Rốt ráo giải quyết các khó khăn, tồn tại của ngành hàng không

Dù đã có sự tăng trưởng nhất định nhưng thị trường hàng không vẫn bị tác động lớn bởi sự thiếu hụt máy bay, tái cơ cấu và chênh lệch chi phí đầu vào. Những khó khăn này dự kiến còn kéo dài sang tới năm 2025.

Bù đắp thiếu hụt

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm, thời gian qua, thị trường hàng không đối mặt với nhiều khó khăn.

Ngoài việc ứng phó với những tác động tiêu cực sau Covid-19 và sụt giảm đội tàu bay do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney, việc tái cơ cấu đội bay của các hãng Bamboo Airways, Pacific Airlines thì còn tồn tại các khó khăn khác như: sắp xếp đường bay, giá nhiên liệu tăng cao, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ…

Những yếu tố này đã tác động mạnh đến nguồn cung và giá vé trên nhiều đường bay nội địa.

Các hãng hàng không tích cực tăng chuyến để bù đắp nhu cầu vận tải. Ảnh: Internet

Các hãng hàng không tích cực tăng chuyến để bù đắp nhu cầu vận tải. Ảnh: Internet

Để tháo gỡ khó khăn, các hãng hàng không đã tích cực tìm kiếm, đàm phán thuê tàu bay nhằm bổ sung, thay thế cho những tàu bay đang dừng khai thác. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và tăng cung tải như: điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác tàu bay, giảm thời gian quay đầu tàu bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác tàu bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay vào khung giờ chiều và tối…

Tính tới tháng 7/2024, Vietnam Airlines vận hành 82/96 tàu bay, giảm 6 chiếc so với năm 2023. Trong tháng 6, 7/2024, tổng số chuyến bay trung bình/ngày đạt lần lượt 401 chuyến/ngày và 433 chuyến/ngày, tăng tương ứng 19 - 21 chuyến bay/ngày so với cùng kỳ năm 2023.

Thời gian khai thác trung bình đội tàu bay đạt 13 giờ/tàu/ngày, tăng 22% so với năm 2023 (trung bình 10,6 giờ/tàu/ngày).

Hãng hàng không Vietjet Air hiện khai thác 73/85 tàu bay. Tổng số chuyến bay khai thác trung bình trong tháng 6, 7/2024 đạt khoảng 416 chuyến bay/ngày, bằng với cùng kỳ năm 2023. Thời gian khai thác trung bình đội tàu bay đạt 14,5 giờ/ngày, tăng 11,5% so với năm 2023 (đạt trung bình 13 giờ/tàu/ngày).

Hãng hàng không Vietravel Airlines đang vận hành 3 tàu bay. Tổng số chuyến bay khai thác trung bình tháng 6, 7/2024 đạt khoảng 22-24 chuyến bay/ngày, tăng từ 2-4 chuyến bay/ngày. Thời gian khai thác trung bình đội tàu bay của hãng đạt 11,5 giờ/ngày, tăng 21% so với năm 2023 (đạt trung bình khoảng 9,5 giờ/tàu/ngày).

Hãng hàng không Bamboo Airways vận hành 8/9 tàu bay, đạt tỷ lệ khai thác 87,5%. Thời gian khai thác trung bình đạt 12,5 giờ/ngày, tăng 20,1% so với năm 2023 (đạt trung bình khoảng 10,4 giờ/tàu/ngày).

Nhờ tích cực tăng chuyến, kết quả 6 tháng đầu năm 2024 hàng không đã vận chuyển hơn 17,2 triệu khách nội địa; khai thác thị trường quốc tế đạt sản lượng hơn 23,6 triệu hành khách, tăng 23,6% so với năm 2023.

Ngoài tăng trưởng về sản lượng vận chuyển, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế cũng đánh giá chỉ số giám sát an toàn của ngành hàng không Việt Nam đạt 77,1%, nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số an toàn cao hơn mức trung bình của thế giới.

Tiếp tục tháo gỡ

Theo Cục hàng không Việt Nam, tính tới tháng 7/2024, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 195 chiếc, giảm 36 chiếc. Trong đó, số tàu bay khai thác trung bình là 167 chiếc, giảm 51 chiếc so với cùng kỳ năm 2023.

Với việc tàu bay khai thác giảm mạnh, các hãng hàng không vẫn đang tích cực lên phương án thuê tàu bay.

Theo Bamboo Airways, từ nay đến cuối năm 2024, hãng có kế hoạch thuê bổ sung 1 - 2 tàu bay (thuê khô hoặc thuê ướt) để phục hồi khai thác trên một số đường bay. Tuy nhiên, việc tìm thuê khá khó khăn và giá thuê máy bay ở mức rất cao.

Đại diện Vietjet Air chia sẻ, hãng cũng có kế hoạch nhận 10 tàu bay dự kiến gồm 8 tàu A321Neo và 2 tàu E190. Tuy nhiên, lịch nhận tàu còn bị tác động bởi các yếu tố từ dây chuyền sản xuất, thiếu phụ tùng, vật tư, nhân công dẫn đến ảnh hưởng kế hoạch tiếp nhận tàu bay mới.

Đầu tháng 7 dù Vietnam Airlines đón “tân binh” Airbus A320neo gia nhập đội máy bay nhưng đây mới chỉ là chiếc đầu tiên trong số 3 chiếc Airbus A320neo mà Vietnam Airlines tiếp nhận trong năm 2024. Được biết, hãng cũng đang chờ để tiếp nhận thêm các máy bay thân rộng Boeing 787-10 trong thời gian tới.

Dự kiến, việc triệu hồi động cơ có khả năng còn kéo dài đến năm 2025, do đó việc thuê tàu bay vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn do tình hình thiếu hụt máy bay nói chung.

Đối với việc thiếu tàu bay do nhà sản xuất triệu hồi động cơ, tại Hội nghị vận tải hàng không năm 2024 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị các hãng hàng không báo cáo rõ các phương án cần được Nhà nước hỗ trợ. Đồng thời, đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, tìm giải pháp để Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến việc điều chỉnh hỗ trợ các chi phí đầu vào, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp chủ động tìm phương án, đề xuất chính sách, cơ chế để Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để có các phương án phù hợp.

Thứ trưởng đồng thời chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam xem xét việc kiểm soát tải trọng tại một số cảng hàng không, xem xét lại toàn bộ đường cất hạ cánh, báo cáo công tác triển khai đầu tư, nguồn vốn bảo trì và đưa ra các khuyến cáo phù hợp, kịp thời cho các hãng hàng không.

Dựa trên các báo cáo cụ thể, những khó khăn của ngành hàng không sẽ được Chính phủ, Bộ GTVT tích cực tháo gỡ.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/rot-rao-giai-quyet-cac-kho-khan-ton-tai-cua-nganh-hang-khong.html