Rừng Tây Nguyên phải được bảo vệ
Ngày 22/8, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (TROPENBOS) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo tăng cường thực thi pháp luật quản lý bảo vệ rừng và lâm sản khu vực Tây Nguyên. Nhiều cơ quan chức năng địa phương, nhà khoa học đã nêu thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hữu hiệu giúp phát triển và bảo rừng hiệu quả, bền vững cho khu vực.
Theo Ban tổ chức, hiện nay công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) ở khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đang diễn ra phức tạp. Theo kết quả khảo sát chung, diện tích rừng phòng hộ liên tục bị giảm qua các năm; công tác quy hoạch BVPTR không đồng bộ với công tác quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án kinh tế chưa chú trọng đến việc BVPTR. Ngoài ra, diện tích rừng được giao khoán nhưng không sử dụng đúng mục đích; chưa kiểm soát được nạn di cư tự do…
Theo ông Phạm Văn Duẩn – Phó viện trưởng Viện Sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp Việt Nam) đánh giá, Tây Nguyên không chỉ là địa bàn chiến lược cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh mà còn được coi là “Mái nhà Đông Dương”, với độ che phủ rừng tự nhiên tương đối lớn. Tuy nhiên, rừng đã và đang bị khai thác trái phép nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm nhanh về diện tích và chất lượng.
Ông Duẩn đưa ra các số liệu, từ 2010-2015 diện tích có rừng đã giảm 312.416 ha, độ che phủ giảm 5,8%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m3 (tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng)… “Nguyên nhân, do công tác phát triển rừng còn nhiều hạn chế, tình trạng di dân tự do, xâm lấn đất rừng trái phép; khai thác rừng xảy ra nghiêm trọng. Chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng. Việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp còn chậm trễ. Cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp khu vực Tây Nguyên chưa đủ mạnh, ngân sách đầu tư chưa tương xứng” – ông Duẩn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thắng – Cán bộ Chi cục Kiểm lâm vùng IV (trực thuộc Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp) đưa ra nhiều con số về tình trạng vi phạm và xử lý các vụ việc vi phạm lâm luật ở Tây Nguyên. Cụ thể, từ 2015 đến tháng 7/2019 các địa phương đã phát hiện gần 23 nghìn vụ; gây thiệt hại hơn 2.500 ha rừng các loại (trong đó cháy rừng hơn 702 ha; phá rừng trái phép hơn 1.800 ha). Số vụ đã xử lý gần 21 nghìn vụ (trong đó xử lí hình sự hơn 800 vụ; xử phạt hành chính hơn 20 nghìn vụ). Qua đó, tịch thu hơn 34 nghìn m3 gỗ các loại, nộp ngân sách hơn 258 tỷ đồng…
Từ thực trạng nói trên, Hội thảo cũng đã đưa ra nhiều giải pháp mới.
Ông Phạm Văn Duẩn – Phó viện trưởng Viện Sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp Việt Nam), cho rằng đến năm 2030 diện tích rừng toàn khu vực đạt khoảng 2,72 triệu ha, qua đó nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 49,2%. “Xây dựng đề án nhằm phản ánh thực trạng tài nguyên rừng, sự cấp bách phải khôi phục và phát triển rừng trên toàn khu vực. Đồng thời có ý nghĩa lớn về môi trường, kinh tế. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bộ phận nông dân làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số” – ông Duẩn cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đình Thắng – Cán bộ Chi cục Kiểm lâm vùng IV nêu các giải pháp, như: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp. Rà soát, lập dự án đầu tư, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm, nhằm thực hiện tốt công tác giao đất giao rừng, cho thuê rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng ở các công trình trọng điểm của các địa phương….
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/rung-tay-nguyen-phai-duoc-bao-ve-tintuc445432