Rửa mặn với diện tích đất lúa bị thiệt hại do nhiễm mặn cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hậu Giang về việc tổ chức rửa mặn đối với diện tích đất lúa bị thiệt hại do nhiễm mặn cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại văn bản số 3458/VPCP-NN ngày 22/4/2025 của Văn phòng Chính phủ, về việc báo cáo tình hình lúa chết cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn căn cứ vào địa hình, thời tiết, thủy văn và điều kiện thực tế của địa phương để hướng dẫn người dân, hợp tác xã thực hiện các biện pháp rửa mặn theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9167:2025 (xuất bản lần 2): Đất mặn - quy trình rửa mặn ban hành theo Quyết định số 558/QĐ-BKHCN ngày 14/4/2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong quá trình triển khai các giải pháp kỹ thuật rửa mặn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị tỉnh đảm bảo sớm canh tác lại đối với các diện tích đất lúa nhiễm mặn. Cùng với đó là lưu ý trong quá trình rửa mặn, không để nước rửa mặn chảy vào vùng đất lúa hoặc đất canh tác không nhiễm mặn.
Sau khi rửa mặn, địa phương nên gieo cấy bằng giống lúa có khả năng chịu mặn như OM 4900; OM 6976; OM 5629... Chỉ gieo cấy khi đã đánh giá đầy đủ về việc đảm bảo các điều kiện phù hợp cho cây lúa sinh trưởng phát triển.
Trong quá trình canh tác, nông dân cần lưu ý sử dụng một số loại phân hữu cơ (để cải tạo hệ vi sinh vật đất, góp phần giảm tác hại của ion Na+ trong dung dịch đất và trong nước), bón NPK với tỷ lệ cân đối, kết hợp với một số chất kích thích ra rễ để tăng sức đề kháng, phòng chống tác động tiêu cực của mặn với cây lúa; tăng lượng phân lân và bón bổ sung vôi để giảm tác hại của ion Na+ cho cây lúa.
Bên cạnh việc tổ chức bồi thường cho người dân có diện tích lúa bị nhiễm mặn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và nhà thầu bố trí nguồn lực để hỗ trợ nông dân, địa phương trong quá trình rửa mặn, sớm ổn định canh tác lúa trở lại.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan ở địa phương khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện để kịp thời khôi phục sản xuất; đồng thời thông tin kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.