Rộng dài những tuyến đường mở từ lòng dân

Để hiện thực hóa mục tiêu huyện Phú Lương đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024 theo Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-02025, Dự nâng cấp tuyến đường ATK Phủ Lý - Hợp Thành có chiều dài 8,2km, tổng mức đầu tư dự kiến 14,9 tỷ đồng chính thức được khởi động đầu năm nay.

Nhiều hộ dân xã Phủ Lý đã chủ động san gạt đất của gia đình tạo mặt bằng mở rộng đường.

Nhiều hộ dân xã Phủ Lý đã chủ động san gạt đất của gia đình tạo mặt bằng mở rộng đường.

Trong 3 năm trở lại đây, kinh tế của xã miền núi này phát triển mạnh nên nhu cầu lưu thông, vận tải ngày càng tăng. Do vậy, cán bộ, người dân đều nhận thấy cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để đóng vai trò rất quan trọng. Đồng chí Hoàng Quốc Doanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết thêm: Toàn xã hiện có gần 40 gia trại và trang trại chăn nuôi lợn, gà, sản lượng thịt hằng năm cấp ra thị trường trên 700 tấn. Bên cạnh đó, xã còn có hơn 200ha rừng sản xuất đang độ cho khai thác, nên không mở rông đường thì không thể lưu thông hàng hóa nhanh và nhiều được. Mỗi ngày trên tuyến liên xã có trên 20 lượt chuyến xe tải vào tận rừng và chuồng chăn nuôi bốc xếp hàng, rồi xe chở vật liệu xây dựng, xe khách đón, đưa công nhân… Nếu đường nhỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và mất an toàn giao thông.

Nhận thức đúng đắn về phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, hầu hết các hộ dân khi xây nhà đều chủ động lùi xa đường từ 5 đến 10m. Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, ở đầu xóm Hiệp Hòa, thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng đã không ngần ngại hiến gần 100m2 đất và hơn 30m tường bao để mở rộng đường giao thông. Chị Thủy chia sẻ: Với một hộ nghèo như gia đình tôi để hiến đất, tôi cũng rất tiếc, nhưng tôi nghĩ, cộng đồng xã hội đã quan tâm đến chính sách giảm nghèo, không để ai bị bỏ rơi lại phía sau, thì việc hiến đất cũng là trách nhiệm, tình làng, nghĩa xóm mình có sao thì quyên góp vậy để đường được mở rộng sẽ giúp hàng hóa, nông sản của bà con làm ra bán được giá cao hơn, đời sống của người dân vì thế sẽ ngày một khấm khá. Tôi quan niệm là “góp” đất mở rộng đường, thay vì “hiến” đất. Bởi lẽ, Nhà nước đã dành hàng chục tỷ đồng đầu tư, bản thân tôi là người được hưởng lợi thì góp thêm nguồn lực bằng đất của mình, cũng là để rộng, dài giao thông nông thôn. Từ tấm lòng hảo tâm của chị Thúy đã lan tỏa phong trào hiến đất đến hàng tram hộ trong xã hưởng ứng.

Đồng chí Hoàng Quốc Doanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phủ Lý: Khi Dự án chính thức được triển khai, Đảng ủy xã đã phân công cán bộ đến 152 hộ dân bị ảnh hưởng khi mở rộng đường tuyên truyền, vận động. Chỉ sau 2 tuần đầu của tháng 4-2024, 100% các hộ đã cam kết cắt đất dọc theo tuyến đường cũ, ở rông hai bên lề mỗi bên trung bình 1,5-2m, để tạo nền đường rộng từ 3m, lên 6m, phối hợp với chính quyền địa phương tự cắt bỏ cây trồng, tháo dỡ cổng, tường rào… để đủ diện tích thi công mặt đường theo thiết kế của Dự án mà không yêu cầu hỗ trợ, bồi thường. Sau gần 1 tháng triển khai, đến nay đã giải phóng mặt bằng được trên 30% trên tổng só 7.000m2 đất bên đường và hơn 1.200m tường rào. Diện tích còn lại bà con cam kết sau thu hoạch lúa xuân tiếp tục bàn giao cho đơn vị thi công, bảo đảm đúng tiến độ.

Liền kề Phủ Lý là xã Hợp Thành nằm dọc theo con đường được đầu tư nâng cấp, vì vậy đa số người dân hào hứng đồng thuận hiến đất mở rộng. Đồng chí Ma Quốc Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Chủ trương của xã là vừa vận động vừa thi công bằng nội lực của địa phương trước. Lấy điển hình để tạo phong trào, trên tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân. Dự án cần trên 6.000m2 đất mở rộng hai bên lề đường và gần 2.300m tường rào, cồng nhà phải tháo dỡ. Từ đầu tháng 4 đến nay, các gia đình bị ảnh hưởng của Dự án đã cùng với xã huy động gần 600 ngày công san gạt và bàn giao mặt bằng cho địa phương được trên 2.500m2 đất bên lề đường, tháo dỡ gần 2.000m tường rào cổng nhà. Đặc biệt có hàng chục hộ sẵn sàng cắt nửa sân nhà, hiến từ 60m, đến hàng trăm mét vuông đất ở để mở rộng đường; hàng chục ngõ xóm, đường đấu nối đã được bà con dọn dẹp để mở rộng từ 2m lên trên 3m, thuận tiện cho máy nông nghiệp xe cơ giới phục vụ sản xuất và lưu thông.

Với quan niệm mộc mạc của cụ bà ngoài 70 tuổi Nguyễn Thị Loan, ở xóm Phú Thành, xã Hợp Thành, khi sẵn sàng hiến 70m2 đất ở cùng 35m tường rào xây bên đường, chắc chắn sẽ tạo động lực nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới: “Làm đường nông thôn mới phải có tầm nhìn rộng, dài, phải có tư duy mới, như thể đưa máy móc cơ giới vào thay thế lao động thủ công”.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202405/rong-dai-nhung-tuyen-duong-mo-tu-long-dan-4af2ce2/