ROS tăng vốn khống là hành vi cấm!

Tối 27-8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chính thức lên tiếng cho rằng việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng xảy ra tại ROS trước khi niêm yết trên thị trường chứng khoán là hành vi bị cấm.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC - để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Quyết và các bị can đã có hành vi nâng khống vốn của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng FLC- Faros (ROS). Hành vi này bị cấm theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp: "Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị".

Xem lại lịch sử việc tăng vốn điều lệ của một số công ty thuộc "nhóm FLC" trong đó có ROS đều được các doanh nghiệp này thực hiện trước khi lên sàn. Theo đó, ROS đã tăng vốn điều lệ gấp 2.867 lần, từ 1,5 tỉ đồng vào tháng 3-2014 lên 4.300 tỉ đồng vào tháng 3-2016. Các doanh nghiệp này đều thực hiện tăng vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và không chịu quản lý, giám sát của UBCKNN- Bộ Tài chính.

ROS đã nâng khống vốn trước khi niêm yết

ROS đã nâng khống vốn trước khi niêm yết

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 8-2022, UBCKNN đã chủ động chuyển 35 vụ việc sang cơ quan công an để phối hợp xác minh, điều tra xử lý theo quy định, trong đó có các cổ phiếu thuộc nhóm FLC (FLC, ROS, GAB, HAI, AMD, ART), nhóm Loius Holdings. Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 6 vụ việc.

Ngoài ra, UBCKNN cũng cho biết thêm hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng hiện nay thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và hướng dẫn tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ không phải đăng ký, báo cáo hay phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.

Để tránh rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư, giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ, pháp luật quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ. Các nhà đầu tư này có trách nhiệm phải tìm hiểu đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu; phải tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình, tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Tin, ảnh: Sơn Nhung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/uy-ban-chung-khoan-nha-nuoc-ros-tang-von-khong-la-hanh-vi-cam-20220827215016198.htm