Rủi ro cuộc chạy đua tàu ngầm tại Ấn Độ-Thái Bình Dương
Nhiều quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương quan tâm và đang phát triển cả tàu ngầm hạt nhân và phi hạt nhân để thay thế hoặc mở rộng hạm đội của mình. Số lượng tàu ngầm ngày càng tăng khiến cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia càng trở nên nguy hiểm.
Theo tờ SCMP, việc Australia có công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ và Anh qua thỏa thuận AUKUS sẽ kích hoạt cuộc cạnh tranh hải quân phức tạp ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, cả trên và dưới mặt nước.
Ngày 30/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhận định AUKUS không chỉ tác động sâu rộng tới nỗ lực cấm phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế mà còn gây ra mối đe dọa thực sự cho hòa bình, ổn định khu vực.
Trong bài phát biểu trước Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ngày 16/9, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Wang Qun cũng cảnh báo các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hỗ trợ các quốc gia không có vũ khí hạt nhân, như Australia, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới nỗ lực toàn cầu trong giải quyết các vấn đề hạt nhân liên quan Triều Tiên và Iran.
Trong khi đó, ông Hu Bo, Giám đốc Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược Biển Đông, cho rằng mặc dù Australia chưa thể sớm có tàu ngầm hạt nhân trong tương lai gần nhưng AUKUS sẽ kích hoạt chạy đua vũ trang.
Số lượng tàu ngầm của các nước liên quan
Trong báo cáo năm 2020 của Lầu Năm Góc, Hải quân Trung Quốc có 4 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Type 094A đang hoạt động, 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 và 50 tàu ngầm diesel tấn công. Trung Quốc cũng đang phát triển tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095 và tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo 096. Tháng 4 năm nay, thêm một tàu ngầm Type 094A đi vào hoạt động.
Trong khi đó, Australia vận hành 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Collins và đang có kế hoạch phát triển ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân tấn công. Mặc dù các tàu ngầm hạt nhân mới phải sau năm 2030, thậm chí 2040, mới có thể hoạt động, nhưng một số thành viên cấp cao nội các Australia đã đề cập khả năng họ có thể thuê một số tàu ngầm tấn công của Mỹ và Anh để dùng tạm hoặc để tập huấn tạm thời.
Với Mỹ - quốc gia có lực lượng tàu ngầm mạnh nhất thế giới, nước này có 14 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio và 52 tàu ngầm thuộc 3 lớp tàu ngầm hạt nhân tấn công (Virginia, Seawolf và Los Angeles). Toàn bộ tàu ngầm của Mỹ đều chạy bằng hạt nhân và bất kỳ lúc nào Hải quân Mỹ cũng có 24 tàu được triển khai ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, nếu Hải quân Mỹ đạt mục tiêu đồn trú 60% tàu chiến trong khu vực này, Mỹ sẽ tăng triển khai số tàu lên 31.
Trong khi đó, Anh, vốn nằm xa khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương về địa lý, nhưng cũng có lực lượng quân sự đồn trú lâu dài ở đây: 4 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Vanguard, 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Astute và 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Trafalgar đang hoạt động, cộng thêm 3 tàu lớp Astute và một tàu lớp Deadnought đang được xây dựng. Tàu lớp Astute và Virginia có thể là những tàu ngầm mà Australia có thể mua theo thỏa thuận AUKUS.
Trong một tuyên bố, đội đặc trách tàu ngầm hạt nhân mới thành lập của Australia cho biết trong 18 tháng tới, Australia sẽ làm việc với Anh và Mỹ để kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ yêu cầu liên quan tàu ngầm hạt nhân.
Tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhiều quốc gia cũng quan tâm tới tàu ngầm hạt nhân. Ấn Độ, Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã bắt đầu hoặc có kế hoạch phát triển loại vũ khí này. Kể cả hòn đảo Đài Loan của Trung Quốc cũng muốn thay thế tàu ngầm cũ.
Ông Song Zhongping, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong (Trung Quốc), nhận định: “Mỹ sẽ hạn chế Đài Loan nhưng có thể thả lỏng cho Nhật Bản và Ấn Độ, hoặc thậm chí còn chuyển giao một số công nghệ tàu ngầm hạt nhân tấn công cho Ấn Độ”.
Ấn Độ đã đặt làm một tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Arihant và sắp đặt làm 3 chiếc nữa. Nước này cũng đã trả tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Akula do Nga sản xuất và sẽ thuê một chiếc nữa từ năm 2025.
Còn Nhật Bản, từ lâu đã tập trung vào sức mạnh tàu ngầm, có 20 tàu ngầm diesel-điện tấn công đang hoạt động và đang phát triển một chiếc nữa.
Theo ông Song, Nhật Bản và Ấn Độ đều có năng lực tự chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Nhật Bản chỉ cần Mỹ bật đèn xanh và Hàn Quốc cũng vậy.
Hồi tháng 1, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho biết nước này đã hoàn tất thiết kế tàu ngầm hạt nhân có thể phóng vũ khí hạt nhân chiến lược và đang trong giai đoạn kiểm tra cuối cùng.
Sau đó, Hàn Quốc đã đàm phán với Mỹ để được chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Nước này đã phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm thành công.
Nguy cơ sự cố
Người ta luôn cho rằng vũ khí tốt nhất chống tàu ngầm chính là tàu ngầm, nhưng mua, vận hành và bảo trì tàu ngầm rất tốn kém. Không phải nước nào trong khu vực cũng có thể cáng đáng nổi hoặc sẵn sàng chế tạo tàu ngầm.
Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng có nghĩa là những nước không đủ lực để thiết lập hạm đội tàu ngầm mới hoặc mở rộng hạm đội hiện có có thể cũng sẽ phải tìm kiếm các giải pháp chiến tranh chống ngầm khi bị mắc kẹt trong cuộc đua giữa nước lớn.
Ông Collin Koh, thành viên nghiên cứu tại khoa quan hệ quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nhận định: “Giải pháp đỡ tốn kém hơn là đầu tư vào năng lực đối lập mà trong trường hợp này là các tài sản có thể tham gia chiến tranh chống ngầm như tàu mặt nước chuyên dụng, trực thăng, máy bay cánh cố định”.
Khi được triển khai, nhiều tàu ngầm có thể sẽ xuất hiện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương – khu vực chiến lược và đủ sâu để tàu ngầm hoạt động. Ông Koh nói: “Vùng ven biển trong khu vực này ngày càng nhiều tàu ngầm thì rủi ro các tàu ngầm, lực lượng trên mặt biển chạm trán nhau càng lớn, các sự cố như va chạm với tàu khác, kể cả tàu dân sự, cũng càng cao”.
Theo ông Koh, tàu ngầm phần lớn không nổi lên trừ khi cần thiết, do đó khiến cuộc cạnh tranh bên dưới càng thêm nguy hiểm, nhất là khi chưa có cơ chế phòng ngừa và giảm nhẹ các sự cố dưới nước trong khu vực.
Mới tuần trước, tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut lớp Seawolf của Mỹ vừa va vào một vật thể ở Biển Đông khiến 11 thủy thủ bị thương và khiến Trung Quốc lo ngại, yêu cầu tiết lộ thông tin chi tiết về sự cố.