Rực sắc 'tranh Đỏ' trong lễ hội làng Kim Hoàng
Sau hơn 7 thập kỷ bị thất truyền, các bậc lão niên trong làng Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) cùng với nghệ nhân Đào Đình Chung đang thực hiện dự án khôi phục làng tranh về dòng tranh Đỏ dân gian, đặc biệt là trong dịp lễ hội 2024.
Tại lễ hội truyền thống của làng Kim Hoàng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), diễn ra từ 19/3 đến 21/3, hàng nghìn khách du lịch và nhân dân Thủ đô đã háo hức đến xem triển lãm "tranh đỏ" Kim Hoàng; tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí mang đậm tính dân gian, cổ truyền... Phóng viên báo Tin tức đã có dịp trò truyện với nghệ nhân Đào Đình Chung (sinh năm 1978, hiện là người kế thừa duy nhất dòng "tranh đỏ" của làng Kim Hoàng).
Nghệ nhân Đào Đình Chung - người tiếp nối dòng "tranh đỏ" Kim Hoàng chia sẻ: Tranh Kim Hoàng có điểm khác biệt là trên góc tranh còn có thơ đề và bùa trấn tà ma, điều mà tranh Hàng Trống và tranh Đồng Hồ không có. Tranh Kim Hoàng còn được gọi là "tranh đỏ" vì được sử dụng giấy dó pha thêm sắc hồng điều, đỏ son, đỏ pháo, vàng yến… tạo nên sắc rực rỡ rất riêng.
Theo lời anh Đào Đình Chung, từ nhỏ đã nghe các cụ trong làng nói nhiều về dòng tranh cổ Kim Hoàng. Tương truyền vào năm 1701, dòng họ Nguyễn Sỹ từ Thanh Hóa di cư ra Thăng Long lập nghiệp tại làng Kim Hoàng với dòng tranh kết hợp trên cơ sở kỹ - mỹ thuật của tranh Đông Hồ và Hàng Trống.
Thời đó, nhận thấy thấy tranh Đông Hồ, Hàng Trống chỉ đủ cung ứng cho địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận, người làng Kim Hoàng đã quyết tâm tạo ra dòng tranh mới. Tranh Kim Hoàng ra đời với sự kết hợp kỹ - mỹ thuật từ hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống, phù hợp với người dân cả về thẩm mỹ lẫn túi tiền.
Tranh dân gian Kim Hoàng phát triển mạnh vào khoảng thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 nhờ tính mộc mạc, giản dị và vô cùng gần gũi, quen thuộc với mỗi người dân quê vùng đồng bằng Bắc bộ như con trâu, con lợn, con gà, hình ảnh làng quê, cảnh ngày Xuân, chợ Tết… và trở thành một sản phẩm ưa chuộng phục vụ nhu cầu chơi tranh Tết của đất Kinh Kỳ.
Anh Đào Đình Chung chia sẻ, tranh được sử dụng giấy dó pha thêm sắc hồng điều, đỏ cam, đỏ pháo, tạo nên một vẻ tươi thắm riêng biệt. Và qua nhiều thế hệ, tranh Kim Hoàng được dân gian gọi với cái tên khác là "tranh đỏ".
Theo ký ức của nhiều người dân xứ Đoài, thời "hoàng kim" của tranh Kim Hoàng kéo dài khoảng 100 năm. Cho đến năm 1915, một trận lũ lớn làm vỡ đê Liên Mạc (ngày nay thuộc Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến nhiều bản khắc gỗ của tranh bị cuốn trôi, khiến dòng tranh này thất truyền hơn 70 năm qua.
Những tưởng số phận dòng tranh Kim Hoàng sẽ bị xóa sổ dưới lớp bụi thời gian, thì đến năm 2015, với sự góp sức của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa (Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội) cùng các nghệ nhân cao tuổi trong làng, dòng tranh Kim Hoàng đã và đang được phục dựng. Và người kế thừa duy nhất vốn quý về dòng tranh này đó là nghệ nhân trẻ Đào Đình Chung-một người con của làng Kim Hoàng.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Sỹ Hào, trưởng thôn Kim Hoàng cho biết: Năm 2024, lễ hội truyền thống được đầu tư nhiều hoạt động đặc sắc và mới lạ, với quy mô khác hẳn mọi năm. Các chương trình văn nghệ và trò chơi dân gian truyền thống cũng được tổ chức như cờ tướng, đập niêu, bắt vịt. Lễ hội tổ chức để tưởng nhớ công ơn lập nên làng Kim Hoàng của Thành hoàng làng và tri ân công đức của các bậc tiền nhân. Đây còn là dịp để người con quê hương tưởng nhớ đến nghề tranh truyền thống Kim Hoàng đã có từ bao đời nay.
Theo tục lệ, cứ 5 năm làng Kim Hoàng sẽ tổ chức kỳ Đại hội gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ mộc dục, tế lễ Thánh, dâng hương ở Nhà lưu niệm Bác Hồ và đài tưởng niệm liệt sĩ, rước rồng, rước kiệu, lễ vào làng, đón tiếp du khách tham quan đình làng.
Người Kim Hoàng yêu mĩ thuật, đình còn giữ nhiều bức chạm lộng miêu tả cảnh đánh vật, bắn cung, thổi sáo, cưỡi voi, cưỡi hổ… Xưa kia, mỗi độ Tết đến, xuân về ở các phiên chợ quê xứ Đoài, có một dòng tranh dân gian, thường được gọi là tranh đỏ, bày bán rất nhiều. Sở dĩ gọi là tranh đỏ là bởi loại tranh này được in trên giấy điều hay giấy dó nhuộm đỏ, khác với tranh Hàng Trống được in trên giấy trắng mộc, tranh Đông Hồ được in trên giấy điệp.
Lễ hội truyền thống làng Kim Hoàng đã nhận được sự phản hồi tích cực và yêu thích của nhân dân và du khách đến vui chơi lễ hội. Đây vừa là dịp để cộng đồng và các thế hệ kết nối, gắn bó, thể hiện lòng tự hào với văn hóa và ‘di sản’ của làng quê, cũng như là cầu nối văn hóa cho những người quan tâm đến những giá trị và nét đẹp truyền thống của dòng tranh dân gian Kim Hoàng.