Rối loạn tâm thần gia tăng mạnh

Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, nước ta đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng. Thế nhưng, đa phần người dân chưa được nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Thăm khám bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).

Thăm khám bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người, trong đó tỷ lệ mắc tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác. Ở trẻ em, hơn 3 triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Thế nhưng, theo các chuyên gia về tâm thần học, con số thực tế rơi vào khoảng 20-25%. Trong khi đó, đây mới chỉ là số liệu từ năm 2014, ở thời điểm hiện tại, sau khi trải qua đại dịch Covid-19, số liệu thực tế có thể còn tăng hơn rất nhiều.

Mặc dù số liệu ước lượng về tình trạng sức khỏe tâm thần của người Việt là rất đáng báo động, thế nhưng, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở nước ta đối với người dân vẫn còn khá khó khăn.

Đơn cử, kết quả khảo sát năm 2022 của Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho thấy chỉ có 9.1% (59/649) cơ sở tuyến quận, huyện tổ chức khám, chữa bệnh nội trú cho người bệnh tâm thần. Kết quả này cho thấy, khoảng trống lớn về điều trị rối loạn tâm thần tại tuyến quận, huyện.

Bên cạnh đó, vấn đề tài chính là một trong những thách thức chính, khi nhiều người dân không có khả năng chi trả cho các dịch vụ tâm lý hoặc không có bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, nhân lực trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu, các thủ tục và quy trình cấp chứng chỉ hành nghề chưa rõ ràng và xã hội vẫn còn tồn tại sự kỳ thị đối với những người làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần.

BS Vũ Sơn Tùng - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Một tâm lý khá phổ biến, đó là khi đi khám bệnh người dân chỉ chú trọng đến những bệnh nặng, những bệnh liên quan tới cơ thể. Ví dụ như đau răng, đau bụng… thì đi khám. Thế nhưng, nếu một người bị mất ngủ, có khả năng sẽ nghĩ: “hôm nay không ngủ thì mai ngủ”. Có thể nói, người Việt ít quan tâm tới các bệnh lý liên quan tới tâm thần. Một thực trạng đáng buồn hơn đó là nghiện rượu cũng là một loại bệnh tâm thần. Thế nhưng, đối với người Việt thì vui nâng chén, buồn cũng nâng chén lại là một việc bình thường”.

BS Tùng cho hay, trước đây, chúng ta cho rằng trầm cảm là bệnh tâm thần nguy hiểm. Thế nhưng hiện tại, đó là một căn bệnh có những triệu chứng rất rõ ràng. Nó không phải là một căn bệnh diễn biến âm thầm, có thể can thiệp sớm bằng những biện pháp trị liệu tâm lý. Thế nhưng, chính những e ngại, những sợ hãi và quan niệm sai lầm đã khiến nhiều người cố tình bỏ qua những dấu hiệu ban đầu và để bệnh tiến triển dẫn tới người bệnh buồn chán, mặc cảm, tự ti và hậu quả cuối cùng là tự sát...

Trước tình hình nói trên, ngoài những biện pháp đều biết, như là tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn tới người dân thì cần tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần ban đầu, từ tuyến huyện nên có bác sĩ chuyên khoa tâm thần để giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận hơn, tránh tình trạng người dân đi khám khi bệnh đã nặng.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, khi gặp các vấn đề về tâm lý nói chung, không ít người tìm tới những giải pháp về tâm linh mà bỏ qua những lời khuyên của các bác sĩ. Tín ngưỡng không xấu, nhưng nếu để kẻ xấu lợi dụng thì vấn đề lại vô cùng nghiêm trọng. Trên phạm vi cả nước đều đã ghi nhận những trường hợp bệnh nhân đang điều trị, có chuyển biến tốt nhưng nghe theo lời người khác, đi cúng bái rồi nghe lời kẻ xấu, bỏ điều trị, bỏ uống thuốc, có trường hợp tốn rất nhiều tiền mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc uống, cuối cùng phải nhập viện trong tình trạng rất nặng.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/roi-loan-tam-than-gia-tang-manh-10283061.html