Rừng cây thanh niên phủ xanh đất trống

Phủ xanh những vùng đất trống, mở ra cơ hội giúp thanh niên phát triển kinh tế là lợi ích mà mô hình 'Rừng cây thanh niên lập nghiệp' mang lại.

Bắc Giang có hơn 160 nghìn ha đất rừng, độ che phủ rừng đạt 38%. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Khai thác lợi thế đó, Tỉnh đoàn đã triển khai chương trình “Rừng cây thanh niên lập nghiệp” nhằm thể hiện vai trò của tuổi trẻ trong việc tăng tỷ lệ che phủ rừng, giảm thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, mở ra hướng đi mới, giúp thanh niên vùng khó khăn có cơ hội thoát nghèo.

 ĐVTN thị trấn An Châu (Sơn Động) hỗ trợ gia đình thanh niên hoàn cảnh khó khăn trồng rừng.

ĐVTN thị trấn An Châu (Sơn Động) hỗ trợ gia đình thanh niên hoàn cảnh khó khăn trồng rừng.

Anh Hoàng Văn Phong (SN 1989) ở thôn Ván A, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn). Gia đình anh thuộc diện nghèo. Vợ chồng anh đang sống cùng mẹ già và nuôi hai con nhỏ. Dù chăm chỉ làm lụng nhưng chỉ có vài sào ruộng, anh chị không đủ tiền trang trải cuộc sống và thuốc thang cho mẹ. Nắm bắt hoàn cảnh gia đình anh, Huyện đoàn Lục Ngạn đã hướng dẫn anh phát triển kinh tế với nghề trồng rừng.

Năm 2020, Huyện đoàn đề xuất Tỉnh đoàn vận động các nhà tài trợ hỗ trợ gia đình anh Phong 5 nghìn cây keo giống để trồng ở khu vực đất rừng bỏ hoang gần nhà. Đồng thời, tặng phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Sau hơn 4 năm, đến nay, rừng keo phát triển tốt, tỷ lệ sống cao và sắp cho thu hoạch. Anh Phong cho biết sẽ tiếp tục đầu tư cây giống, mở rộng diện tích trồng rừng.

Anh Dương Văn Hiến, Phó Bí thư Huyện đoàn Lục Ngạn cho biết: “Với lợi thế về đất đai, Huyện đoàn đã vận động thanh niên địa phương trồng rừng, phát triển kinh tế. Để đạt hiệu quả, chúng tôi đã khảo sát quỹ đất, vị trí trồng và nhu cầu của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nhằm hỗ trợ đúng đối tượng. Các hộ sẽ đổi công cho nhau để hỗ trợ nhân lực trồng, chăm sóc, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn”.

 Huyện đoàn Lục Ngạn tặng công trình "Rừng cây thanh niên lập nghiệp" cho thanh niên xã Hộ Đáp.

Huyện đoàn Lục Ngạn tặng công trình "Rừng cây thanh niên lập nghiệp" cho thanh niên xã Hộ Đáp.

Sơn Động là huyện có tỷ lệ rừng trồng cao. Nhiều năm qua, rừng sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Huyện xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Phát huy sức trẻ trong nhiệm vụ chung của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, vừa qua, Huyện đoàn đã trao tặng cho ĐVTN các xã: Vĩnh An, Vân Sơn, thị trấn An Châu 20 nghìn cây keo giống. Những thanh niên được hỗ trợ đều là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo đoàn các cấp rà soát, lập danh sách các hộ gia đình, ĐVTN có nhu cầu, khả năng và điều kiện trồng rừng sản xuất. Đồng thời, vận động các nguồn lực hỗ trợ giống cây trồng, phân bón cho thanh niên đặc biệt khó khăn; tổ chức những hoạt động tham quan mô hình kinh tế, hội thảo đầu bờ, hướng dẫn quy trình, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng cho thanh niên.

Bên cạnh phát triển kinh tế từ mô hình trồng rừng, Huyện đoàn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu cho ĐVTN và người dân. Tại đây, bà con được hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, làm đất, trồng, chăm sóc cây ba kích tím, địa liền, giảo cổ lam, kim tiền thảo, sa nhân tím, sâm nam ...

Với sự quan tâm của các cấp bộ đoàn, đến nay, đã có hàng trăm nghìn cây giống được trao tặng nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, từng bước phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bằng nghề trồng rừng.

Đồng chí Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Đoàn các cấp ở những huyện miền núi được giao rà soát, lập danh sách các hộ gia đình, ĐVTN có nhu cầu, khả năng và điều kiện trồng rừng sản xuất. Đồng thời vận động các nguồn lực hỗ trợ giống cây trồng, phân bón cho thanh niên đặc biệt khó khăn; tổ chức tham quan mô hình kinh tế, hội thảo đầu bờ, hướng dẫn quy trình, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng cho thanh niên.

Các cơ sở Đoàn làm nòng cốt giúp đỡ gia đình có đất trồng rừng nhưng không có khả năng lao động, thiếu nhân lực để đảm nhận trồng rừng. Việc khuyến khích thanh niên trồng rừng không những hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mà còn nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mô hình là hoạt động thiết thực của các cấp bộ đoàn trong việc tham gia hưởng ứng chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh” giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/nhip-song-tre/411295/rung-cay-thanh-nien-phu-xanh-dat-trong.html