Rừng tự nhiên âm ỉ biến mất vì... rừng keo
Giá gỗ nguyên liệu tăng cao, cho thu nhập ổn định nên tình trạng chặt phá, xâm lấn rừng tự nhiên thuộc chức năng rừng sản xuất để trồng keo vẫn diễn biến phức tại huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên-Huế). Từ năm 2022 đến giữa tháng 3/2023, lực lượng chức năng huyện Nam Đông đã phát hiện, ngăn chặn hơn 30 vụ chặt phá, xâm lấn rừng tự nhiên nhằm mục đích trồng keo.
Mới đây, trong quá trình tuần tra, lực lượng Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông đã phát hiện, ngăn chặn 4 vụ chặt phá, xâm chiếm rừng tự nhiên thuộc chức năng rừng sản xuất tại các tiểu khu thị xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông. Diện tích bị chặt phá của 4 vụ là 0,6ha. Hiện, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông đang phối hợp với chính quyền địa phương, Công an xã Thượng Quảng truy tìm các đối tượng gây ra vụ chặt phá, lấm chiếm rừng tại các khu vực nói trên.
Theo một số người trong nhóm cộng đồng bảo vệ rừng, số diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá nhằm mục đích lấy đất trồng keo. "Những năm gần đây, cây keo rất có giá và thường được thu hoạch sau hơn 3 năm trồng. Mỗi lần thu hoạch, 1ha keo cho thu nhập khoảng 110 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng. Do giá gỗ nguyên liệu ngày càng cao, cây keo lại dễ trồng, mang lại hiệu quả cao nên đây là nguyên nhân khiến rừng tự nhiên ở Nam Đông "chảy máu", một người dân hơn 30 năm trồng keo ở xã Thượng Quảng tiết lộ.
Trước đó, trong năm 2022, tại xã Thượng Quảng cũng đã xảy ra 7 vụ chặt phá, xâm chiếm chiếm rừng tự nhiên. Dù diện tích xâm chiếm của mỗi vụ chỉ khoảng vài trăm mét vuông, không đủ khởi tố hình sự nhưng thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT của địa phương. Các đối tượng thường chặt phá, xâm chiếm rừng vào ban đêm, ở khu vực hoang vắng, nằm sâu trong rừng gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định danh tính các đối tượng đã gây ra các vụ chặt phá, xâm chiếm rừng tự nhiên ở xã Thượng Quảng.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông cho biết, Thượng Quảng là xã có đồng bào dân tộc thiểu số lớn nhất so với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hiện, Thượng Quảng là xã có số vụ chặt phá, lấn chiếm rừng tự nhiên nhiều nhất ở địa bàn huyện. Trước tình trạng này, Hạt Kiểm lâm huyện liên tục tuần tra; thường xuyên phối hợp với chính quyền xã, Công an xã tổ chức họp các cộng đồng để quán triệt, tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng. Đồng thời, đang tập trung lực lượng để xác định các đối tượng chặt phá, lấn chiếm rừng trong thời gian qua.
Tương tự, tại xã Hương Phú (huyện Nam Đông), tình trạng chặt phá, xâm chiếm rừng tự nhiên để trồng keo vẫn âm ỉ diễn ra nhiều năm nay. Rất nhiều vị trí khi người dân chuẩn bị đưa cây keo đến trồng thì bị lực lượng Kiểm lâm, Công an xã kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Theo người dân địa phương, tình trạng chặt phá lấn chiếm rừng tự nhiên thường diễn ra sau vụ khai thác keo, lợi dụng thời điểm đốt thực bì, một số người dân đã đốt trụi khu rừng vừa phá để tránh bị phát hiện. Tương tự, tại các khu rừng thuộc các xã của huyện Đông Nam, gồm: Thượng Nhật, Hương Lộc, Hương Xuân… cũng xảy ra tình trạng phá rừng chiếm đất lâm nghiệp trồng cây keo.
Có nhiều đối tượng đang chặt phá, lấn chiếm với diện tích vài trăm mét vuông thì bị phát hiện. Đơn cử như trường hợp Trần Lịnh lấn chiếm 850m2 ở khu vực rừng xã Hương Lộc. Hay trường hợp Huỳnh Minh Cái khi đang xâm chiếm 480m2 tại khu vực rừng Hương Xuân thì bị phát hiện, ngăn chặn... Theo người dân địa phương, khoảng 10 năm trở lại đây, khi cây keo trồng cho thu nhập hiệu quả, người dân không ngần ngại phá rừng trồng cây keo.
Qua tìm hiểu của PV Báo CAND, nhiều năm qua, Công an huyện Nam Đông đã khởi tố hình sự hàng chục vụ án liên quan đến lâm sản, trong đó có nhiều vụ hủy hoại rừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ chặt phá, lấn chiếm rừng chỉ dừng lại ở diện tích nhỏ, không đủ để truy cứu hình sự; các đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính nên nhiều đối tượng bất chấp vi phạm.
Ông Hoàng Văn Chúc cho biết, để ngăn chặn tình trạng phá rừng trồng keo, Kiểm lâm huyện đã cắt cử kiểm lâm viên về địa bàn phối hợp với Công an xã, dân phòng tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý kịp thời. Đồng thời, về cộng đồng dân cư tuyên truyền cho người dân được rõ và gắn trách nhiệm cụ thể cho những kiểm lâm viên, với địa bàn phụ trách nếu để xảy ra phá rừng. Trong năm 2022, trên địa bàn huyện Nam Đông xảy ra 27 vụ chặt phá rừng, xâm lấn rừng với diện tích 3,24ha. Toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá là rừng tự nhiên thuộc chức năng rừng sản xuất.
Trước tình trạng chặt phá, xâm lấn rừng để trồng keo diễn biến phức tạp, UBND huyện Nam Đông yêu cầu chính quyền cơ sở, các đơn vị chủ rừng quyết liệt ngăn chặn tình hình chặt phá rừng, xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất. UBND huyện đã thông báo các vị trí có nguy cơ chặt phá rừng gửi các đơn vị chủ rừng, UBND xã và các cộng đồng. Đã đóng hàng trăm biển báo "cấm chặt cây, phá rừng" tại các vị trí rừng có nguy cơ bị chặt phá để răn đe, ngăn chặn. Thời gian tới, huyện yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng được giao quản lý, đặc biệt là các diện tích rừng đã giao cho cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình. Đối với diện tích bị phát luỗng để trồng rừng sản xuất, tiến hành lập biên bản làm việc để giao cho chủ rừng (cộng đồng), chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, không để tiếp tục bị chặt phá và lấn chiếm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ảnh viễn thám để sớm phát hiện các điểm biến động rừng.
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND xã, Công an xã, chủ rừng thường xuyên kiểm tra ngăn chặn chặt phá rừng, xâm lấn rừng trái pháp luật; phát hiện kịp thời các hành vi xâm hại rừng, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, tố giác tin báo tội phạm; điều tra xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm... Được biết, hầu hết diện tích rừng trên địa bàn huyện Nam Đông do UBND các xã, thị trấn quản lý đã được giao cho các hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng dân cư các thôn quản lý bảo vệ theo Đề án giao rừng được phê duyệt theo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/rung-tu-nhien-am-i-bien-mat-vi-rung-keo-i686406/