VN-Index bứt tăng gần 14 điểm trong phiên đầu tiên 'go live' hệ thống mới

Sau phiên sáng thận trọng, giao dịch trên thị trường diễn ra tích cực hơn trong phiên chiều, khi cổ phiếu nhiều nhóm ngành bứt phá tốt.

Trái với diễn biến có phần thận trọng phiên sáng 5/5 khi thị trường mới trở lại sau kỳ nghỉ lễ dài và “làm quen” với hệ thống công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX) đi vào vận hành, giao dịch trên thị trường đã tích cực hơn. Giá trị giao dịch trên thị trường trong khoảng thời gian đầu vẫn diễn ra tương đối thận trọng trước sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên, tiếp đó, dòng tiền bất ngờ chảy mạnh vào một số nhóm ngành cổ phiếu như phân bón hóa chất, đầu tư công, thép… Điều này giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên hưng phấn hơn. Các chỉ số vì vậy cũng giao dịch theo chiều hướng tích cực, VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất phiên.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.240,05 điểm, tương ứng tăng 13,75 điểm (+1,12%). HNX-Index tăng 0,87 điểm (0,41%) lên 212,81 điểm. UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%) xuống 92,38 điểm. Tổng cộng, trong phiên hôm nay có 476 mã tăng, trong khi chỉ có 247 mã giảm giá. Cùng đó, thị trường ghi nhận 34 mã tăng trần và 18 mã giảm sàn.

Cổ phiếu nhà Vingroup đóng góp chính vào mức tăng của VN-Index.

Cổ phiếu nhà Vingroup đóng góp chính vào mức tăng của VN-Index.

Trong nhóm phân bón hóa chất, cổ phiếu CSV, BFC và VAF đều đóng cửa ở mức giá trần. Bên cạnh đó, LAS tăng 6%, DCM tăng gần 5%, DPM tăng 4,3%... Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2025, giá phân urê tăng mạnh trở lại tiếp thêm kỳ vọng của nhà đầu tư đến nhóm cổ phiếu này sau kết quả kinh doanh khởi sắc của quý đầu năm.

Bên cạnh đó, nhóm thép và đầu tư công cũng gây bất ngờ trong phiên chiều, một phần có thể nhờ các số liệu về giải ngân vốn đầu tư công tháng 4/2025 đã bắt đầu có sự tăng tốc. VGS tăng đến 8,4%, HSG tăng 6,2%, NKG tăng 3,8%, KSB tăng 3%. Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của cả nước đến hết tháng 4/2025 là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 14,32% kế hoạch, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2024 khi đạt 15,64% kế hoạch và đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, so với tỷ lệ giải ngân cả nước trong 3 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân tháng 4 đã cao hơn đáng kể.

Đà tăng tốc vào cuối phiên còn diễn ra ở nhóm cảng biển - vận tải biến. Cổ phiếu VSC của Viconship được kéo lên mức giá trần, GMD tăng 2,8%, HAH tăng 2,8%.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VHM và VIC vẫn tăng mạnh và là hai “trụ cột” chủ chốt đóng góp vào mức tăng của VN-Index. Trong đó, VHM tăng 4,3% và đóng góp 2,45 điểm cho VN-Index. VIC tăng 2,94% và đóng góp 1,8 điểm. Các cổ phiếu lớn như GVR, VRE, BCM, BID… cũng đồng loạt tăng giá tốt.

Ở chiều ngược lại, VCB, VNM, LPB hay FPT là những nhân tố chính kìm hãm lại đà tăng của VN-Index, trong đó, VCB lấy đi của VN-Index 0,4 điểm khi giảm 0,35% trong phiên hôm nay. Khác với phiên sáng, trong nhóm VN30 chỉ có LPB, VNM và HDB giảm giá trên 1%.

Khối ngoại trở lại mua ròng trong phiên đầu tiên vận hành hệ thống giao dịch mới.

Khối ngoại trở lại mua ròng trong phiên đầu tiên vận hành hệ thống giao dịch mới.

Hôm nay là phiên đầu tiên thị trường chứng khoán Việt Nam vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE). Dù xuất hiện một số lỗi, nhất là các lỗi hiển thị đầu giờ sáng, các giao dịch trên thị trường nhìn chung diễn ra suôn sẻ.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt gần 606 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là hơn 14.351 tỷ đồng, giảm 7,6% so với phiên trước. Tuy nhiên, nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì giá trị phiên hôm nay tăng 8,3% và đạt 13.145 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX đạt 724 tỷ đồng, trong khi giá trị giao dịch trên UPCoM tăng đột biến lên 3.237 tỷ đồng (tăng 635% so với phiên trước). Việc giá trị giao dịch trên UPCoM tăng vọt là giờ giao dịch thỏa thuận hơn 22,3 triệu cổ phiếu MCH, trị giá 2.847 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận trên sàn HoSE tập trung chính vào cổ phiếu MCH.

Giao dịch thỏa thuận trên sàn HoSE tập trung chính vào cổ phiếu MCH.

Khối ngoại quay trở lại mua ròng 130 tỷ đồng trên HoSE, trái ngược với diễn biến buổi sáng. Trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã VRE với 130 tỷ đồng. MSN và NLG được mua ròng lần lượt 41 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Chiều ngược lại, FPT vẫn đứng đầu danh sách bán ròng với 231 tỷ đồng. VCI và VCB đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 78 tỷ đồng và 69 tỷ đồng.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vn-index-but-tang-gan-14-diem-trong-phien-dau-tien-go-live-he-thong-moi-d278114.html