Rủi ro tội phạm tài chính ở Việt Nam tăng cao

Một trong những rủi ro đáng kể hiện nay trên thị trường tài chính là rủi ro tội phạm gia tăng, với thống kê cho thấy có đến 90% cuộc tấn công mạng liên quan hệ thống tài chính ngân hàng trong năm ngoái.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, một trong những rủi ro đáng kể hiện nay trên thị trường tài chính là rủi ro tội phạm tài chính đang gia tăng.

Theo thống kê, có 5 xu hướng tội phạm tài chính cần lưu tâm là tấn công mạng có chủ đích, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Hai là rủi ro lộ lọt dữ liệu cá nhân. Ba là tấn công vào phần cứng như điện thoại di động, thiết bị IOT, modem, icloud… để chiếm quyền, lấy cắp mã giao dịch. Bốn là kinh doanh bất hợp pháp trên không gian mạng (tiền ảo, defi). Năm là tấn công trực tiếp vào các ngân hàng thương mại, ví điện tử, fintech,…

Theo Công ty an ninh mạng Viettel, Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về số lượng mã độc tống tiền (ransomware), tăng 200% so với năm 2020. Trong đó có 90% cuộc tấn công mạng liên quan hệ thống tài chính ngân hàng trong năm ngoái, tăng đến 42,4%.

Tội phạm mạng liên quan đến các nền tảng DeFi gia tăng. Nguồn: Chainalysis, CoiGecko, CyberSecurity Venture.

Trên thực tế, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao mới đây đã phát hiện vụ việc tấn công, xâm nhập vào hệ thống ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam để đánh cắp, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Các dữ liệu liên quan đến tài chính cũng có nguy cơ bị xâm phạm. Thống kê cho thấy năm 2021, có 100 triệu lượt dữ liệu người dùng internet bị lộ lọt, khoảng 100.000 tài khoản mật khẩu bị rao bán trên “chợ đen”.

Theo ông Lực, các lý do chính khiến các vụ tấn công tăng nhanh là vì dịch bệnh làm thay đổi thói quen sống và hành vi đầu tư, tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự phát triển của các công nghệ mới như 5G, IOT, điện toans đám mây, kinh tế số, các ứng dụng số phát triển… thúc đẩy số lượng người dùng từ ngoại tuyến lên trực tuyến.

Theo báo cáo “Khảo sát tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu năm 2022” của PwC công bố hồi đầu tháng 6 vừa qua, tội phạm an ninh mạng đứng đầu danh sách các mối đe dọa lớn nhất đối với các doanh nghiệp ở tất cả mọi quy mô.

Theo PwC, sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật tiềm ẩn vô số cơ hội cho tội phạm tài chính và 40% trong số những người được khảo sát gặp phải gian lận đã trải qua một số hình thức gian lận nền tảng.

Cẩn trọng với dữ liệu cá nhân Bộ Công an mới đây tiếp tục cảnh báo người dân về việc hoạt động thu thập, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, chứng minh nhân dân của người dân diễn biến phức tạp tại một số địa phương.Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân dưới nhiều phương pháp khác nhau, các đối tượng này sẽ bán thông tin cho các đối tượng khác (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội như mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính, chuyển nhận tiền đánh bạc, giả mạo, giả danh các tổ chức, cơ quan quản lý để đe dọa hoặc đánh vào lòng tham của người dân,…Theo Bộ Công an, phần lớn những người cho thuê, cho mượn thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng không biết việc sử dụng thông tin, tài khoản để thực hiện hành vi phạm tội. tuy nhiên có trường hợp dù biết rõ nhưng vì hám lợi vẫn tiếp tay, tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và đã bị xử lý với vai trò đồng phạm.

D.Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/rui-ro-toi-pham-tai-chinh-o-viet-nam-tang-cao/