Rồi ngày nắng đẹp...
Huy vẫn chạy theo lối mòn để vào làng Bloi. Trời chiều hôm nay đổ nắng nhàn nhạt, Huy háo hức mãi không thôi. Nghe tin thằng Lui sẽ sớm được tại ngoại vì chủ động ra đầu thú trước pháp luật, thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp điều tra. Huy ghé nhà báo cho mí biết là thằng Lui sắp về với mí rồi. Mí nắm lấy tay anh run run, hỏi đi hỏi lại vài lần mới dám thở phào một hơi, ngồi phịch xuống giường. Huy cũng ngồi xuống bên cạnh, vỗ vỗ tay mí HMa.
Thằng Lui băng băng bước đi trong đêm, như là bỏ chạy thì đúng hơn. Những hố cà phê nhấp nhô lên xuống, những hàng kẽm gai kéo xước sát tay chân. Đêm tịch mịch giữa khoảng không người, có mình nó cố bươn lao đi về phía trước. Chẳng biết đã đi qua những đâu, đã được bao xa, nó muốn tìm thấy nơi càng vắng người càng tốt. Nó phải trốn đi thật xa. Nhưng, còn mí thì sao…
Dừng lại để định hình hướng về làng. Những căn nhà chìm trong đêm, đâu đó vang lên tiếng chó sủa. Nó giật mình cảnh giác nhìn quanh, lẻn vào sân một nhà ven đường chẳng cổng cao tường kín, vớ đại lấy bộ quần áo mắc trên giàn phơi. Như tên trộm vặt, nhanh chóng lẩn vào đêm bịt bùng. Lầm lũi bước theo quán tính về nơi đã quen thuộc. Chiếc bóng dưới trăng đeo bám theo sau lặng lẽ. Tiếng chó vẫn văng vẳng từ sau đuổi rượt khiến bước chân càng nhanh hơn, cuống quýt. Hòa vào đêm đen đặc quánh.
*
Huy lại tạt ngang nhà của mí HMa, xem tình hình mí có ổn không. Vẫn như hôm qua, chiếc giường gỗ cũ ọp ẹp, thấy mí nằm gác tay lên trán, gầy đến thảm thương. Mí nghe tiếng bước chân, đưa mắt nhìn, thấy là Huy thì trở dậy, giọng thều thào chẳng còn chút sức.
- Thằng Huy đến nữa à? Đến làm gì, về đi!
Huy chẳng buồn bận tâm lời xua đuổi, lại hỏi mí đã ăn cơm, uống thuốc chưa. Mí đưa tay vuốt lại mái tóc đã bạc như cước, lẫn đâu đó vài sợi đen, quấn lại thành búi tỏi sau đầu, thở ra một hơi dài rồi đáp đã ăn. Nhìn bếp núc lạnh tanh, Huy đoán chắc lại bỏ bữa. Anh xắn tay áo vào bếp, mặc kệ mí liên tục can ngăn. Nhà vốn chẳng có tủ lạnh hay đồ dùng hiện đại nên bao lần ghé cũng chỉ đem chút rau hay vài quả trứng. Thùng mì tôm từ lần đầu ghé vẫn còn chưa khui. Thùng gạo đổ đầy cũng chẳng vơi đi để trút thêm được nữa. Huy chẳng dám lắc đầu thở dài.
Từ ngày về lại, Huy thường hay nhớ về ngày cũ. Ngày ấy anh thường trốn học theo thằng Lui về làng Bloi đi ruộng tắm thác. Làng Bloi nằm chẳng cách quá xa trung tâm, nhưng con đường dẫn vào làng ngoằn ngoèo lại khó đi nên thành ra làng nghèo và vẫn còn sót lại những dung dị chất phác. Chạy theo những con đường mòn quanh co cỏ dại còn mọc hai bên bờ, thằng Lui dẫn Huy ra ruộng lúa. Những cánh đồng xanh um tốt tươi, những khe nước từ nguồn róc rách chảy ra mát rượi. Hai đứa men theo bờ ruộng bắt ốc xúc cua, lội sình nhớp nháp dưới chân phát ra tiếng lép nhép nghe vui tai lắm. Chiều về lại được ăn cơm nguội từ lúa làng với muối cua gác bếp. Đến tận bây giờ, dù đã ăn qua bao nhiêu món ngon món lạ, vẫn chẳng thể nào quên đi cái hương vị lạ miệng ngon lành những ngày trốn học xưa ấy. Chưa tìm thấy ngày vui nào bình yên hơn những chiều thong dong trên ruộng lúa.
Có những lần len lỏi vào rừng sâu đến con thác Đok. Thằng Lui hay bảo đây là địa điểm bí mật chỉ riêng nó và Huy biết. Thác Đok không phải khó tìm, mà do con nước nhỏ lại chẳng có gì để thu hái, người làng mấy ai rảnh rỗi mà đi ngắm cái đẹp, cái hoang sơ của núi rừng. Vậy rồi, thằng Lui mới tự phong là địa bàn riêng của hai đứa. Len lỏi rừng sâu bị muỗi cắn đến tơi tả. Chiều về bị mí la trách, nó chỉ cười khà khà, nháy mắt với Huy rồi hai đứa lại thong dong đạp xe về trung tâm. Mí nhét vội vào tay hai đứa đùm cơm nóng với bịch muối cua làm thức ăn thay bữa cơm tối. Huy cũng gọi bà HMa là mí, cũng mỗi lần trốn học là theo thằng Lui chạy về làng, kéo cánh cửa cũ kỹ, chui vào nhà. Chẳng thấy mí đâu thì lại lỉnh đi ruộng đi thác, lúc về bốc đại miếng cơm nguội, nghe mí mắng vài câu rồi lại đi.
Tới tận bây giờ hai thằng nhóc khi xưa đã lớn, mỗi đứa một nơi, chậm rãi rời xa nhau. Thế nhưng, làng Bloi vẫn là làng của anh. Mí thằng Lui cũng vẫn là mí anh. Ngần ấy năm đi qua cũng vẫn thương lắm.
*
Căn nhà giờ vẫn cũ kỹ như xưa, cánh cửa mỗi lần mở ra vẫn phát tiếng kêu kèn kẹt. Nhà chỉ có hai mẹ con, vẫn bám trụ vào mấy ô ruộng nên hơn chục năm trời vẫn im lìm, chẳng thay đổi. Chỉ có con người ta là thay đổi, như mí HMa giờ đã già đi nhiều lắm, Huy và thằng Lui cũng đâu còn là hai thằng nhóc trốn học về làng. Mí giờ thấy Huy đến không cười cũng chẳng mắng. Chỉ đưa một ánh mắt nhìn rồi lại im lặng, chẳng nói thêm gì. Huy đành phải tự tìm chuyện để lên tiếng, dẫu đôi khi mí cũng chẳng đáp lời. Nhưng, Huy vẫn nói, chỉ là tránh nhắc đến thằng Lui.
- Ông Puih làng mình già rồi mà khỏe ha mí. Con thấy ổng còn ốm hơn mí nữa mà đi rẫy đi ruộng không ai bằng.
Mí khẽ ừ một tiếng, chìm nghỉm trong tiếng lào xào Huy bận rộn khua khoắng giữa gian bếp nhỏ. Anh lại hỏi, câu hỏi mà bao nhiêu lần ghé qua đều phải hỏi, mặc dù mí chẳng bao giờ cho anh một câu trả lời ưng lòng.
- Mí định bao giờ mới đi chữa bệnh? Mình có bệnh mình phải đi chữa chớ! Mổ xong còn về lo rẫy ruộng chớ!
- Thôi, thằng Huy. Tao không đi khám đâu. Mày cứ để tao chết đi!
Lần nào cũng vậy, nhắc tới chuyện đi viện, mí lại rầu rĩ không thôi. Huy biết mí không thoát khỏi được những muộn phiền đang vướng bận trong lòng. Còn chưa biết phải dỗ dành sao cho mí đồng ý thì đã nghe mí nức nở.
- Mày cứ để tao chết đi...
Huy thở dài, câu chuyện chẳng biết phải tiếp nối thế nào cho khỏi gượng gạo. Bữa cơm đạm bạc đã xong, Huy dọn lên mâm lên bát rồi chễm chệ ngồi xuống.
- Thôi con đói rồi, mí ăn cơm với con đi.
Mí lau nước mắt, làn da nhăn nheo đầy những vết nám và nếp nhăn. Nhìn ngơ ngác vào mâm cơm chỉ có trứng chiên rồi rau luộc, mồm miệng nhạt thếch. Nhà cửa nhếch nhác và bẩn thỉu, Huy cũng chẳng ngại nền nhà đầy những bụi mà ngồi chồm hổm chờ mí cùng ăn cơm. Ngẫm ngợi một chút rồi cũng ngồi xuống. Chén cơm hạt sống hạt sượng còn bốc khói, Huy và từng và lớn, ăn ngon lành. Mí rưng rưng nước mắt.
Thẫn thờ nhớ cái ngày thằng Huy trở về. Dẫu vẫn biết là chuyện chẳng lành, nhưng vẫn chết lặng khi nghe Huy nhẹ bẫng nói rành rọt.
- Thằng Lui bị bắt rồi, mí ạ!
- Thật là nó đi với lũ người xấu à?
- Dạ...
Tâm trạng Huy nặng nề, mí cũng đau đớn chẳng nói thành lời. Khoảng im lặng trôi theo từng tiếng gió kéo đám lá sàn sạt trên mái tôn. Một vài người đi ngang lại liếc mắt nhìn vào. Người ta xì xào nhà bà HMa theo phản động, chống phá Nhà nước rồi. Ban đầu chỉ là đồn đoán. Rồi thằng Huy về. Ai cũng biết thằng Huy nay làm anh cảnh sát cơ động, đi đâu tỉnh ngoài. Hồi ấy thằng Lui từng hào hứng khoe mẽ khắp nơi như thể là niềm vui của chính mình vậy. Lâu lắm rồi chẳng còn thấy thằng Huy đến, vậy mà nay lại bắt gặp. Về rồi lại ghé ngay giai đoạn nước sôi lửa bỏng, ngay lúc thằng Lui đã vắng bóng được đâu đó hơn tuần. Huy dặn dò mí giữ sức khỏe rồi lại ra về. Trước khi lên xe rời đi cũng không quên dừng lại dặn dò bà con.
- Mí HMa đang có bệnh trong người. Bà con nhớ giúp đỡ chăm sóc nhé.
Có người từ sau hỏi vọng tới.
- Thằng Lui đi làm phản động à, cán bộ Huy?
- Bà con đừng đoán bậy. Thằng Lui chỉ đi làm xa để lấy tiền chữa bệnh cho mí nó thôi. Nên nó nhờ cháu có về thì ghé để khuyên mí HMa đi mổ đây. Bà con làng mình nhớ khuyên bảo mí nha.
Trấn an thêm vài câu, Huy lên xe ra về. Từng đoạn ký ức chìm rồi lại nổi. Từng hình ảnh loáng thoáng hiện về rồi lại trôi tuột về nơi nao xa xăm. Chiều tàn thả sợi nắng mong manh hiu hắt, chẳng xua tan được mây đen u ám kéo về đầy trời.
*
Tây Nguyên mùa tháng bảy trời vừa nắng ráo đâu đó rồi bất chợt đổ mưa. Giống cái ngày Huy tìm thấy thằng Lui ở thác Đok vậy. Nó nằm co ro trong cái hang đất sau thác, nước da nhợt nhạt, gầy sút đến rạc người, đói đến run rẩy. Huy ngầm đoán được nó trốn chui trốn nhủi ở đây đã bao lâu. Theo lệnh điều động, Huy trở về nơi mình sinh ra, cùng đồng đội thực hiện truy bắt toàn bộ nhóm bạo động đánh vào chính quyền. Đó có lẽ là một tuần đầy ám ảnh và đau xót của Huy. Thằng Lui nằm trong nhóm đối tượng truy quét, vốn không còn nằm trong nhiệm vụ. Huy cứ bận lòng mãi, nhớ đến nơi mà thằng Lui gọi là địa điểm bí mật, lại nghĩ đến những ngày qua, lần tìm tới chỉ mong có thể cứu vớt thằng Lui ra khỏi vòng vây tội lỗi.
Thác Đok vẫn vậy, đầy muỗi và chẳng có gì để thu hái. Thằng Lui không dám về làng, chỉ nhổ cây dại, hái trái hoang ăn bậy cho qua ngày. Mùi hôi hám vảng vất khó chịu đến ghê người. Nó đã gầy đến xác xơ. Khi bị Huy túm áo lôi ra ngoài sáng chân còn đứng chẳng vững. Mưa trút nặng hạt xối xả, từng nắm đấm cũng nện xuống khuôn mặt thất thần và ngơ ngác của thằng Lui. Từng câu hỏi nối tiếp nhau chẳng có tiếng đáp lời.
- Tại sao? Tại sao mày theo bọn nó? Hả?
Những nắm đấm cứ liên tiếp, dồn dập. Thằng Lui chẳng đánh trả hoặc chẳng còn đủ sức mà đáp trả. Nó cũng chẳng vùng chạy. Cứ như một bao cát mặc cho Huy trút cơn giận. Máu bắt đầu tràn ra khóe môi thằng Lui, nó cũng chẳng kêu rên, chỉ chảy nước mắt, ú ớ khóc. Huy không tiếp tục đánh, túm áo ra sức lay, tiếp tục hỏi.
- Mày có giết Công an không? Có giết cán bộ không? Hả?
Lần nó lắc đầu thay cho tiếng đáp lời. Mưa vẫn chưa ngừng rơi, thác Đok vẫn đổ nước ầm ì, phả vào chiều, mây đen vần vũ trên bầu trời như trút cho cạn. Thằng Lui sau khi no đòn thì nằm dài trên nền đất ẩm ướt. Mưa thôi nặng hạt. Nó bắt đầu khóc lớn, tiếng nức nở uất nghẹn bật ra đau đớn. Huy cũng thấy sống mũi cay cay. Vì buồn, vì cả bất lực.
Nhận được lệnh triệu tập hỗ trợ chống bạo động nơi quê nhà, Huy đã lo lắng biết bao. Cũng chưa một lần nghĩ mình sẽ phải tự tay bắt một ai đó quen biết về nhận tội. Mong mỏi sau khi bọn phản động bị quét sạch sẽ lại tìm thằng Lui đi dạo mé ruộng, uống nước nguồn từ khe róc rách mát rượi. Chỉ cần nhớ đến nắm cơm nóng với muối cua mí HMa vẫn thường dấm dúi những lần trốn học thì sự mong ngóng hoàn thành nhiệm vụ càng thôi thúc trong lòng. Nhưng rồi, đau đớn đến nghẹn khi nghe những kẻ bị bắt khai ra một cái tên chẳng thể quen thuộc hơn được nữa. Huy lại nhớ tới thằng bạn hay dắt mình đi trên những bờ ruộng lô nhô kể về hoài bão và ước mơ. Nếu không thể làm Công an thì về làm anh cán bộ thôn làng gì đó cũng được. Thứ ước mơ nuôi lớn bằng tình yêu với làng, với dân tộc mình nó da diết mênh mông lắm. Sao có thể vặn vẹo lớn lên lại tự hủy hoại đi chính ước mơ năm nào.
- Tại sao mày làm như vậy hả Lui?
- Tao... tao...
Sau những ấp úng, thằng Lui nén lại tiếng khóc. Nó cầu xin Huy đừng giao nó cho chính quyền. Nó sợ tội của nó chẳng thể trở về chăm sóc được mí nữa. Sau đó thằng Lui khóc rống vì đã lầm tin kẻ xấu. Sa chân lỡ bước, tưởng rằng chỉ là một cuộc biểu tình đơn giản, chẳng ngờ đâu lại liên quan đến giết người. Nó đưa bàn tay run rẩy lên rồi thề thốt nó chưa hề ra tay với ai cả. Giờ nó chỉ hy vọng có thể trở về chăm sóc cho mí mà thôi. Tiếng gào khóc vang vọng giữa cái âm u của rừng, cái ầm ì của dòng thác đang chảy. Huy ngồi chết lặng. Quả thật, người ta vẫn luôn có những lý do khi phạm sai lầm, nhưng sai lầm lần này của thằng Lui có thể chẳng còn đường quay lại nữa.
Thằng Lui vẫn gục mặt lắc đầu, tiếng nghẹn dội vào tai Huy sao chua xót quá. Huy cố gắng để kìm nén những bất lực và tức giận trong lòng để khuyên can nó tự ra đầu thú trước pháp luật, sau cùng Huy nói.
- Chẳng ai trốn được cả đời đâu, mày phải ra đầu thú. Để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Mày tin bọn nó được mà không tin tao à?
Thằng Lui chết lặng nhìn Huy, môi mấp máy định nói gì đó. Nhưng rồi, chốc lát sau chỉ lặng lẽ gật đầu. Cả hai ngồi nơi thác Đok thật lâu, chẳng nói thêm điều gì. Khoảng lặng nhấn chìm hai kẻ vào trăm mối suy tư. Đêm dần buông xuống, hai chiếc bóng lầm lũi men theo con đường hướng về trung tâm.
*
Chỉ còn vài ngày nữa, Huy sẽ hết thời gian phép, phải trở về đơn vị công tác. Sau ngày hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống bạo loạn ngay trên mảnh đất quê hương mình, theo lệnh, Huy phải cùng đội trở về đơn vị. Thế nhưng, anh cứ lủi thủi đi theo chỉ huy, xin phép được ở lại thêm dăm hôm nữa. Câu trước câu sau lúng búng cố xin nán lại vài ngày bởi nỗi lo về mí HMa vẫn chưa thôi trăn trở trong lòng. May sao, sau khi báo lên trên, chỉ huy thông báo cấp trên đã phê duyệt cho Huy được nán lại thêm tuần nữa để “củng cố, động viên tinh thần bà con sau cơn bạo loạn”. Huy rối rít cảm ơn, còn cấp trên lại vỗ vai dặn dò Huy mau chóng hoàn thành công việc còn dang dở để quay về báo cáo cùng đơn vị. Nụ cười của vị chỉ huy già dung dị, cái vỗ vai khích lệ khiến Huy thêm vững lòng.
Cơn bạo bệnh càng lâu sẽ càng vô vọng, nhưng mỗi lần đề cập đến thì mí HMa lại ngán ngẩm lắc đầu rồi rưng rưng nước mắt. Huy chẳng biết làm cách nào để động viên khuyên nhủ. Ngày trở về càng gần lại càng nhấp nhổm không yên. Thằng Lui sau khi ra đầu thú đã khai tất cả những điều nó được biết. Âu nó cũng chỉ là một mắt xích nhỏ, chưa gây ra trọng tội, thế nên có lẽ nó sẽ sớm được trở về với mí. Mỗi ngày Huy đều cố gắng nghe ngóng, hy vọng có thể thấy chút ánh sáng trong chuỗi ngày tăm tối vừa qua, để mí HMa tìm thấy lại động lực mà đi chữa trị.
Huy vẫn chạy theo lối mòn để vào làng Bloi. Trời chiều hôm nay đổ nắng nhàn nhạt, Huy háo hức mãi không thôi. Nghe tin thằng Lui sẽ sớm được tại ngoại vì chủ động ra đầu thú trước pháp luật, thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp điều tra. Huy ghé nhà báo cho mí biết là thằng Lui sắp về với mí rồi. Mí nắm lấy tay anh run run, hỏi đi hỏi lại vài lần mới dám thở phào một hơi, ngồi phịch xuống giường. Huy cũng ngồi xuống bên cạnh, vỗ vỗ tay mí HMa.
- Mí phải chóng đi khám bệnh, rồi phải chữa cho hết bệnh đi. Không thì thằng Lui lại bị kẻ xấu dụ dỗ làm việc sai trái đó.
Mí HMa đưa đôi mắt đã mờ đục theo thời gian nhìn Huy một chút rồi cúi đầu. Giọng khàn khàn mệt mỏi.
- Nhà tao không có nhiều tiền tới vậy đâu thằng Huy. Nay tao nghe tin thằng Lui tao mừng lắm, tao sẽ mau khỏe lại thôi.
- Làm gì có bệnh nào tự khỏe lại. Phải đi khám, phải chữa trị! Bên ủy ban họ hỗ trợ một ít, người trong làng gom góp thêm được một ít rồi. Mí phải khám đi, đừng phụ lòng người khác với mình.
Ngày mí HMa nhập viện cũng là ngày Huy trở về đơn vị. Sớm hôm ấy, Huy tranh thủ đưa mí đi viện tỉnh, làm thủ tục giấy tờ, chạy đầu này đầu kia. Nhìn mí nhỏ thó gầy guộc ngồi ở dãy ghế chờ bệnh viện, Huy thấy lòng nhẹ bẫng. Kỳ này trở về sẽ an lòng, mà cũng có cái để báo cáo cho lãnh đạo. Mấy ngày nghỉ phép này cũng đáng lắm. Loay hoay cả tiếng đồng hồ thì mí cũng đã thay bộ đồ bệnh nhân, leo lên giường bệnh. Thêm phần quan tâm từ chính quyền và dân trong làng Bloi, Huy cũng yên tâm để qua trưa sẽ lên xe trở về đơn vị. Huy dặn dò mí thật nhiều, nhắc mí ráng giữ gìn sức khỏe. Giờ phút này mí chẳng còn rưng rưng nước mắt nữa. Chỉ nhìn Huy lom lom rồi gật đầu. Lúc tưởng chừng đã xong xuôi hết đâu vào đó, chuẩn bị quay lưng rời đi, bất chợt mí kéo tay Huy, hỏi khẽ.
- Lui tự ra Công an đầu thú thật à? Hay thằng Huy đi bắt nó về nhận tội ớ?
Câu hỏi này làm Huy ngẩn người chốc lát, ngồi xuống bên giường, khẽ vỗ lên bàn tay gầy guộc đang níu tay anh, chậm rãi đáp.
- Là con khuyên nó ra đầu thú đó, mí ạ! Thằng Lui chẳng thể trốn cả đời. Nếu nó trốn, con cũng sẽ bắt nó về chịu tội. Mí có buồn con không?
Mí khe khẽ lắc đầu. Huy lại nhìn mí, hỏi ngược.
- Vậy, nếu con làm sai, mí có để thằng Lui bắt con ra nhận tội không?
Mí vẫn khẽ lắc đầu. Đôi mắt mờ đục ráo hoảnh. Huy tin cái lắc đầu ấy. Nhưng, Huy cũng tin một điều, nếu đổi lại vị trí của cả hai, thằng Lui cũng sẽ làm như Huy vậy. Không để bạn mình đi vào con đường không có lối thoát, không để sai lầm vẫn cứ nối tiếp sai lầm.
Mí HMa lại kéo tay Huy lần nữa, chỉ xuống phía gầm giường, nói nhỏ.
- Trong giỏ của tao có hũ muối cua, cầm về ăn với đồng đội đi. Cua đợt này không ngon đâu. Sau thằng Lui về, tao sẽ làm rồi bảo nó gửi cho thằng Huy ăn.
Huy cười. Mí cũng nheo nheo mắt nhìn nó, môi vẽ thành một đường cong. Nụ cười méo xệch của mí chẳng nhiều niềm vui trong mắt, nhưng lại dỗ dành được những trăn trở rối rắm trong lòng Huy bao nhiêu ngày qua. Huy chẳng vui vì có quà, mà vì đã qua rất lâu nhưng mí vẫn nhớ món muối cua Huy thòm thèm mỗi lần trốn học về làng Bloi đi ruộng đi thác. Ừ thì thời gian đi qua khiến con người ta thay đổi nhiều lắm, nhưng tình cảm theo tháng năm nào có nhạt đi bao giờ.
Ngoài ô cửa nắng lên rực rỡ. Nắng hong khô hết thảy những cơn mưa bất chợt vừa qua. Nắng nhẩn nha sưởi ấm cho những con người lạnh lẽo suốt đoạn thời gian tăm tối.
Bloi xanh mới. Ngày nắng đẹp rồi...
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/roi-ngay-nang-dep--i734297/