Rừng không chỉ là tài nguyên

Khi rừng không còn là gánh nặng bảo vệ mà trở thành đối tác sinh kế thì phát triển lâm nghiệp mới thực sự bền vững.

Việc phát triển rừng trồng gỗ lớn - điểm sáng của ngành lâm nghiệp

Việc phát triển rừng trồng gỗ lớn - điểm sáng của ngành lâm nghiệp

Người dân ven rừng chưa thực sự hưởng lợi

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024, nhiều chỉ số tích cực trong phát triển lâm nghiệp ở Huế được thể hiện. Điển hình như diện tích rừng được bảo vệ ổn định, tỷ lệ che phủ đạt 57,18%; công tác chống lấn chiếm, phòng cháy, chữa cháy, giám sát động vật hoang dã đều được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đặc biệt, hơn 13.000ha rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý bền vững (FSC), góp phần đưa Huế vào nhóm địa phương đi đầu trong thực hành lâm nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế…

Tuy nhiên, những kết quả vẫn chưa đủ để nói rằng, lâm nghiệp Huế đang thực sự bền vững. Lý do là suốt thời gian dài, tư duy “giữ rừng” vẫn trông chờ vào chính sách lâm nghiệp. Giữ rừng là đúng. Nhưng giữ một cách thụ động, cái giá phải trả là phát triển bị kìm hãm, đời sống người dân ven rừng bấp bênh và hiệu quả dài hạn là câu chuyện rất đáng bàn.

Năm 2024, TP. Huế đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 275ha rừng cho các dự án phát triển. Trong khi đó, thu nhập bền vững cho người dân sống ven rừng vẫn chưa được đảm bảo, dù có hơn 99 tỷ đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng. Phần lớn nguồn lực này vẫn tập trung ở các chủ rừng là tổ chức nhà nước, trong khi cộng đồng dân cư, những người gắn bó trực tiếp với rừng nhiều khi chỉ là “đối tượng được tuyên truyền”, không phải “chủ thể hưởng lợi”.

Công tác tuần tra, bảo vệ rừng được đẩy mạnh trong thời gian qua

Công tác tuần tra, bảo vệ rừng được đẩy mạnh trong thời gian qua

Câu chuyện vì sao người dân vẫn xâm lấn rừng, đốt ong, bẫy thú, khai thác gỗ trái phép, đó không chỉ là vấn đề về luật pháp. Đó là vì họ chưa thấy rừng là một phần trong kế sinh nhai của mình.

Mức sống của người dân là thước đo cho sự bền vững

Vừa qua, Vườn Quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc) thông báo cho thuê 2.500ha rừng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí theo “Đề án du lịch sinh thái giai đoạn 2024 - 2030” (được Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt). Theo đề án này, tổng diện tích được quy hoạch cho các điểm và tuyến du lịch sinh thái lên đến hơn 4.200ha. Đây có thể là một cú hích cần thiết để rừng từ chỗ “cần bảo vệ” còn đồng thời là “nguồn lực phát triển”.

Dự kiến, Bạch Mã đón 300.000 lượt khách mỗi năm, mang về 100 - 150 tỷ đồng doanh thu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Con số ấy không chỉ là mục tiêu kinh tế, mà thể hiện một triết lý quản trị mới: Khai thác giá trị đa dạng của rừng, không chỉ từ gỗ, mà từ cảnh quan, sinh thái, văn hóa và trải nghiệm.

Đề án du lịch sinh thái ở Bạch Mã có thể trở thành hình mẫu “sống cùng rừng” nếu cộng đồng là một phần của chuỗi giá trị du lịch; minh bạch trong tuyển chọn nhà đầu tư; thiết kế dự án hài hòa với tự nhiên và bản sắc…

Ngoài trồng rừng cần quan tâm hơn nữa đến sinh kế của người dân

Ngoài trồng rừng cần quan tâm hơn nữa đến sinh kế của người dân

Quay trở lại với câu chuyện đo lường thành công trong lâm nghiệp. Nên chăng, chúng ta không chỉ dựa vào tỷ lệ che phủ hay diện tích trồng rừng, mà còn tính đến mức sống của người dân sống gần rừng, tỷ lệ người dân tham gia các mô hình kinh tế rừng, số doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động dựa vào rừng.

Phát triển “kinh tế bản địa gắn rừng” nghĩa là đưa rừng về lại với cộng đồng bằng mô hình hợp tác xã lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ du lịch bản địa, giáo dục môi trường; hỗ trợ cộng đồng tiếp cận vốn, kỹ năng, thị trường chứ không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền. Gắn du lịch với trách nhiệm bảo tồn nghĩa là doanh nghiệp được thuê rừng phải có trách nhiệm phục hồi rừng, tài trợ nghiên cứu, tham gia bảo tồn động vật quý hiếm chứ không thể chỉ lấy môi trường rừng mà không trả lại gì cho rừng.

Giữ rừng đã khó. Sống cùng rừng còn khó hơn. Chỉ khi người dân trở thành chủ thể của rừng, khi rừng là sinh kế, niềm tin và hy vọng của dân, “lá phổi xanh” mới được bảo vệ một cách bền vững.

Huế với tiềm năng về thiên nhiên phong phú, hệ thống bảo tồn được thiết lập bài bản, cùng đề án du lịch sinh thái ở Bạch Mã hoàn toàn có thể mở ra cơ hội lớn cho phát triển lâm nghiệp, nơi rừng không còn chỉ là tài nguyên được tính theo hecta mà trở thành tài sản sinh lợi, bản sắc văn hóa và đối tác phát triển bền vững.

LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/rung-khong-chi-la-tai-nguyen-153258.html