Rực rỡ sắc màu văn hóa Việt Nam tại trái tim châu Âu
Giữa tháng Năm dịu dàng, 'trái tim chính trị' của châu Âu ở Brussels (Bỉ) lại mở cửa chào đón công chúng với sự kiện thường niên 'Open Day – Ngày hội Mở cửa' tại trụ sở các cơ quan quyền lực của Liên minh châu Âu (EU).
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, hàng nghìn người dân địa phương, khách du lịch và cộng đồng quốc tế ngày 10/5 đã đổ về khu vực trung tâm Brussels để trực tiếp tham quan Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, tham dự các trò chơi tương tác, tìm hiểu về cách thức hoạt động và cấu trúc quyền lực của EU. Năm nay, dấu ấn Việt Nam trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết, khi lần đầu tiên quốc gia hình chữ S vinh dự trở thành khách mời danh dự của Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS), đánh dấu cột mốc 35 năm trong mối quan hệ ngoại giao với EU. Việt Nam tham gia ngày hội với một chương trình văn hóa nghệ thuật độc đáo. Khi những giai điệu đầu tiên của bản nhạc "Việt Nam quê hương tôi" cất lên, một dòng chảy xúc cảm mãnh liệt đã lan tỏa trong trái tim mỗi người con đất Việt có mặt tại Brussels. Giữa trời Âu bao la, thanh âm thân thương ấy như một sợi dây vô hình, kết nối những tâm hồn xa xứ về với cội nguồn, với hình ảnh quê hương yêu dấu. Từng nốt nhạc như chạm khẽ vào ký ức, gợi nhớ về những cánh đồng lúa bát ngát, những con sông uốn lượn, những mái đình cong vút, và cả những lời ru ngọt ngào của mẹ.



Trình diễn áo dài của Câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam tại Vương quốc Bỉ. Ảnh: Hương Giang/PV TTXVN tại Bỉ
Tiếng nhạc da diết dẫn lối cho những tà áo dài thướt tha, những chiếc nón lá nghiêng nghiêng, duyên dáng khoan thai sải bước. Trong ánh mắt ngỡ ngàng, say mê của khán giả châu Âu, màn trình diễn của các thành viên Câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam tại Vương quốc Bỉ hiện lên như một bức tranh sống động. Đó là hình ảnh người phụ nữ Kinh Bắc dịu hiền trong tà áo tứ thân mộc mạc, sánh đôi cùng "chàng rể Tây" lịch lãm trong chiếc áo dài truyền thống, một sự kết hợp Đông - Tây đầy ý nhị và xúc động. Mỗi bước chân uyển chuyển, mỗi tà áo lụa mềm mại như kể một câu chuyện về cội nguồn, về niềm tự hào dân tộc, và về nhịp cầu kết nối giữa Việt Nam và châu Âu. Bà Paola Pampaloni - Phó Tổng vụ trưởng phụ trách châu Á – Thái Bình Dương của EEAS, đã không giấu được sự ấn tượng khi trao đổi với phóng viên TTXVN: "Việt Nam là khách mời đặc biệt trong năm kỷ niệm 35 năm quan hệ song phương. Màn trình diễn áo dài thật sự ấn tượng, rất được công chúng yêu thích và đã khơi gợi thêm sự tò mò, quan tâm của người dân châu Âu đối với văn hóa Việt". Ngay sau khúc dạo đầu duyên dáng, công chúng lại được dẫn dắt vào một thế giới khác, một vũ điệu của sức mạnh ẩn sau vẻ mềm mại: màn biểu diễn võ thuật Thủy Pháp trên nền nhạc ca khúc “Bắc Bling” khiến khán giả vô cùng thích thú. Môn phái võ thuật độc đáo này, với những động tác mô phỏng sự uyển chuyển của nước, khi thì nhẹ nhàng như sóng gợn, khi lại mạnh mẽ như thác đổ, đã thực sự chinh phục trái tim người xem. Những võ sinh nam và nữ, người Bỉ, người Pháp, bằng sự khổ luyện và lòng đam mê, đã tái hiện một cách sống động tinh thần thượng võ và triết lý sâu sắc của Á Đông. Họ trình diễn những bài quyền nhuần nhị, lúc khoan thai như mây trôi, lúc dứt khoát, bùng nổ khí thế, kể cho khán giả nghe những câu chuyện huyền thoại xa xưa như sự tích Hồ Gươm, nơi vua Lê trao lại gươm báu cho rùa vàng. Trong khoảnh khắc ấy, Thủy Pháp không chỉ là những kỹ thuật, mà đã trở thành ngôn ngữ của văn hóa, là một hình thức nghệ thuật đặc sắc, chuyển tải một cách đầy cảm xúc lịch sử và triết lý nhân sinh của Việt Nam.

Biểu diễn môn võ Thủy Pháp. Ảnh: Hương Giang/PV TTXVN tại Bỉ
Không khí ngày hội càng trở nên lắng đọng và đặc biệt hơn khi công chúng dừng chân tại gian hàng thư pháp Việt Nam, với lá cờ đỏ sao vàng nổi bật. Ở đó, một "ông đồ Tây" trong bộ áo the khăn xếp chỉnh tề, say sưa nghiêng mình bên nghiên mực, nắn nót trao tặng những con chữ mang đậm hồn Việt. Anh Jean-Sébastien Gill, một người Pháp trót yêu văn hóa Việt, đã giới thiệu nghệ thuật thư pháp cổ truyền của Việt Nam bằng một giọng điệu uyển chuyển, đầy am hiểu và trân trọng. Du khách thích thú xếp hàng, háo hức chờ đợi nét bút tài hoa. Nhiều người lần đầu tiên được nghe về những chữ như "An khang", "Phúc", "Bình an"... kèm theo lời giải nghĩa ấm áp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, mở ra một cánh cửa nhỏ vào thế giới tinh thần phong phú của người Việt. Chị Francesca Colotta, một du khách đến từ Italy, người từng đặt chân đến Việt Nam, không giấu được sự xúc động khi nhận được chữ "An khang". Chị chia sẻ với phóng viên TTXVN: "Đây là món quà mang giá trị tinh thần lớn. Tôi sẽ treo trong nhà để luôn nhớ về Việt Nam, về những con người thân thiện và nền văn hóa tuyệt vời".

Du khách thích thú khám phá nghệ thuật thư pháp tại gian hàng Việt Nam. Ảnh: Hương Giang/PV TTXVN tại Bỉ

Ông đồ Jean-Sébastien Gill hướng dẫn các em nhỏ viết thư pháp. Ảnh: Hương Giang/PV TTXVN tại Bỉ
Tại đây, ngay cả những em nhỏ người nước ngoài cũng thích thú xếp hàng để được "ông đồ Jean" tặng chữ. Anh Jean nhẹ nhàng hướng dẫn các em viết thư pháp, giúp các em mang về một kỷ niệm đặc biệt, một chút hương vị Á Đông giữa lòng châu Âu. Anh Borgat Romain, một người Pháp đang sinh sống tại Brussels, bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú khi cùng gia đình ghé thăm gian hàng Việt Nam. Anh cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi thấy một gian hàng như thế này về Việt Nam. Chúng tôi biết đến đất nước các bạn, nhưng chưa thực sự hiểu về văn hóa. Qua những gì được chứng kiến hôm nay, tôi tin rằng Việt Nam là một đất nước đa dạng, sâu sắc và rất đáng để khám phá". Ngày hội Mở cửa của EU năm nay không chỉ là dịp để công chúng khám phá hoạt động của các cơ quan quyền lực của EU mà còn là dịp để họ tìm thấy những giá trị văn hóa xa xôi nhưng gần gũi. Từ Brussels, Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế. Một đất nước vừa truyền thống, vừa hiện đại, luôn sẵn sàng hội nhập và lan tỏa những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc./.