Rộn ràng Lễ hội Tế Xuân
Ở Huế, vào những tháng đầu mùa Xuân thường diễn ra Lễ hội Tế Xuân và Tảo mộ xem ra rất rộn ràng. Đây là một lễ hội mang tính tâm linh và gắn liền tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống, đạo lý: 'Uống nước nhớ nguồn', 'Ăn quả nhớ người trồng cây' từ bao đời của dân tộc Việt Nam.
Các bậc cao niên làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho hay, Lễ Tế Xuân hay còn gọi là Lễ “Kỳ an” thường gắn liền với Lễ Tảo mộ. Thông thường, ở Huế, hai lễ này được kết hợp lại và tổ chức trong thời gian kéo dài từ hai đến ba ngày vào ngày rằm tháng Giêng hay tháng Hai (âm lịch) hằng năm, với mục đích của lễ hội là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho con dân bình an, ấm no, hạnh phúc...
Cũng theo các bậc cao niên, đối tượng được tế là chư vị thần linh gồm: Thành Hoàng (đây là Thiên thần, Nhân thần và Thổ thần) trong quan niệm tín ngưỡng dân gian xứ Huế. Ngoài các vị thần linh thì các vị tiền nhân khai canh khai khẩn được sắc phong tôn Thần cùng các vị Văn, Võ dày công đức. Đặc biệt, các Âm linh vô tự (những vong hồn vô chủ, không nơi nương tựa, không ai thờ cúng) cũng được dân làng tế lễ trong lễ hội này.
Vị trí diễn ra lễ tế là đình làng, cũng là trung tâm tín ngưỡng và là nơi diễn ra mọi hoạt động của đời sống cộng đồng trong truyền thống văn hóa dân gian của xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngoài diễn ra ở đình làng, Lễ Tế Xuân và Tảo mộ còn được diễn ra ở các am và các miếu thờ các Thổ thần hay thờ các Âm hồn.
Trong ngày đầu tiên của lễ hội (thường là ngày 14 âm lịch) thì tất cả trai tráng là con dân trong làng tiến hành ra đồng chạp mộ. Chạp mộ đầu Xuân là công việc tu bổ, làm đẹp, thắp hương, cắm hoa ở những ngôi mộ vô chủ của làng. Sở dĩ chỉ tiến hành công việc này ở những ngôi mộ vô chủ là vì các ngôi mộ có chủ đã được các dòng họ tiến hành tảo mộ vào tháng Chạp của năm cũ rồi. Trong khi các trai làng ra đồng chạp mộ thì ở đình làng và các am miếu, các vị chức sắc cùng Ban nghi lễ tiến hành đồng thời Lễ cáo yết Tế Xuân và Tảo mộ.
Ngày thứ hai sẽ diễn ra chính lễ. Trong chính lễ, dân làng sẽ cử ra những bậc cao niên đại diện cho con dân trong làng đứng ra cúng bái. Tiêu chuẩn để được đứng cúng chính lễ phải là các vị toàn đức toàn tài, có uy tín cao đối với dân làng. Thường là những cụ cao niên có gia đình hòa thuận ấm êm, có con cháu ăn nên làm ra hay con cháu học hành đỗ đạt... Các vị này sẽ được mặc trang phục nghi lễ và chịu trách nhiệm cúng bái suốt cả buổi Tế Xuân và Lễ Tảo mộ. Việc này được xem như là một vinh dự lớn cho những con dân làng có người được vào tế lễ.
Sau khi làm nghi thức bái lạy thần linh thì những vị đại diện con dân làng sẽ dâng sớ tế. Nội dung là ngoài việc tán dương công đức của thần linh đã đùm bọc, chở che, bảo hộ dân làng một năm tốt lành thì tiếp tục cầu mong phò trì phò hộ cho năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu mong người già thêm thọ, trẻ thêm lộc; cầu mong dân làng bình an, ấm no, hạnh phúc.
Lễ vật dâng cúng Tế Xuân và Tảo mộ thường rất đầy đủ và phong phú. Ngoài cau, trầu, rượu, hương đăng, trầm trà, diêm mễ, vàng mã... thì lễ vật dâng thần linh thường là heo, bò, xôi, bánh trái, hoa quả... cùng rất nhiều của ngon vật lạ được con dân làng chế biến tinh tế để dâng cúng như là một cách bày tỏ tấm lòng thành tri ân Tiền nhân của dân làng.
Khi đã hoàn thành lễ tế, tất cả phẩm vật trên sẽ được dùng để con dân trong làng chung vui. Buổi Tế Xuân và Tảo mộ lúc này sẽ biến thành một ngày hội “đoàn kết toàn dân” trong tiếng nói cười rộn rã, những lời chúc tốt đẹp của những gương mặt hân hoan của bà con dân làng, cùng tin vào một năm mới tốt lành, giữa một không gian tràn ngập sắc Xuân nơi xứ Huế thân thương, thơ mộng.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ron-rang-le-hoi-te-xuan-post447715.html