Ba cách xử lý khi ngộ độc thực phẩm ngày Tết

Thức ăn dư thừa, ăn đi ăn lại nhưng không bảo quản đúng cách khiến ôi thiu, biến chất… và là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Do dịp Tết nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng cao dẫn đến khó kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm. Vì vậy, nếu không lựa chọn kỹ càng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thức ăn bị nhiễm các loại vi khuẩn, virus, bảo quản và chế biến thực phẩm không đúng cách, vô tình sử dụng đồ ăn ôi thiu... là những nguyên nhân gia tăng các trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Theo Bộ Y tế, trong 24 giờ (tính từ 7 giờ ngày 31/1 đến 7 giờ ngày 1/2 tức ngày mùng 4 Tết Ất Tỵ 2025), số ca khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia/rượu là 125 người, trong đó 73 người phải nhập viện theo dõi, điều trị. Trong 7 ngày từ 25/1-1/2 có 709 người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia/rượu, trong đó 442 người phải nhập viện theo dõi, điều trị, chưa ghi nhận ca tử vong.

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra với bất cứ ai, thường xuất hiện sau 4-6 giờ với những trường hợp nhiễm độc tố, và 1-2 ngày với trường hợp nhiễm khuẩn sau khi ăn phải thực phẩm bẩn.

Chia sẻ dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, Tiến sĩ Ngô Chí Cương, Trưởng khoa Nội, Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: Dấu hiệu đầu tiên nghĩ đến bị ngộ độc thực phẩm gồm đau quặn bụng, tiêu chảy phân lỏng trên 3 lần trong 24 giờ, buồn nôn, nôn, hoặc những triệu chứng khác như sốt cao trên 39 độ C; các triệu chứng mất nước gồm háo nước, da khô, môi khô, mắt trũng…

Trường hợp nghiêm trọng hơn xuất hiện mạch nhanh, thở nhanh, li bì, co giật… Ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện môi khô, lưỡi khô, mắt trũng, khóc không ra nước mắt.

Khi bị ngộ độc, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh diễn biến nặng và có thể để lại biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, suy cơ quan, loạn điện giải, nghiêm trọng là ảnh hưởng tới tính mạng.

Theo Tiến sĩ Cương, ngộ độc thực phẩm sẽ bắt đầu trong vòng vài giờ từ khi vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiêu hóa. Tùy vào từng giai đoạn, biểu hiện có thể xử lý theo các cách như sau: Trong vòng 4-6 giờ sau khi ăn, nếu xuất hiện các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, lúc này thức ăn vẫn còn trong dạ dày, chưa xuống ruột nên cần khẩn trương để tống thức ăn bị nhiễm độc ra khỏi dạ dày.

Cách gây nôn thông thường là ngoáy họng nếu bệnh nhân còn tỉnh táo. Hoặc có thể cho bệnh nhân uống nước muối loãng (2 thìa canh muối pha vào một cốc nước ấm), rồi ngoáy họng để kích thích nôn.

Nếu bệnh nhân lơ mơ, không tỉnh táo, hoặc có thể co giật thì không được để gây nôn, vì đề phòng bị sặc.

Người ngộ độc bị tiêu chảy: Nên uống nhiều nước, không nên uống sữa. Pha 1 lít nước với 1 gói Orezol, hoặc không có sẵn gói Orezol có thể pha ½ thìa cà phê muối với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để tránh mất nước. Ngoài ra, uống nhiều nước còn giúp trung hòa chất độc trong cơ thể, hạn chế tác độc tố gây nên.

Trường hợp bị ngộ độc nặng xuất hiện dấu hiệu nôn ói, tiêu chảy nhiều lần, đau đầu, tê môi, nổi mẩn đỏ… cần tới ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ, sum vầy và gắn kết các thành viên trong gia đình sau một năm xa cách, bươn chải mưu sinh. Trong thời khắc đầu năm mới này, bên cạnh ý nghĩa đoàn tụ, ai trong chúng ta cũng mong muốn có được sự khởi đầu suôn sẻ, hanh thông.

Vì vậy, để tránh xa “sự cố” sức khỏe do ngộ độc thực phẩm gây nên, Tiến sĩ Cương khuyên bạn hãy “bỏ túi” ngay 5 nguyên tắc sau: Chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bảo quản thực phẩm đúng cách, thức ăn sống, thức ăn chín phải để riêng; thực hiện ăn chín, uống sôi, nếu đồ đã chế biến để trong tủ lạnh để bảo quản cần đun nóng trước khi ăn, nhưng không nên đun đi đun lại nhiều lần; Không ăn thức ăn ôi thiu; Ngâm, rửa sạch rau khi ăn sống; rửa tay sạch trước khi chế biến và trước khi ăn; giữ dụng cụ, nơi chế biến luôn sạch sẽ.

"Nếu phải ra hàng quán ăn, nên chọn những hàng quán sạch sẽ, uy tín, có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm", Tiến sĩ Ngô Chí Cương khuyến cáo.

MẠNH TRẦN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ba-cach-xu-ly-khi-ngo-doc-thuc-pham-ngay-tet-post858292.html