'Rước họa vào thân' từ những thói quen sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng

Tự ý dùng thuốc không theo chỉ định bác sĩ, tin theo quảng cáo trên mạng, bài thuốc truyền miệng và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc đang là vấn nạn đáng báo động. Tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cá nhân và tạo gánh nặng lớn cho hệ thống y tế.

Hậu quả từ những toa thuốc “truyền miệng”

Ghi nhận thực tế tại các bệnh viện lớn trên cả nước cho thấy, thời gian gần đây, số lượng các trường hợp nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do tự ý sử dụng thuốc không qua chỉ định của bác sĩ đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại.

Các nốt ban đỏ xuất hiện khắp người của bệnh nhân A.T. sau một tháng uống thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Ảnh: BV

Các nốt ban đỏ xuất hiện khắp người của bệnh nhân A.T. sau một tháng uống thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Ảnh: BV

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân L.T.A.T. (40 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) vừa được Bệnh viện Quân Y 175 (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận cấp cứu. Bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng phản ứng da do thuốc nặng, tổn thương niêm mạc và da diện rộng, sức khỏe toàn thân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định là do chị đã sử dụng các sản phẩm giảm mỡ bụng và collagen không rõ nguồn gốc thông qua lời giới thiệu của người quen.

Chị A.T. cho biết, chị đã mua các loại thuốc giảm cân, thải độc trên mạng với giá chỉ 300.000 - 400.000 đồng/hộp. Chỉ sau một tháng sử dụng, các nốt ban đỏ bắt đầu xuất hiện ở hai tay, sau đó nhanh chóng lan rộng ra chân, mặt và toàn thân, kèm theo mụn nước, trợt loét ở môi, niêm mạc miệng, họng viêm xung huyết. Tình trạng này khiến chị cảm thấy ngứa, đau rát tại các tổn thương da, cơ thể mệt mỏi, sốt nóng và ăn uống kém, buộc chị phải nhập viện điều trị.

Tại bệnh viện, chị A.T. được chẩn đoán phát ban dát sẩn, hồng ban đa dạng do dị ứng thuốc ứng thuốc giảm mỡ, collagen chưa rõ nguồn gốc trên nền tăng huyết áp và có nguy cơ diễn tiến thành hội chứng Stevens-Johnson hoặc hội chứng Lyell - những thể nặng của dị ứng thuốc với tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Kết quả xét nghiệm của chị T. cho thấy nhiều chỉ số bất thường đáng báo động như bạch cầu tăng cao, men gan tăng, suy giảm chức năng thận và các chỉ số viêm đều tăng.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Ngọc Việt, Trưởng khoa Nội tổng quát cũng cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 2 - 3 ca bị tác dụng phụ do sử dụng thuốc không hợp lý. Những trường hợp này có thể phản ứng nhẹ như nổi mề đay, ngứa, đỏ da, mệt mỏi, buồn nôn, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp nặng hơn như sốc phản vệ, hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN), Stevens-Johnson. Đáng báo động hơn, đã có trường hợp tử vong trên đường đến cấp cứu do phản vệ nặng và không được cấp cứu kịp thời.

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân V.T. (24 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao, phát ban khắp cơ thể, loét niêm mạc mắt, miệng và bộ phận sinh dục. Qua khai thác bệnh sử, trước đó, bệnh nhân đã tự ý sử dụng thuốc kháng viêm NSAIDs và Carbamazepin để điều trị đau dây thần kinh V mà không có chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân V. T. nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì dị ứng thuốc. Ảnh: BV

Bệnh nhân V. T. nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì dị ứng thuốc. Ảnh: BV

Bác sĩ Việt nhận định, đây là những thuốc có nguy cơ cao gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và dẫn đến tình trạng nguy hiểm mà bệnh nhân đang phải đối mặt. Kết quả chẩn đoán xác định bệnh nhân bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN), một biến chứng nặng do dị ứng thuốc với nguy cơ tử vong rất cao nếu không được xử trí kịp thời. Nhờ được chuyển đến cơ sở y tế sớm và được điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương mắt và sẹo vĩnh viễn.

Hay như trường hợp của ông V. (61 tuổi, ngụ Long An) đã phải nhập viện khẩn cấp do tin tưởng tiêm thuốc trị đau lưng từ một “thần y” gần nhà. Sau hai tuần tiêm, vùng mông, đùi ông V. sưng tấy, đau nhức dữ dội, sốt cao và không thể đi lại được. Ông phải nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng lan rộng đến khớp háng, đe dọa biến chứng nhiễm trùng huyết. Bác sĩ Trần Quang Nhật, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cho biết, bệnh nhân V. bị nhiễm trùng tụ mủ sâu lan rộng, đe dọa biến chứng nhiễm trùng huyết. Êkip phẫu thuật đã phải rạch tháo mủ cấp cứu, dẫn lưu hơn 700ml mủ và cắt lọc mô hoại tử để cứu tính mạng bệnh nhân.

Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), mỗi ngày trung bình có khoảng 60 - 70 trường hợp phải chạy thận nhân tạo cấp cứu. Trong số đó, không ít người từng tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc đông y hoặc thực phẩm chức năng “gia truyền” theo lời mách bảo. TS.BS CKII Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo của bệnh viện cho biết, bệnh nhân suy thận mạn ngày càng trẻ hóa. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng các loại thuốc trôi nổi, đặc biệt là các loại thuốc đông y được quảng cáo không kiểm soát trên mạng xã hội.

“Thay vì được theo dõi sát ở giai đoạn 4 của bệnh suy thận, nhiều bệnh nhân lại tin vào các quảng cáo sai lệch và dùng thuốc không rõ nguồn gốc, khiến bệnh chuyển nặng, buộc phải chạy thận nhân tạo cấp cứu”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Bác sĩ Châu Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Nội thận học TP Hồ Chí Minh, cũng đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng này. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh thận mạn hiện chiếm tới 12,8% dân số. Nguyên nhân chủ yếu không chỉ do bệnh lý nền mà còn do việc lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm không kê đơn, sử dụng thuốc không có sự chỉ dẫn y tế. Nhiều người chỉ bị nhức mỏi nhẹ nhưng lại tự ý ra tiệm thuốc mua thuốc giảm đau về uống. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần gây độc cho thận và dẫn đến bệnh thận mạn tính.

“Khi được chẩn đoán mắc bệnh suy thận, điều quan trọng nhất đối với bệnh nhân là duy trì bệnh ở mức độ ổn định, tránh để tiến triển sang giai đoạn cuối. Bởi khi đã bước vào giai đoạn cuối, bệnh nhân bắt buộc phải lọc máu, một phương pháp điều trị không chỉ tốn kém cho người bệnh mà còn là gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn có nhiều người bệnh lựa chọn sử dụng các loại thuốc được quảng cáo trên mạng, thuốc truyền miệng hoặc thuốc đông y, thuốc nam không rõ nguồn gốc. Chính điều này khiến bệnh diễn tiến nhanh hơn, đẩy người bệnh vào tình trạng suy thận nặng”, bác sĩ Châu Thị Kim Liên nhấn mạnh.

Không tùy tiện dùng thuốc, thực phẩm chức năng

Các chuyên gia y tế cảnh báo, phản ứng sốc phản vệ do dị ứng thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Tình trạng tự ý sử dụng thuốc, kể cả thuốc kê đơn như kháng sinh, kháng viêm, thuốc thần kinh và cả các loại thuốc tiêm, đang bị lạm dụng một cách nguy hiểm.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Ngọc Việt nhận định, hiện tại việc quản lý thuốc, đặc biệt là một số thuốc cần được kê toa, chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ. Người bệnh có thể dễ dàng mua bất cứ loại thuốc nào từ giảm đau, hạ sốt, vitamin tổng hợp đến các thuốc cần phải kê toa và dễ xảy ra tác dụng phụ và phản vệ như kháng sinh, kháng viêm, các thuốc điều trị động kinh.

“Chỉ một viên thuốc tưởng chừng vô hại có thể đe dọa tính mạng nếu không được kiểm soát. Trong khi dược phẩm vẫn còn dễ tiếp cận ngoài tầm kiểm soát, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và phát hiện sớm, điều trị đúng là yếu tố sống còn”, bác sĩ Hồ Ngọc Việt nhấn mạnh.

Tương tự, bác sĩ Trần Quang Nhật, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cũng cảnh báo việc tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ là hành động vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe. Đặc biệt, việc tiêm thuốc vào cơ thể nếu không được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, không đảm bảo điều kiện vô trùng, có thể vô tình đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào cơ thể qua các mũi tiêm. Hậu quả là hình thành áp-xe tại vị trí tiêm, nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp, tình trạng nhiễm trùng có thể lan rộng, gây viêm mô tế bào, hoại tử hoặc nhiễm trùng huyết, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Ths.Bs Danh Bảo Khánh, khoa Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện Quân Y 175 phân tích thêm, dị ứng thuốc có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ thời điểm nào và diễn tiến có thể rất nhanh, nguy hiểm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, dù là theo lời khuyên của người quen hay các quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội. Thuốc chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết và phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ. Đối với thực phẩm chức năng, cần được sử dụng một cách thận trọng, chỉ khi cơ thể thật sự cần bổ sung và phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc, chất lượng, cũng như tư vấn y tế. Khi có dấu hiệu bất thường như phát ban, sốt, nổi mụn nước, loét miệng, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để giảm thiểu rủi ro dị ứng thuốc, bác sĩ Hồ Ngọc Việt khuyến cáo người dân cần tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc truyền dịch khi chưa có chỉ định bác sĩ, đặc biệt là truyền tại nhà. Luôn khai báo tiền sử dị ứng thuốc với nhân viên y tế. Khi mua thuốc nên có nhãn hiệu, tên thuốc rõ ràng và tốt nhất nên được kê toa bởi bác sĩ chuyên khoa. Khi có biểu hiện bất thường sau khi dùng thuốc như sốt, phát ban, ngứa, đỏ mắt, loét miệng, khó thở… cần ngừng ngay thuốc và đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí phản vệ. Mang theo thẻ dị ứng thuốc (nếu có) trong người để xử trí kịp thời khi cấp cứu.

Người dân tuyệt đối không nên tin vào các phương pháp điều trị truyền miệng, đặc biệt là tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, không có sự giám sát của nhân viên y tế chuyên môn. Khi có bất kỳ vấn đề về sức khỏe, nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/ruoc-hoa-vao-than-tu-nhung-thoi-quen-su-dung-thuoc-thuc-pham-chuc-nang-20250706170419789.htm