Rực rỡ sắc màu làng nghề xứ Thanh
Là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp, trải nghiệm làng nghề - nghề truyền thống vừa là dịp để khách du lịch khám phá vẻ đẹp đời sống, văn hóa của vùng đất, con người, đồng thời thúc đẩy hoạt động mua sắm sản phẩm hàng hóa đặc trưng... Du lịch làng nghề cũng góp phần vào sự phong phú cho sản phẩm du lịch nói chung. Và xứ Thanh với số lượng làng nghề, nghề truyền thống đa dạng, phân bố ở nhiều địa phương, nếu được khai thác hiệu quả, phát huy đúng hướng sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch làng nghề.
Với ba vùng miền đặc trưng, xứ Thanh - một “Việt Nam thu nhỏ” trong hành trình tranh đấu, xây dựng quê hương, đất nước, những thế hệ người dân cần lao đã cùng nhau sáng tạo, vun đắp nên những nghề, làng nghề truyền thống nức tiếng. Những làng nghề, nghề truyền thống được trao truyền, phát huy giá trị không chỉ góp phần vào sự no đủ, phồn vinh của làng quê, mà qua đó còn tạo nên “bản sắc” văn hóa mỗi vùng đất.
Nếu đã từng ăn bánh gai Tứ Trụ (bánh gai làng Mía) của người dân vùng đất “hai vua” Thọ Xuân, hẳn người yêu ẩm thực vẫn chưa quên phong vị mềm dẻo của gạo nếp quện lẫn hương lá gai, vị thơm bùi của đậu xanh nhuyễn kết hợp cùng dừa tươi, vừng rang... Những nguyên liệu dân dã tạo nên thứ bánh quà quê ăn một lần là nhớ.
Không chỉ riêng làng Mía, xã Thọ Diên (Thọ Xuân) mới làm bánh gai. Nhưng người dân vùng đất này dường như có một “bí quyết” nào đó tạo nên vị riêng của bánh gai làng nghề. Có lẽ vì thế, mà khi về làng Mía, hỏi về nghề làm bánh gai, người dân nơi đây vẫn thường tự hào mà chia sẻ, đại ý: Chỉ có ở vùng đất này, với khí hậu, thổ nhưỡng và cả truyền thống văn hóa mới tạo ra được thứ bánh gai ngon nức tiếng. Bởi ngay cả khi con gái làng Mía đi lấy chồng nơi khác, mang theo nghề thì việc tạo nên thứ bánh như “quê mẹ” cũng là điều không dễ.
Về nguồn gốc của nghề làm bánh gai làng Mía, có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, có ý kiến cho rằng, thứ bánh “vỏ đen nhân vàng” xuất hiện lần đầu trong lễ mừng công của người dân Đa Mỹ phường (Thọ Diên ngày nay) sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thành công. Vì bánh có vị thơm ngon đặc biệt nên về sau còn được dùng làm lễ vật dâng cúng trong các dịp lễ, tết.
Còn chuyện làm sao lại không gọi bánh gai làng Mía mà là bánh gai Tứ Trụ? Theo lưu truyền dân gian, xưa kia vùng đất này ở vào thế đất “cận thị, cận giang, cận lộ” cực kỳ thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán. Nơi đây, xưa có phố Tứ Trụ, có chợ Đường (còn gọi là chợ Tứ Trụ) thu hút người muôn phương tìm về giao thương. Chợ họp bên bờ sông Chu, phía dưới có tàu thuyền tấp nập. Và trong vô số những loại hàng hóa khách buôn về đây trao đổi thì khi rời đi, vẫn thường không thể thiếu vài xâu bánh gai gói trong lá chuối, bên ngoài buộc lạt đỏ... Có lẽ, vì bánh được người dân địa phương mang xuống chợ Tứ Trụ bán - mua, nên tên chợ đã trở thành tên gọi “định danh” bánh gai làng Mía.
Từ thứ bánh dân dã, ngày nay nghề làm bánh gai ở làng Mía đã thực sự phát triển với trên 30 hộ làm nghề. Bánh gai Tứ Trụ không chỉ tiêu thụ trong huyện, tỉnh mà còn theo người đi muôn phương, thậm chí là “xuất ngoại”. Về Thọ Diên, không khó nhận ra, nghề làm bánh gai truyền thống đã góp phần quan trọng vào sự phát triển giàu mạnh của vùng đất bên bờ sông Chu.
Nếu Kẻ Mía nổi tiếng với ẩm thực bánh gai thì đất Kẻ Chè (làng Trà Đông) xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) lại nổi danh với nghề đúc đồng đòi hỏi quy trình cầu kỳ, kỹ thuật phức tạp. Với sự tài hoa của những thế hệ nghệ nhân làng nghề đúc đồng Trà Đông đã tạo nên nhiều sản phẩm đúc đồng tinh xảo. Và với những giá trị của nghề truyền thống được trao truyền và lưu giữ, năm 2018, nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) xã Thiệu Trung đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nói về nghề đúc đồng ở Trà Đông, đến nay vẫn chưa có khẳng định chính xác về thời gian có nghề ở vùng đất cổ. Tuy vậy, căn cứ trên lưu truyền thì người dân Kẻ Chè luôn tin rằng “đất họ Lê, nghề họ Vũ”. Có nghĩa, vùng đất này được tạo dựng bởi công lớn của gia tộc họ Lê (Lê Lương và con cháu dòng họ) và hai ông họ Vũ đến đây lập nghiệp đã có công làm nghề và truyền nghề đúc đồng cho người dân trong làng.
Để tạo nên một sản phẩm đúc đồng hoàn chỉnh đòi hỏi nhiều bước kỹ thuật, lại phải có kinh nghiệm, vì thế từ xa xưa đến nay, nghề truyền thống ở Kẻ Chè không lưu truyền rộng rãi mà trao truyền từ đời này sang đời khác.
Trải qua thời gian bị gián đoạn, những thập kỷ gần đây nghề đúc đồng làng Trà Đông đã được khôi phục trở lại. Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ làng nghề, những sản phẩm đúc đồng thủ công của đất Kẻ Chè như trống đồng, chiêng, tượng, đồ thờ... được chế tác ngày càng đa dạng. Trong đó, nhiều sản phẩm đúc đồng còn mô phỏng thành công theo hình dáng, chi tiết tinh xảo của sản phẩm cổ xưa.
Nếu sản phẩm đúc đồng Trà Đông được tạo nên bởi kinh nghiệm trao truyền, sự tài hoa của người thợ làng nghề. Thì những làng nghề thủ công mỹ nghệ ở xứ Thanh, lại được “dệt” nên bởi đôi bàn tay khéo léo, sự cần cù, chịu thương chịu khó của những người dân lam lũ, chẳng quản ngại khó khăn.
Từ những nguyên vật liệu tưởng chừng như rất đơn giản, như cây cói, cây bèo trên đồng ruộng, kênh mương, đến cây tre, cây vầu, song mây trên rừng... qua sự cần mẫn của người làm nghề đã tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bắt mắt, ra Bắc, vào Nam và đặc biệt là “xuất ngoại”. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Nhắc đến nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trên quê hương xứ Thanh có thể nào không nhớ đến những làng nghề ở vùng đất cói Nga Sơn; hay nghề mây tre đan Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa). Những làng nghề với tuổi đời hàng trăm năm, trải qua thăng trầm của lịch sử, thời gian vẫn bền bỉ tồn tại, được tiếp nối bởi những thế hệ người dân cần cù, yêu lao động.
Và nghề, làng nghề truyền thống trên quê hương xứ Thanh không chỉ dừng lại ở một vài làng nghề kể trên. Còn có: Nghề mộc Đạt Tài; đục, chế tác đá làng Nhồi; chè lam Phủ Quảng; dệt nhiễu Hồng Đô; rèn Tất Tác; nước mắm Do Xuyên - Ba Làng; nước mắm Khúc Phụ; hương Đông Khê; dệt thổ cẩm... Mỗi làng nghề, nghề truyền thống như một nét chấm trên “bức tranh” xứ Thanh đa sắc.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 116 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Trong đó có nhiều sản phẩm của các làng nghề đã được công nhận sản phẩm OCOP. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân địa phương, nghề, làng nghề truyền thống còn tạo nên “bản sắc” - “định vị” cho những miền quê xứ Thanh.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ruc-ro-sac-mau-lang-nghe-xu-thanh-32177.htm