'Rộng cửa' vào đại học với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế
Hàng loạt trường đại học (ĐH) đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2021. Đáng chú ý, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đã trở thành một trong những tiêu chí ưu tiên trong xét tuyển, xét tuyển thẳng được nhiều trường đại học áp dụng.
Bắt đầu từ một số trường ĐH tốp đầu như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Quốc gia Hà Nội, việc xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ngày càng lan tỏa đến nhiều trường ĐH. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 30 trường ĐH trên cả nước đã thông báo ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 đến 6.5, hoặc đưa chứng chỉ IELTS thành yếu tố trong các phương thức xét tuyển kết hợp. Đặc biệt, không chỉ khối dân sự, bắt đầu từ năm 2021, các trường CAND cũng đã bổ sung phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ IELTS Academic hoặc chứng chỉ TOEFL iBT, hoặc chứng chỉ HSK) với kết quả học tập THPT.
Phương thức này được áp dụng với một số cơ sở đào tạo trong CAND như Học viện Quốc tế, Học viện Chính trị CAND, nhóm ngành Nghiệp vụ An ninh, Nghiệp vụ Cảnh sát. Theo Cục Đào tạo, Bộ Công an, việc bổ sung phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập THPT nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng nguồn tuyển, nhất là một số ngành học yêu cầu cao về kỹ năng ngoại ngữ. Điều này cũng phù hợp với xu hướng tự chủ đại học ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.
Nhiều giáo viên THPT cho rằng, việc xét tuyển kết hợp, tuyển thẳng đối với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế mà nhiều trường ĐH đã và đang sử dụng là khá hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Cô Lê Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Trương Định - Hà Nội nêu quan điểm: Trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu tập trung vào mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, việc đánh giá kết quả học tập THPT ở các địa phương cũng đang có những độ “vênh” khác nhau thì việc các trường ĐH xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là hướng đi phù hợp. Thực tế cho thấy, các chứng chỉ ngoại ngữ có độ tin cậy cao, bài kiểm tra có đủ 4 kĩ năng gồm nghe, nói, đọc, viết, đảm bảo độ khách quan. Những em vượt qua được bài thi này thực sự có năng lực ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, các trường cũng chỉ xét tuyển với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào các ngành có chú trọng ngoại ngữ hoặc yêu cầu cao về kỹ năng này.
Ông Phạm Văn Đại, phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá cao phương án xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp hoặc tuyển thẳng đối với các học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Theo ông Đại, việc sử dụng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới trong thời đại toàn cầu hóa. Điều này khiến cho “cửa” vào ĐH của thí sinh có năng lực ngoại ngữ tốt trở nên rộng mở hơn, việc tuyển sinh đại học cũng trở nên nhẹ nhàng, không quá bị phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với phương thức tuyển sinh này, học sinh tại các đô thị đang nắm lợi thế bởi điều kiện học tập, đầu tư cho ngoại ngữ tại các thành phố lớn đang thuận lợi hơn so với địa bàn nông thôn. Tuy nhiên hiện nay, đa phần các trường ĐH vẫn chỉ dành khoảng 10-20% chỉ tiêu xét tuyển học sinh giỏi ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, chứng chỉ quốc tế không phải là điều kiện duy nhất mà còn phải kèm theo các điều kiện đảm bảo chất lượng khác như kết quả học tập ở bậc THPT và cả điểm thi tốt nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay không chỉ có khu vực thành thị mà tại nhiều địa phương, phong trào học ngoại ngữ trong nhiều gia đình, nhà trường cũng đã và đang được đẩy mạnh. Thậm chí, cơ quan quản lý giáo dục tại một số tỉnh, thành cũng ban hành những chính sách táo bạo nhằm thúc đẩy việc học ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Đơn cử như tại Hà Tĩnh, trong năm 2020, địa phương này đã công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh đối với các học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong toàn tỉnh.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: Hiện nhà trường có gần 20 chương trình chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh cùng nhiều chương trình liên kết quốc tế. Việc lựa chọn những thí sinh có khả năng ngoại ngữ để theo học được các chương trình này là điều vô cùng quan trọng.
Mặt khác, độ tin cậy của những chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL khá cao nên nhiều trường sẽ ưu tiên xét tuyển các thí sinh đạt các chứng chỉ này. Tất nhiên, hằng năm nhà trường cũng chỉ dành một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho phương thức này để đảm bảo sự cân đối giữa các phương thức, đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh với các lợi thế khác nhau.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/rong-cua-vao-dai-hoc-voi-chung-chi-tieng-anh-quoc-te-635904/