Rốt ráo rà soát tài sản công sau sáp nhập, tinh gọn bộ máy
Theo kế hoạch, từ ngày 01/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được triển khai. Hiện các bộ, ngành, địa phương đang tích cực thực hiện công tác rà soát, sắp xếp, xử lý tài sản công phát sinh sau sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Đây được xem là bước chuẩn bị quan trọng để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực công, tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị.

Số lượng tài sản dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cần giải quyết rất lớn. Ảnh minh họa
Tài sản công dôi dư bước đầu đã được xử lý hiệu quả
Trong giai đoạn 2019 - 2023, thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, cả nước đã giảm đáng kể số lượng các đơn vị hành chính. Việc tinh gọn bộ máy kéo theo một khối lượng tài sản công dôi dư. Yêu cầu đặt ra là cần phải rà soát toàn bộ trụ sở làm việc, nhà, đất, cơ sở hoạt động sự nghiệp, trang thiết bị, phương tiện vận tải… để có phương án xử lý kịp thời, tránh tài sản công bị bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí.
Đề nghị tổ chức có chức năng quản lý kinh doanh nhà của địa phương
Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công dôi dư không thể một lúc làm ngay mà cần có khoảng thời gian, trong khi đó, tài sản cần phải được quản lý, bảo quản và có cơ quan để giao trách nhiệm quản lý, tránh xảy ra các tình huống phát sinh. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị, các địa phương rà lại tổ chức có chức năng quản lý kinh doanh nhà của địa phương, đặc biệt là các tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện công việc này.
Để xử lý khối tài sản này, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Mới đây nhất, ngày 11/3/2025, Bộ Tài chính tiếp tục có Văn bản số
2950/BTC-QLCS về đẩy mạnh việc rà soát, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, trong đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp quyết liệt.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kiểm kê, phân loại tài sản công như trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, trang thiết bị, phương tiện vận tải. Cùng với việc rà soát, kiểm kê, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng phương án xử lý tài sản dôi dư như: chuyển giao cho đơn vị khác có nhu cầu sử dụng; cải tạo phục vụ công ích; hoặc thanh lý, bán đấu giá theo quy định.
Việc rà soát tài sản công sau sáp nhập không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là cơ hội để các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc hệ thống cơ sở vật chất, hướng tới hiện đại hóa bộ máy hành chính. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tận dụng quá trình này để quy hoạch lại không gian làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin và chuẩn hóa hạ tầng phục vụ người dân.
Hiện cả nước đang bước vào giai đoạn sáp nhập, tinh gọn cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đi vào hoạt động từ ngày 1/7 tới đây, khối lượng tài sản dôi dư càng tăng lên. Bộ Tài chính tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các bộ ngành, địa phương thực hiện rà soát và dự kiến phương án xử lý khối tài sản này. Các bộ, ngành, địa phương đã đồng loạt “ra quân” thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xử lý cần được tháo gỡ.
Tháo gỡ vướng mắc ở nhiều địa phương
Cho biết về tình hình rà roát tài sản công sau sáp nhập tại Hải Dương, ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thực hiện bố trí lại, sắp xếp các cơ quan hành chính khi thực hiện mô hình 2 cấp, tỉnh Hải Dương dự kiến dôi dư 220 trụ sở.
“Tỉnh Hải Dương dự kiến ưu tiên chuyển đổi công năng để làm các trụ sở y tế, giáo dục. Tiếp đến, chúng tôi tiếp tục sử dụng các trụ sở này cho mục đích công cộng khác của địa phương như: thư viện, công viên, thiết chế văn hóa thể thao. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn để bố trí trụ sở cho các cơ quan này khi có nhu cầu. Số trụ sở còn lại sẽ giao cho tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương để quản lý, khai thác theo đúng quy định tại Luật Đất đai” - ông Quân cho biết.
Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW, tỉnh Hải Dương sẽ sáp nhập vào TP. Hải Phòng và trung tâm thành phố sẽ là Hải Phòng. Theo ông Quân, việc sáp nhập tỉnh này, dự kiến Hải Dương dôi dư khoảng 42 trụ sở và hiện địa phương đang gặp khó khăn trong việc xử lý các trụ sở này. Bởi các nhu cầu về giáo dục, y tế, khu sinh hoạt cộng đồng đều đã được đáp ứng đầy đủ, nhưng để chuyển các trụ sở này sang đất thương mại để làm dịch vụ, cho thuê cũng gặp khó khăn vì nhiều địa điểm không phù hợp…
Tại tỉnh Hòa Bình, ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, tỉnh đã cơ bản xử lý xong các sơ sở nhà, đất, trụ sở làm việc dôi dư của giai đoạn 2019 - 2023. “Hiện nay, cơ bản các trụ sở dôi dư trên địa bàn tỉnh không còn nhiều. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương giảm 50% đơn vị cấp xã thì số trụ sở dôi dư sẽ nhiều” - ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Liêm cũng nhấn mạnh đến khó khăn của tỉnh Hòa Bình trong việc xử lý các trụ sở dôi dư này. “Do các trụ sở UBND cấp xã hầu hết ở vùng sâu, vùng xa, mà tại các nơi này, nhà sinh hoạt cộng đồng đều đã được bố trí đầy đủ nên nhu cầu chuyển đổi công năng để sử dụng đều không có. Trong khi đó, nếu thực hiện bán đấu giá theo quy định cũng không có người mua vì tài sản còn nguyên giá nhiều, hơn nữa ở vùng sâu, vùng xa không hợp cho kinh doanh, thương mại nên không có đối tượng tham gia đấu giá. Đồng thời, các trụ sở, nhà, đất này cần có 1 lực lượng trông coi vì nếu không trông coi sẽ xuống cấp rất nhanh…Đây chính là vấn đề cần có hướng xử lý” - ông Liêm nói.
Tương tự với các bộ, ngành là những khó khăn sau sáp nhập đó là nơi thừa, nơi thiếu trụ sở. Với các khó khăn này, các bộ, ngành, địa phương đều mong muốn Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể để có phương án xử lý. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất phương án ưu tiên cho việc hoán đổi trụ sở cũng như cần có thủ tục ngắn gọn, đơn giản trong hoán đổi, điều chuyển trụ sở giúp tận dụng cơ bản các trụ sở, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, việc xử lý, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất là việc rất khó và chưa có tiền lệ, hơn nữa lại cần độ chính xác cao về các số liệu, dữ liệu. Vì thế rất cần sự vào cuộc, sát sao hơn nữa của người đứng đầu ở địa phương, ở các bộ, ngành để thực hiện hiệu quả. Đồng thời, ông Thịnh cho biết, Bộ Tài chính sẽ nhanh chóng có hướng dẫn để các bộ, ngành, địa phương thực hiện, đảm bảo cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tới đây hoạt động thông suốt.
Bà Rịa - Vũng Tàu dôi dư 195 cơ sở nhà, đất không sử dụng
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực hiện sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất, tổng số cơ sở nhà, đất không sử dụng, dôi dư trên địa bàn tỉnh là 195 cơ sở (gồm 181 cơ sở nhà, đất riêng lẻ và 14 cơ sở nhà, đất thuộc khu đất các cụm).
Để sử dụng hiệu quả khối tài sản này, tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, khẩn trương đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành việc bàn giao 181 cơ sở nhà, đất riêng lẻ cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất cấp huyện theo các quyết định thu hồi và giao tài sản của tỉnh.
Đối với các cơ sở nhà, đất thuộc khu đất Cụm 3, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao UBND TP.Vũng Tàu chủ trì phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương giải quyết dứt điểm việc di dời các hộ dân ra khỏi khu đất. Chính quyền TP. Vũng Tàu chủ trì kiểm tra hiện trạng, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với từng cơ sở nhà, đất thuộc khu đất Cụm 3.
Các cơ sở nhà, đất thuộc khu đất Cụm 5 tại phường 1, TP. Vũng Tàu, UBND tỉnh giao do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, lập phương án đấu giá, tổ chức bán đấu giá theo quy định.
Đối với các cơ sở nhà, đất thuộc khu đất Cụm 5B, tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tiếp nhận 4 cơ sở nhà, đất thuộc khu đất Cụm 5B để quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật về đất đai.