Rưng rưng nhớ Tết, nhớ nồi bánh tét nhưn không thịt
Tết nay tôi vẫn sẽ về nhà và sẽ thưởng vị lại món xưa thời nghèo khó bằng tất cả sự nếm - trải đong đầy hạnh phúc.
Rằm tháng Chạp, má gọi điện lên hỏi “Tết này con có về không? Khi nào về? Muốn ăn món gì?”. Má hỏi liên tục vì sợ tôi bận không có nhiều thời gian để nghe máy. Nhưng má đâu biết, cuộc gọi đó đến ngay lúc tôi vừa gửi đơn xin thôi việc.
Với nhiều người, thôi việc là một quyết định mang nhiều tâm trạng và cảm xúc, thường là buồn nhiều hơn vui. Còn tôi, đơn giản vì đến lúc phải dừng lại để sẵn sàng viết nên kịch bản cho hành trình mới. Thôi việc giữa lúc những tờ lịch cuối năm còn chưa xé hết, lương thưởng chưa thấy đâu, dĩ nhiên, cũng như bao người, tôi vẫn còn đó những ngổn ngang và rất nhiều lo toan.
Tôi nói với má “Cận 30 tết con về. Má đừng mua sắm hay làm gì quá linh đình nhé. Nhà mình có gì vui đó, có món gì ăn món đó”. Má tôi cười “Thì trước giờ vẫn vậy mà. Nhưng con muốn ăn món gì, để má với chị dâu chuẩn bị”.
Hơn 20 năm sống ở thành phố học tập và làm việc, thú thiệt là tôi được ăn muôn vàn món Nam, Trung, Bắc và có cả những món Á - Âu từ xứ khác nữa, không thể nhớ hết hoặc đếm xuể. Nhưng mà không hiểu sao tôi luôn bị một cảm giác chán ăn, chỉ có nhiều lúc bỗng thấy thèm món quê xa xưa của má nấu. Có khi muốn một bát cơm trắng, tô canh chua hay canh rau hái từ mấy cây bồ ngót hay dậu mồng tơi phía sau hè.
Tôi bắt đầu nghĩ về những món ăn ngày Tết mà tôi muốn ăn nhất. Nào là măng kho, thịt kho, dưa hành củ kiệu... Bao nhiêu món ngon nghĩ tới đâu thì nó hiện ra tới đó khiến tôi có cảm giác như mình đang được thưởng vị Tết sớm.
Bỗng nhiên một cơn gió thoáng qua làm tôi nghĩ ngay đến những tàu lá chuối đong đưa sau vườn rộn ràng đón tết. Hồi nhỏ, tôi thường theo má ra phía sau vườn chọn tàu lá to cắt mang về hong sơ nắng nhẹ rồi rọc ra, lau sạch để sẵn sàng gói bánh.
Năm nào cũng vậy, ngày 30 tết là nhà tôi gói bánh. Má tôi không khéo tay nên gói đòn bánh nó hơi méo méo, không vuông góc chuyên nghiệp như người khác nhưng năm nào bà cũng gói. Những lúc đó, bọn trẻ như chúng tôi thường ngồi ở xung quanh nhìn ngắm hoặc phụ lau lá, đưa dây, rất hiếm khi được cột vì má sợ đòn bánh không buộc chặt, khi nấu bánh sẽ chín không đều hoặc không ngon.
Năm nay, tôi nói “hay là má làm cho con mấy đòn bánh không nhưn thịt nha. Với thêm ba rọi kho dừa nữa. Con thèm mấy món đó”. Tôi nghe tiếng cười giòn tan của má, cùng với đó là chất giọng Phú Yên của bà chị dâu phụ họa “Tưởng gì chứ mấy món đó dễ òm hà chú Phong”.
Tôi cũng cười, thấy trong lòng mình rộn ràng nhớ Tết, nhớ những tháng ngày xa xôi cực khổ mà thuở xưa chị dâu chưa về nhà nên không được biết đến món ăn đầy ắp kỉ niệm xưa.
Hồi đó nhà tôi làm ruộng. Mỗi năm, ba má tôi đều dành một khoảnh nhỏ để trồng nếp bên cạnh cây lúa. Má tôi bảo là do ba muốn trồng nếp để nhà có cái ăn, nấu xôi cùng với đậu ăn sáng thay cơm hoặc dùng để gói bánh tét, hay giã ra làm bột nếp để rằm đến thường nấu chè.
Có một năm, không hiểu sao ruộng lúa nhà tôi gần như thất sạch do sâu rày và dịch bệnh. Năm đó, tiền thu hoạch từ mấy đám ruộng không đủ trả nợ tiền cày bừa và phân thuốc. Năm đó nhà tôi đón một cái Tết khó khăn hơn bao giờ hết.
Đêm 28 Tết, tôi lén nghe được má bảo với ba “năm nay nhà mình vẫn gói bánh tét nha ông”. Tôi nghe má tôi lên phương án lấy số nếp còn sót lại trong bồ mang đi giã rồi mang về ngâm sẵn, nhà còn mớ đậu sẽ nấu nhuyễn đánh tơi, thêm ít hành trộn lẫn để làm nhưn.
Má bảo với ba “nhà không có tiền nên bánh tét năm nay sẽ không có nhưn thịt”. Tôi nghe giọng ba ừ hử. Ông bảo để ông ghé nhà bạn kiếm thêm nải chuối sứ chín, thêm chút dừa nạo cho vào để làm hai loại bánh mặn nhưn đậu không thịt và bánh ngọt nhưn chuối để ông ngoại có thể ăn được.
Hồi đó, có lẽ đứa trẻ nào cũng như tôi đều thích ăn thịt. Tôi thích vị béo của những chiếc bánh đậu có thịt ba rọi ở giữa, tuy nhiên, lần gói bánh không có thịt đó vẫn rất tuyệt với, mấy anh em tôi vẫn ăn rất ngon lành.
Năm đó, tôi nhớ rất rõ, ngoài những đòn bánh tét không nhưn thịt thì nồi thịt kho cũng chỉ là những miếng ba rọi hiếm có. Trong chiếc nồi nhỏ dung tích chưa đến 3 lít chỉ có vài miếng ba rọi nhỏ xíu, xắt nhỏ chìm lỉm giữa những miếng dừa trắng trắng 10 phần chiếm hết 7 phần.
Đó là miếng thịt ba rọi hiếm hoi nhà tôi có được, khi ba tôi phụ đi mổ heo mùa tết cùng hàng xóm. Người ta cho ba tôi miếng ba rọi bảo là về luộc chấm mắm nhậu chơi. Ba má tôi quyết định dùng nó để… kho thịt.
Vì thịt ít lại con đông nên ba tôi nghĩ cách trèo dừa chọn những trái có cơm dừa quá cứng để nạo. Nước dừa sẽ dùng để nấu, cơm dừa thì cắt chỉ dày hơn những sợi mứt tết hoặc xắt vuông, xắt tam giác cho vào nồi thịt kiểu như thời xưa người ta hay ăn cơm độn. Mặc dù nồi thịt kho tết dừa chiếm đến 7 phần, chỉ có vài miếng ba rọi nhỏ xíu với da nổi lỏng bỏng nhưng năm đó mấy anh em tôi ăn đến cạn sạch nồi.
Đang miên man trong dòng suy tưởng thì giọng má tôi rộn vang trong điện thoại “Đất sau vườn ba dọn dẹp cỏ sạch bóng rồi. Mấy cây mai trước nhà má và chị dâu bây cũng đã lặt lá xong. Có điều, không hiểu sao năm này cành mai chẳng đơm nụ nhiều”.
Tôi khe khẽ cười. Thì mai cũng như cuộc đời mà, đâu phải lúc nào cũng thuận lợi hanh thông, đâu phải lúc nào cây cũng vươn cao phát lộc. Nhưng mà, dù có thế nào thì mai vẫn không bao giờ muốn lỡ hẹn với mùa xuân hết. Mai vẫn khoe sắc vàng óng ánh để đón mừng năm mới, dù chỉ là một vài bông thưa thớt.
Ngẫm nghĩ chuyện mai, tôi lại nhớ đến thực tại và tương lai đang đón đợi mình. Phải rồi, năm này cuộc sống công việc tôi không thuận lơi hanh thông như mong đợi, thu nhập tôi giảm sút lại còn thêm cảnh thất nghiệp trong những ngày sát tết. Nhưng tôi không nghĩ là mình không có gì hết để mang về cho gia đình. Tôi vẫn còn khỏe mạnh, còn có thể đi làm để phát triển sự nghiệp rạng rỡ trong tương lai.
Tôi về nhà, biết đâu đó đã là một món quà rất quý với ba má và gia đình của tôi rồi. Nếu không thể có được một nồi thịt kho thật nhiều và thật to. Nếu không thể có được những đòn bánh tét đầy ắp thịt thà và “topping” các loại thì những đòn bánh tét không nhưn thịt, những nồi ba rọi kho dừa vào dịp này năm xưa cũng đã giúp cả gia đình tôi đầm ấm, hạnh phúc bên nhau mà.
Vậy nên, Tết nay tôi vẫn sẽ về. nhà và sẽ thưởng vị lại món xưa thời nghèo khó bằng tất cả sự nếm - trải đong đầy hạnh phúc.
Trương Quốc Phong - Ảnh Nguyên Phương