Robot AI - cánh tay đắc lực của các bác sĩ
Robot AI không chỉ tối ưu hóa các quy trình khám chữa bệnh, giảm tải cho bác sĩ, mà còn giúp cá nhân hóa từng bệnh nhân trong điều trị nhằm chẩn đoán chính xác nhất, mang lại hiệu quả chữa trị cao nhất.
LTS: Thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU ngày 27-8-2022 của Thành ủy TP.HCM về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, ngành y tế TP đã quyết liệt triển khai đồng loạt nhiều giải pháp: Chuyển đổi từ hồ sơ giấy sang hệ thống bệnh án điện tử (EMR); khám chữa bệnh từ xa (telemedicine); ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán, điều trị bệnh... Tất cả điều này sẽ là điều kiện để TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực châu Á như mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.
Hiện nhiều bệnh viện (BV) tại TP.HCM đã phát triển và ứng dụng robot AI vào các khâu từ phân tích hình ảnh xét nghiệm, chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị, theo dõi tình trạng bệnh nhân để đưa ra cảnh báo đến phẫu thuật bằng robot…
Nhờ có AI, bệnh nhân hưởng lợi nhiều
Bên ngoài phòng CT mô phỏng của khoa Xạ trị (BV Quân y 175), chị NTTH (29 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) đang chờ theo dõi sức khỏe sau khi làm sinh thiết xương có sự hỗ trợ của AI.
Chị H cho biết có tiền sử bị u bướu bàng quang, sau đó phát hiện thêm tổn thương ở vùng khớp háng. Năm tháng sau khi mổ bướu bàng quang, chị có chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) lại vùng khớp háng để xác định tổn thương nhưng không xác định được. Cuối cùng, bác sĩ (BS) chỉ định chị đến BV Quân y 175.

Bác sĩ BV Quân y 175 đang thực hiện kỹ thuật sinh thiết xương có sự hỗ trợ của robot trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Tại đây, các BS sử dụng robot Maxio kết nối với máy CT-scan (máy chụp cắt lớp vi tính) để sinh thiết cho chị H. Quá trình này diễn ra chỉ khoảng 30 phút, sau đó chị H đứng dậy đi được ngay. Cùng chỉ định này, nếu sinh thiết bằng phẫu thuật cổ điển, chị sẽ phải gây mê, trải qua 2 giờ trên bàn mổ và vài ngày chăm sóc hậu phẫu.
Theo BS CKII Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc BV Bình Dân, ưu điểm của phẫu thuật robot là có thể tiếp cận những vị trí ngóc ngách mà phương pháp nội soi thông thường không thể làm được.
Tại khoa Chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao (BV Thống Nhất), ông NMH (68 tuổi) vừa chụp MRI khảo sát cột sống cổ và ngực, thắt lưng bằng máy cộng hưởng từ 3.0 thế hệ mới có tích hợp AI. Toàn bộ quá trình chừng 4-7 phút, trong khi chụp bằng hệ thống cũ phải mất 15-20 phút.
“Tôi thấy máy chụp nhanh, có kết quả liền không phải đợi. BS nói sẽ sinh thiết thêm để đánh giá, phân loại tổn thương rồi mới đưa ra phác đồ điều trị” - ông H nói.
Còn ở BV Bình Dân, bệnh nhân NC (73 tuổi) là Việt kiều Mỹ, bị ung thư tuyến tiền liệt, được phẫu thuật bằng robot để cắt bỏ hoàn toàn khối u. Êkíp ca mổ có năm người, trong đó BS mổ chính trực tiếp ngồi ở buồng điều khiển cánh tay robot để phẫu thuật cắt khối u cho bệnh nhân C.

Bác sĩ BV Bình Dân phẫu thuật bằng robot cắt khối u tuyến tiền liệt cho bệnh nhân . Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Thay vì cầm dao mổ, BS điều khiển bốn cánh tay robot thế hệ mới Da Vinci, phối hợp với êkíp qua chiếc mic để thực hiện ca phẫu thuật. Các cánh tay robot linh hoạt di chuyển, thực hiện cắt lọc, bóc tách u, cắt đốt, khâu nối... theo cử động tay chân của BS.
Ca phẫu thuật nội soi robot diễn ra trong khoảng 1 tiếng, khối u được bóc tách, robot hoàn thiện nối cổ bàng quang, niệu đạo giúp bệnh nhân đi tiểu được sau mổ.
Ông Vũ Ngọc Sơn (58 tuổi) mắc bệnh ung thư vòm hầu. Mỗi lần đến BV Ung bướu TP.HCM để khám, ông thường phải chờ đợi hàng giờ để có kế hoạch xạ trị, có hôm phải ngồi từ sáng đến trưa.
Giờ đây, nhờ BV ứng dụng robot AI trong lập kế hoạch xạ trị, thời gian chờ đợi của ông Sơn đã rút ngắn đáng kể. “Sau khi BS giải thích xong, tôi được hướng dẫn vào phòng xạ trị ngay trong buổi sáng. Họ nói phương pháp này chính xác, hiệu quả hơn và giảm biến chứng so với cách cũ” - ông Sơn vui mừng.
Trạm y tế đầu tiên trên cả nước ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh X-quang phổi và ứng dụng telemedicine là Trạm y tế xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Giảm một nửa thời gian, hiệu quả hơn nhiều lần
BV Quân y 175 bắt đầu triển khai kỹ thuật sinh thiết xương tại các vị trí khó tiếp cận với sự hỗ trợ của robot Maxio từ năm 2021. Đến nay, BV đã thực hiện sinh thiết thành công khoảng 100 ca tại các vị trí khó như nền sọ, cột sống cổ, ngực, thắt lưng.

Một bệnh nhân đang được các BS tại BV Quân y 175 thực hiện sinh thiết xương với sự hỗ trợ của robot Maxio. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
BS Ngô Đăng Hưởng, khoa Xạ trị, nhận định khi tích hợp AI, robot sẽ giúp định hướng chính xác đường kim, xác định độ sâu, hướng đi an toàn, giảm thiểu tổn thương cho bệnh nhân và hạn chế số lần chụp CT, giảm liều phóng xạ cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
“Sinh thiết xương dưới sự hỗ trợ của robot Maxio giúp tiết kiệm chi phí điều trị, bệnh nhân chỉ chi trả khoảng 2,5 triệu đồng nếu không có BHYT hoặc chỉ còn 600.000-800.000 đồng nếu có BHYT, thấp hơn rất nhiều so với chi phí của phương pháp truyền thống” - BS Hưởng thông tin thêm.
Bên cạnh đó, BV Thống Nhất đưa vào sử dụng hệ thống chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao thế hệ mới vào cuối năm 2024 gồm máy MRI, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) và máy Spectral CT7500. Đây là thế hệ máy hiện đại có sự tham gia của AI, Đông Nam Á hiện có bốn máy, BV Thống Nhất là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam trang bị máy này.

Bệnh nhân chụp CT-scan với máy thế hệ mới hiện đại, áp dụng công nghệ AI tại BV Thống Nhất. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
BS CKII Đỗ Võ Công Nguyên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh của BV, cho biết hệ thống máy mới có thể khảo sát các vùng khó tiếp cận như não, cột sống, khớp và các cơ quan nội tạng, hỗ trợ phát hiện sớm và chính xác các bệnh lý thần kinh, cột sống, u bướu… Hệ thống này đảm bảo chính xác tuyệt đối trong các can thiệp y khoa phức tạp và đặc biệt hữu ích trong các tình huống cấp cứu như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay tai nạn nặng.
“Trước đây với hệ thống máy cũ, mỗi ngày khoa chụp được khoảng 80 ca thì nay hệ thống máy mới tích hợp AI giúp rút ngắn thời gian hơn một nửa nên năng suất có thể tăng gấp đôi” - BS Nguyên nói.
Từ cuối năm 2026, BV Bình Dân đã bắt đầu phẫu thuật bằng robot trên người lớn tại Việt Nam. Những năm gần đây, số ca phẫu thuật robot tăng nhanh, BV phải tăng thời gian làm việc từ hai lên ba ca/ngày, làm luôn thứ Bảy.

Đến nay, BV Bình Dân đã phẫu thuật robot được hơn 3.500 ca, chủ yếu là mổ ung thư và các loại bệnh lý phức tạp. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Theo BS CKII Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc BV Bình Dân, ưu điểm của phẫu thuật robot là có thể tiếp cận những vị trí ngóc ngách mà phương pháp nội soi thông thường không thể làm được. Hình ảnh 3D sắc nét giúp BS thực hiện chính xác hơn, tiết kiệm 35%-40% thời gian so với phẫu thuật cổ điển.
Cũng theo BS Châu, ở Việt Nam, giá một ca phẫu thuật dao động 130-150 triệu đồng, trong khi ở Singapore khoảng 1 tỉ đồng. Bởi vậy, ngày càng có nhiều bệnh nhân chọn phẫu thuật robot, trong đó nhiều người từ Thụy Sĩ, Pháp, Campuchia… tìm đến.
Nơi đầu tiên tại Việt Nam có hệ thống lập kế hoạch xạ trị tích hợp AI chính là BV Ung bướu TP.HCM. TS-BS Lâm Đức Hoàng, Trưởng khoa Xạ trị đầu cổ, Tai mũi họng, Hàm mặt (BV Ung bướu TP.HCM), cho hay mỗi ngày nơi đây tiếp nhận hàng trăm ca xạ trị ung thư đầu cổ. Trong đó, khoảng 70% cần xạ trị để tiêu tế bào ung thư nhanh chóng và hạn chế tối đa tác động lên mô lành xung quanh.

AI tự tính toán phân bố liều tạo kế hoạch xạ trị tối ưu cho bệnh nhân tại BV Ung bướu TP.HCM. Ảnh: DI LINH
Ứng dụng AI trong chiến lược lập kế hoạch giúp nâng cao độ chính xác trong mô phỏng, giảm thiểu tổn thương mô lành và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. AI giúp phân tích, đưa ra kết quả xác định cấu trúc chỉ mất vài phút (2-4 phút), trong khi BS cần 2-4 giờ để hoàn thành công việc này.
Ngoài ra, AI còn giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian chờ lập kế hoạch điều trị từ 5-10 ngày xuống còn 1-3 ngày, có trường hợp hoàn thành trong ngày.•
PGS-TS TRẦN QUÝ TƯỜNG, Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế)
AI có thay thế bác sĩ trong tương lai?
TP.HCM đang có những bước tiến đáng ghi nhận trong ứng dụng AI vào lĩnh vực y tế. Việc sử dụng robot trong phẫu thuật không chỉ nâng cao độ chính xác mà còn giảm thiểu sang chấn, rút ngắn thời gian phục hồi và nâng cao chất lượng điều trị do robot có khả năng thực hiện các thao tác tinh vi mà con người khó có thể đạt tới.
Tuy nhiên, chi phí là một rào cản lớn khi giá thành phẫu thuật còn cao, trong khi BHYT hiện chưa chi trả đủ... Tương lai cần có cơ chế tài chính phù hợp để hỗ trợ phát triển kỹ thuật, công nghệ cao trong ngành y tế.
Dù AI phát triển mạnh mẽ, con người vẫn giữ vai trò trung tâm trong chăm sóc sức khỏe. AI chỉ hỗ trợ BS, điều dưỡng thực hiện công việc tốt hơn chứ không thể thay thế hoàn toàn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/robot-ai-canh-tay-dac-luc-cua-cac-bac-si-post846360.html