Rưng rưng cuốn nhật ký thời chiến từ Mỹ trở về

Cuốn nhật ký 'Những ngày khói lửa' của liệt sĩ Phan Đình Điều đã trở về với gia đình sau 52 năm nằm trong tay người Mỹ. Qua cuốn nhật ký nhiều bí ẩn đã được sáng tỏ.

Chân dung liệt sĩ Phan Đình Điều chụp trước lúc lên đường nhập ngũ - kỷ vật duy nhất về liệt sĩ gia đình còn giữ được

Chân dung liệt sĩ Phan Đình Điều chụp trước lúc lên đường nhập ngũ - kỷ vật duy nhất về liệt sĩ gia đình còn giữ được

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có hàng triệu cuốn nhật ký của các chiến sĩ được viết từ những chiến trường đầy bom đạn, nhưng không nhiều cuốn nhật ký được trở về cùng chủ nhân của nó. Thế nhưng, "Những ngày khói lửa" - cuốn nhật ký của liệt sĩ Phan Đình Điều lại "tìm được đường về" sau 52 năm nằm trong tay người Mỹ.

Từ một dòng tin trên báo

Tháng 5.2023, gia đình ông Phan Đình Đều, hiện trú tại TP Uông Bí (Quảng Ninh) đọc được thông tin trên một tờ báo điện tử “Cần tìm thân nhân liệt sĩ Phan Đình Điều tại Hải Dương”. Gia đình lập tức lên tòa soạn tại Hà Nội để xác nhận thông tin và được biết, vào tháng 6, phía Mỹ sẽ bàn giao một số hồ sơ chiến tranh, trong đó có cuốn nhật ký của người anh trai là liệt sĩ Phan Đình Điều.

Ông Điều sinh năm 1945, tại làng Kiều, nay là thôn Lâm Cầu, xã Lê Hồng (Thanh Miện). Ông nhập ngũ năm 1964, cho đến khi hy sinh năm 1971 không hề có một dòng tin tức nào, nên thông tin cuốn nhật ký của liệt sĩ trở về là một sự kiện hết sức trọng đại đối với gia đình.

Sự kiện tiếp nhận tượng trưng “Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam” do Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ của Mỹ bàn giao, sáng 2.6 tại Hà Nội, thật đặc biệt. Để đến với sự kiện này, ông Đều đã từ Quảng Ninh lên Hà Nội từ hôm trước cùng với người chú ruột, là cựu chiến binh Điện Biên Phủ, năm nay đã 94 tuổi. Khi phía Mỹ thông báo tất cả tư liệu đã được số hóa để lưu trữ, nhiều hiện vật đã bị tiêu hủy, trong đó có “Những ngày khói lửa” - cuốn nhật ký của liệt sĩ Phan Đình Điều, gia đình đã tỏ ra khá buồn. Song khi cầm trên tay tập nhật ký tượng trưng của anh trai, ông Đều không thể cầm được nước mắt: “Anh trai vào chiến trường để đối đầu với các ông khi tôi 9 tuổi, giờ đón anh trở về, tôi đã gần 70”.

“Những ngày khói lửa” của liệt sĩ hiện được ông Đều trang trọng đặt lên bàn thờ, phía sau bức ảnh chân dung - hiện vật duy nhất gia đình còn lưu giữ được về liệt sĩ Phan Đình Điều.

Một số trang nhật ký "Những ngày khói lửa" của liệt sĩ Phan Đình Điều đã được số hóa

Một số trang nhật ký "Những ngày khói lửa" của liệt sĩ Phan Đình Điều đã được số hóa

Trong căn nhà rợp bóng cây ở TP Uông Bí, ông Đều trân trọng lật giở từng trang nhật ký đã được số hóa của người anh trai để giới thiệu với chúng tôi. Phía đầu cuốn nhật ký đã được số hóa có những dòng chữ: Di sản chiến tranh Việt Nam. Tên di sản: Phan Đình Điều. Số hồ sơ di sản: F034600980686. Số hồ sơ di sản CDEC F034600980686 là số hiệu cho di sản vật có tiêu đề “Những ngày khói lửa” của hạ sĩ Phan Đình Điều, quê ở xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Các thông tin trong cuốn nhật ký này còn thể hiện liệt sĩ Phan Đình Điều là thành viên Tiểu đoàn 9 (Tiểu đoàn 533), Trung đoàn Quyết Tâm (Công trường 22), Sư đoàn 3 Nông Trường. Cuốn nhật ký dài 49 trang, được B/8/8, Sư đoàn 1/1 Kỵ binh Hoa Kỳ thu giữ vào ngày 27.2.1967 gần một lưới tọa độ (không có số liệu cụ thể), có thể là xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn ngày nay (Bình Định).

Nhiều bí ẩn đã được sáng tỏ

Theo giấy báo tử, ông Phan Đình Điều hy sinh ngày 15.2.1971. Nhưng cho đến trước khi cuốn nhật ký trở về, hành trình chiến đấu của ông ra sao là điều gia đình luôn thắc mắc. Theo ông Đều, nếu không có cuốn nhật ký, những bí mật ấy sẽ mãi mãi chôn vùi. Điều gia đình day dứt suốt 52 năm qua là hiện liệt sĩ Điều nằm ở đâu?

Ông Điều nhập ngũ ngày 24.2.1964 lúc 19 tuổi, khi đang học cấp 3 ở Bình Giang. Khi vào quân ngũ, ông Điều huấn luyện tại Hải Phòng. Mẹ ông là cụ Đỗ Thị Ngưu đã 4 lần xuống đó nhưng đơn vị đều không cho gặp. Khi nghe tin ông Điều huấn luyện xong, mẹ ông một lần nữa xuống Hải Phòng, thì chỉ biết: Ông Điều được cấp trên đưa vào Nam. Đơn vị không rõ ông đi đâu, thuộc đơn vị hay lực lượng nào!

Căn cứ hồ sơ di sản chiến tranh do phía Mỹ trao trả, ngày 17.6.1965, ông Điều từ TP Vinh (Nghệ An) rồi vào Nam. Một số hình ảnh cuốn nhật ký của liệt sĩ Phan Đình Điều được chuyển thành bản scan cho thấy giữa chiến trường khắc nghiệt, ông đã khắc họa nhiều hình ảnh và câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, nói lên ý chí quyết tâm của tuổi trẻ thời ấy: “Chết nằm xuống, còn hôn cờ Đảng/ Chết còn trao súng đạn, quên đau/ Chết còn trút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng...”.

Ông Phan Đình Đều xúc động nhận lại các trang nhật ký của người anh trai liệt sĩ

Ông Phan Đình Đều xúc động nhận lại các trang nhật ký của người anh trai liệt sĩ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có hàng triệu cuốn nhật ký của các chiến sĩ được viết từ những chiến trường đầy bom đạn, nhưng không nhiều cuốn nhật ký được trở về cùng chủ nhân của nó. Thế nhưng, "Những ngày khói lửa" - cuốn nhật ký của liệt sĩ Phan Đình Điều lại "tìm được đường về" sau 52 năm nằm trong tay người Mỹ.

Nhật ký của liệt sĩ Phan Đình Điều có các mục ghi từ ngày 28.1 - 26.12.1966, bao gồm các câu nói động viên của các nhà lãnh đạo của Đảng ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh và ghi chép về những việc hằng ngày như những cảm xúc cá nhân và thành tích chiến đấu. “Từ Quảng Ngãi vào Bình Định, vừa ăn Tết xong ở vùng giải phóng Hoài Nhơn, phải bắt tay vào công tác”.

Bài viết đầu tiên là ngày 28 tháng giêng (1966). Điều thú vị là ngày, tháng của mỗi mục đều được viết bằng tiếng Trung. Trong cuốn nhật ký còn là các trận chiến đấu ông từng tham gia: ngày 6 Tết, vừa ăn Tết xong sư đoàn không vận hành số 1 Mỹ tràn vô khối đổ quân xuống Hoài Nhơn. Cuộc chiến đấu nổ súng rất độc ác. Trong 2 tiếng đồng hồ, đơn vị đã đánh tan nhiều đợt tấn công của đối thủ và tiêu diệt gần hoàn toàn 1 tiểu đoàn Mỹ. Đồng chí T. bắn cháy 1 HU-1A và 1 chiếc khác bị thương...

Mỗi trang nhật ký chiến trường là một câu chuyện về những trận đánh, về những người đồng đội nằm lại giữa rừng, hay nỗi nhớ nhung da diết quê nhà. Sự trở về của những cuốn nhật ký không chỉ là món quà vô giá đối với các gia đình liệt sĩ, mà còn một lần nữa cho thấy ý chí sắt đá của các thế hệ cha anh, vì độc lập, tự do, sẵn sàng hy sinh tất cả!

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/gia-dinh/rung-rung-cuon-nhat-ky-thoi-chien-tu-my-tro-ve-241229