Rủ nhau về Tà Lài 'chữa lành'
Sau những ngày ăn Tết ở nơi phố xá náo nhiệt, chúng tôi rủ nhau làm chuyến du xuân 'chữa lành' về làng dân tộc Tà Lài thơ mộng.
Chúng tôi xuất phát từ TP Biên Hòa theo tuyến Quốc lộ 20 để đến huyện Tân Phú (Đồng Nai). Đi ngang qua cây cầu Tà Lài bắc qua dòng sông Đồng Nai thơ mộng. Trên này không khí bắt đầu dịu hơn không còn cái nắng gắt gao, tôi cảm nhận sự se lạnh giống với không khí của Đà Lạt.
Anh Hùng một người bạn của tôi công tác ở huyện Tân Phú cho biết xã Tà Lài trên cơ sở tách ra từ xã Phú Lập của huyện Tân Phú, một thời vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn, nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu là người Mạ và người S'tiêng, người Tày Nùng và người Thái.
Vì vậy, đời sống tinh thần của nhân dân ở đây hết sức đặc sắc và đa dạng. Ở đây mô hình du lịch cộng đồng do chính người dân tộc bản địa thực hiện để gìn giữ văn hóa dân tộc của chính mình. Họ là những người luôn trăn trở làm sao để văn hóa dân tộc mình hòa nhập không bị hòa tan, không bị mai một theo thời gian.
Khi tôi thắc mắc về cánh đồng lúa được mệnh danh "Cánh đồng châu Âu", anh Hùng bật cười bảo: Đó cánh đồng C8 của bà con ấp 4. Ngày xưa bà con chỉ trồng có một vụ lúa nhưng từ khi xây dựng nông thôn mới, hệ thống thủy lợi được đầu tư, xây dựng, bà con đã chủ động thâm canh, tăng vụ để cải thiện cuộc sống. Ngày xưa Tết đến, xuân về nơi đây chỉ là vùng đất nứt nẻ. Nhưng nay diện mạo khác, cánh đồng đang xanh mướt như thì con gái.
Đứng trước cánh đồng lúa, tôi cảm nhận được vẻ đẹp trong nắng mai bừng sáng. Cánh đồng xuân ngập tràn nắng gió, những con đường ra cánh đồng đã được bê tông hóa. Những thửa ruộng xanh rì bên cạnh những những hàng dầu thẳng tắp. Những chú trâu chậm rãi gặm cỏ khiên cho không gian làng quê trở nên yên bình quá đỗi. Những cây dầu đứng lặng lẽ giữa cánh đồng. Chợt thấy lòng bình yên quá đỗi.
Nhiều khách du lịch thích thú ngắm hoa cỏ, cánh đồng và tranh thủ "check in". Chúng tôi theo chân anh Hùng đến "Đập Vàn Hô". Thật khó để diễn tả con đập đẹp thơ mộng như một bức tranh, bức họa. Nước trắng xóa một màu vắt ngang qua nhưng một dải lụa mềm mại giữa núi đồi trùng điệp. Điều thú vị là du khách có thể đi bộ trên con đập nước tràn qua mà không sợ bị té ngã.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển vào làng. Khác với chỗ tôi, trên này trang trí Tết khá đơn sơ và giản dị. Nhưng chúng tôi ồ lên trầm trồ vì khung cảnh những người Mạ đang phơi những chiếc khăn sặc sỡ mầu sắc trong vườn nhà mình. Được biệt người phụ nữ của dân tộc Châu Mạ và S'Tiêng rất khéo tay trong việc dệt thổ cẩm.
Khi thấy tôi tò mò về nghề dệt thổ cẩm, anh Hùng dẫn tôi tới thăm nhà một người phụ nữ trong làng dệt thổ cẩm. Sau khi nói chuyện tôi mới biết: Hầu hết phụ nữ người dân tộc Mạ trước khi lấy chồng đều được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm.
Nhưng ngày nay, trong làng chỉ còn rất ít người biết dệt. Thổ cẩm bây giờ không còn đơn điệu dệt quần áo nữa mà đã đa dạng hơn rất nhiều từ túi, ba lô, ví, khăn, chăn, gối, vòng tay… Dệt được tấm thổ cẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn như dàn sợi dọc, tạo hoa văn, ngồi dệt và tất cả phải làm thủ công và thao tác bằng tay. Những tấm thổ cẩm thành phẩm có những họa tiết đa dạng được cách điệu từ hình dáng chim, muông, hoa lá, chiếc đèn…
Tôi ngồi say sưa nhìn ngắm người đàn bà đang miệt mài dệt với mới cảm nhận được sự khéo léo, công phu và óc thẩm mỹ, sáng tạo của những người phụ nữ bản địa. Tranh thủ mấy ngày Tết, những người phụ nữ ở nơi đây vẫn miệt mài dệt lên những sản phẩm vô cùng đặc sắc để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trong những năm qua, cấp ủy và chính quyền xã rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của những người dân ở đây, vì vậy ngoài việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, chính quyền quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc, đẩy mạnh quảng bá du lịch. Thế nên mỗi mùa xuân đến với Tà Lại thấy một sức sống mới đang khởi sắc và chuyển mình mạnh mẽ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ru-nhau-ve-ta-lai-chua-lanh-196250201080544155.htm