.
Theo DIA, vũ khí mới được đề cập tới có thể là biến thể của R-37M - một tên lửa không đối không tầm xa được NATO định danh là AA-13 Axehead.
Tên lửa không đối không tầm xa R-37M, còn có tên gọi khác là RVV-BD, được Viện thiết kế Vympel phát triển và đưa vào biên chế không quân Nga từ năm 2014. R-37M có chiều dài 4,06 m; đường kính 0.38 m, trọng lượng phóng tên lửa là 510 kg, trong đó đầu đạn mang theo nặng 60 kg. Tên lửa có thể tấn công mọi mục tiêu ở độ cao từ 15 m đến 25 km, phạm vi đánh chặn là 300 km.
Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường radar chủ động cho phép định vị và tấn công các mục tiêu một cách độc lập sau khi phóng. Hệ thống radar này được tăng cường bởi hệ thống dẫn đường quán tính (INS), với khả năng cập nhật giữa hành trình, đảm bảo nhắm mục tiêu chính xác trên khoảng cách xa.
R-37M được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, hệ thống động cơ đẩy và cơ chế dẫn đường vượt trội. Những cải tiến này mang lại lợi thế bao gồm: Tầm bắn mở rộng, tốc độ nhanh hơn và độ chính xác nhắm mục tiêu được nâng cao so với phiên bản tiền nhiệm.
Đầu đạn của tên lửa, ở dạng thông thường là loại nổ mạnh, phân mảnh, được thiết kế để tiêu diệt máy bay chỉ bằng một phát bắn. R-37M thường được triển khai từ các nền tảng tiên tiến của Nga, bao gồm Sukhoi Su-35S Flanker-E và Mikoyan MiG-31BM Foxhound. Ngoài ra còn có suy đoán rằng tên lửa này có thể được tích hợp với Sukhoi Su-57 Felon tàng hình.
Việc đưa đầu đạn hạt nhân vào R-37M là một sự thay đổi đáng kể so với vai trò thông thường của nó. Mặc dù báo cáo của DIA không nêu rõ năng suất của đầu đạn, nhưng có khả năng nó được thiết kế để có năng suất thấp, trong khoảng từ 1 đến 5 kiloton.
Đầu đạn như vậy sẽ được dùng cho các cuộc giao tranh diện rộng, có khả năng vô hiệu hóa nhiều mục tiêu trong bán kính nổ, chẳng hạn như đội hình máy bay ném bom, máy bay cảnh báo AWACS hoặc thậm chí là cả đàn máy bay không người lái.
Không giống như đầu đạn thông thường được dẫn đường chính xác, đầu đạn hạt nhân không yêu cầu độ chính xác tuyệt đối vì sức công phá của nó bù đắp cho những hạn chế về mục tiêu, đặc biệt là đối với máy bay tàng hình hoặc các hệ thống sử dụng biện pháp đối phó điện tử tiên tiến.