Rong ruổi những cung đường hoa dã quỳ miền Tây xứ Nghệ
Dã quỳ miền Tây xứ Nghệ mặc dù không bạt ngàn như Đà Lạt hay hùng vĩ như Tây Nguyên nhưng sắc vàng của loài hoa báo đông vẫn phủ kín những cung đường vùng sơn cước.
Vào những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11, khi dã quỳ bắt đầu nở rộ, cũng là thời điểm du khách thường về đây để được tự mình ghi lại hình ảnh rực rỡ của những triền hoa.
Kỳ Sơn nằm ở miền Tây xứ Nghệ, cách trung tâm TP. Vinh khoảng 300km và là huyện miền núi cao nhất tại đây. Để ngắm hoa dã quỳ, du khách có thể di chuyển từ TP. Vinh bằng phương tiện cá nhân dọc quốc lộ 7, lên thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn. Từ đây, du khách tiếp tục vượt qua những cung đường hùng vĩ để đến với thung lũng hoa dã quỳ ở bản Đồn Boọng, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn.
Dã quỳ nở rộ dọc đường, ven rẫy của người dân địa phương. Những ngày này, đến với Kỳ Sơn du khách sẽ choáng ngợp trước sắc vàng của dã quỳ. Từng ngọn đồi, từng lối đi, dã quỳ đã bao phủ lên như một thảm hoa vàng rực để sưởi ấm cho vùng sơn cước vào những ngày tiết trời dần se lạnh.
Để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của loài hoa này, du khách chỉ cần dạo bộ một vòng qua những con đường đầy sắc hoa tươi thắm.
Vào độ cuối thu, đầu đông khi miền Trung đang đón những đợt gió lạnh đầu mùa se se, cái nắng vẫn vàng hanh hao, những bông dã quỳ vào mùa bắt đầu nở rộ trên những triền đồi.
Không quá rực rỡ như dã quỳ Đà Lạt, cũng không mênh mông và hùng vĩ như đồi hoa của vùng Tây Nguyên, dã quỳ miền Tây xứ Nghệ vẫn có vẻ đẹp riêng, nhất là khi được ngắm hoa trong không gian mờ ảo của mây núi Na Loi cũng đủ làm xao lòng nhiều bạn trẻ chưa có điều kiện đi xa để thưởng hoa. Vào những ngày này các bạn trẻ dưới xuôi thường về đây để được tự mình ghi lại những hình ảnh rực rỡ của hoa dã quỳ Kỳ Sơn.
Thời điểm này, tiết trời Na Loi mát mẻ, se lạnh, phù hợp cho khách du lịch tham quan, chiêm ngưỡng. Chị Hồ Lài (30 tuổi) ở TP. Vinh cho biết, tới đây tôi cứ ngỡ lạc vào thung lũng hoa vàng ở Đà Lạt hay vùng nào đó ở Tây Nguyên, chứ không ngờ xứ Nghệ quê mình lại có thung lũng dã quỳ đẹp đến vậy. Không thể cưỡng nổi vẻ đẹp chị cùng đồng nghiệp dừng xe chụp ảnh lưu niệm cùng bạn bè. Cũng theo chị Hồ Lài, năm nay dịch dã phức tạp, du lịch nội tỉnh là sự lựa chọn hợp lý cho các bạn trẻ.
Hoa dã quỳ hay còn gọi là cúc quỳ, sơn quỳ, hướng dương dại, là một loài cây thuộc họ cúc có màu vàng cam, sinh trưởng nhanh và thường ra hoa vào dịp cuối thu, đầu đông. Tháng 10, 11, nơi đây lại khoác lên một tấm áo mới, vàng rực bởi sắc màu hoa dã quỳ. Dường như hoa dã quỳ thực sự trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của miền Tây Xứ Nghệ.
Mùa vàng của dã quỳ ở miền Tây xứ Nghệ kéo dài tầm một tháng. Dù ít ỏi nhưng cũng đủ để những ai yêu thích không gian vàng rực dã quỳ tìm tới dù ở những nơi rất xa. Dã quỳ cứ âm thầm nở dọc những vệ đường, hoang dại, mộc mạc, lác đác phủ dọc triền đồi, mong manh mà vẫn toát lên sức sống bền bỉ. Những bông hoa lác đác kiêu sa pha chút hoang dại đã hút khách tới nơi này.
Mùa này, khắp vùng núi Kỳ Sơn, nơi đâu cũng có thể bắt gặp những vạt dã quỳ vàng rực. Hoa thường mọc dọc đường đi và bờ rào của các gia đình người Mông ở Kỳ Sơn dọc biên giới Việt - Lào. Nhưng dã quỳ tập trung nhiều nhất ở dọc quốc lộ 7 đoạn qua các bản Noọng Dẻ, Tiền Tiêu của xã Nậm Cắn; Đồn Boọng, xã Na Loi và vào sâu vùng Đoọc Mạy hay Keng Đu…Trong cái hanh hao lành lạnh đầu đông, khắp sườn núi, trên các cung đường vùng sơn cước, dã quỳ đã tô điểm cho cảnh sắc nơi đây thêm bừng sáng hơn.
Theo chị Pịt Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Na Loi, đến với Kỳ Sơn du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dã quỳ, mà còn được khám phá các địa danh nổi tiếng, đẹp hút hồn như chợ vùng biên Nậm Cắn, thác Xốp Lượt, bản dân tộc người H'Mông, thác Rồng, công trời Mường Lống…
“Chẳng nhớ nổi từ khi nào ở đây dã quỳ lại nhiều và đẹp đến vậy. Khi bắt đầu chạm ngõ vào xã Na Loi, hai bên đường đã phủ sắc vàng của loài hoa dại này. Không phải đi đâu xa, ngay ở xứ Nghệ cũng có thung lũng hoa vàng tuyệt đẹp, nhưng đáng tiếc ít người tới chiêm ngưỡng…”, chị Hà cho hay.