Rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi nên ăn gì?
Sự rối loạn chuyển hóa mỡ gây ra nhiều bệnh mạn tính ở người cao tuổi. Ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn hàng ngày cũng rất quan trọng trong điều trị rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi.
Sự rối loạn chuyển hóa lipid góp phần gây ra nhiều bệnh mạn tính liên quan đến tuổi tác. Lipid máu và các tiền chất của bệnh mạn tính khác phát sinh do rối loạn chuyển hóa lipid, cuối cùng phát triển thành một số bệnh mạn tính, chẳng hạn như tiểu đường type 2, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), béo phì...
Thức ăn hàng ngày rất quan trọng trong việc điều trị rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi, để đảm bảo sức khỏe người bệnh cần ăn theo một thực đơn hợp lý.
Năng lượng hằng ngày nên áp dụng từ 30 - 35 kcal/kg cân nặng; protein là 15 - 20% tổng năng lượng; lipid chiếm 20 - 25% tổng năng lượng (trong đó 2/3 là acid béo không no), cholesterol < 300mg/ngày; glucid 50 - 60% tổng năng lượng, ưu tiên ngũ cốc nguyên cám và đường < 25g/ngày; tăng chất xơ.
Đặc biệt, giảm ăn muối, tăng cường các thực phẩm giàu kali, canxi, magiê.
Các loại thực phẩm nên dùng
Người cao tuổi bị rối loạn mỡ máu nên ăn các loại gạo, mì, ngô, khoai củ, sắn, bún, phở. Ưu tiên ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, yến mạch, bánh mì đen hoặc ngũ cốc xay xát không kỹ.
Người cao tuổi bị rối loạn mỡ máu nên ăn đa dạng các loại thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ… (đặc biệt là cá: ăn cá ít nhất 3 - 4 lần/tuần). Sử dụng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu vừng…). Ăn đa dạng rau, quả trái cây, trung bình khoảng 300-400g rau hoặc trái cây/ngày.
Ngoài ra, người cao tuổi bị rối loạn mỡ máu nên ăn các loại hạt: đậu đỗ, lạc, bí, hướng dương, điều, óc chó, hạnh nhân…
Thực phẩm giàu kali: rau dền, rau lang, rau ngót, rau bí, khoai tây, khoai sọ, hạt điều, chuối, bơ, ổi, kiwi...
Một số thực phẩm dành cho rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi:
Ngũ cốc
Ngũ cốc và một sự lựa chọn tuyệt vời cho những người bị rối loạn mỡ máu, những người bị rối loạn mỡ máu thường có cân nặng quá mức bình thường. Ngũ cốc chứa nhiều chất xơ có thể giúp người bệnh đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể bên cạnh đó ngũ cốc giúp no lâu và giảm hàm lượng thức ăn nạp vào cơ thể.
Đậu nành
Đậu nành là một loại thực phẩm rất tốt cho tim mạch, hơn nữa loại hạt này còn chứa nhiều chất đạm, vitamin, khoáng chất có thể đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể. Đậu nành và những chế phẩm từ đậu nành là đáp án cho vấn đề rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi nên ăn gì? Trong bữa ăn của người bệnh có thể bổ sung những món ăn làm từ đậu nành như đậu khuôn, bột đậu tương, tào phớ, sữa đậu nành,…
Rau xanh
Người bị bệnh rối loạn mỡ máu được khuyến khích ăn nhiều rau xanh vì rau xanh có chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Đặc biệt là chất xơ có trong rau xanh có tác dụng rất tốt trong việc điều trị bệnh. Một số loại rau được khuyên dùng: rau ngót, cải bắp, mồng tơi, cà rốt, giá đỗ,… và một số loại trái cây ít ngọt và giàu vitamin.
Nhóm thực phẩm người cao tuổi bị rối loạn mỡ máu nên tránh sử dụng:
Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh chứa nhiều muối: thịt muối, cá muối, giò, chả, pate, dưa muối, cà muối, xúc xích, lạp xưởng…
Người cao tuổi bị rối loạn mỡ máu nên tránh thực phẩm chứa nhiều cholesterol: phủ tạng động vật (tim, lòng, óc…), tủy xương, lòng đỏ trứng. Tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa: dầu dừa, dầu cọ, mỡ động vật, bơ động vật, sữa toàn phần.
Thực phẩm chứa nhiều đường cũng cần hạn chế dùng ví dụ như: đường kính, nước ngọt, bánh kẹo, kem, chè… rượu, bia, thuốc lá.
Đặc biệt khi chế biến món ăn, chỉ nên sử dụng dưới 5g muối/ngày. Nên chế biến các món ăn nhạt tới mức có thể chấp nhận được và giảm dần lượng muối tới mục tiêu dưới 5g muối/ngày. Đặc biệt, hạn chế các món xào, quay, rán.
Tóm lại: rối loạn mỡ máu có thể dẫn đến biến chứng đột quỵ, tai biến mạch máu não. Đặc biệt bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh, lười hoạt động thể lực hoặc lạm dụng đồ uống có cồn. Vì vậy, việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn là vô cùng quan trọng để cải thiện, phòng rối loạn mỡ máu.