Núi rừng nham nhở do khai thác đá ở Đà Nẵng. Video: Nguyễn Thành.
Sau một thời gian cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác các mỏ đá, mỏ đất ồ ạt nhiều khu vực núi, rừng ở khu vực phía tây bắc TP Đà Nẵng trở nên nham nhở, nhiều quả núi đã bị cạo trọc.
Khu vực núi Phước Tường thuộc địa phận quận Liên Chiểu vốn là những dãy núi cao, nhiều cây cối nhưng nay chỉ còn lại những quả núi nham nhở khi doanh nghiệp rút đi, ngừng khai thác nhưng không hoàn thổ.
Khung cảnh tại một quả núi dãy núi Phước Tường ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu sau khi doanh nghiệp hết giấy phép, buộc ngừng khai thác.
Những hố nước chứa hàng trăm m3 khối nước từ trên cao tiềm ần nguy cơ sạt lở, tràn xuống khu dân cư phía dưới nếu có mưa lớn, như trận mưa lịch sử hồi tháng 10/2022.
Tại nhiều mỏ đá, sau khi hoàn thổ, các chủ mỏ trồng cây phủ xanh nhưng do địa hình và dùng đá san lấp tạo mặt bằng nên cây không thể phát triển. Theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, quy định hiện hành là các chủ mỏ ký quỹ phục hồi môi trường trước khi tiến hành khai thác mỏ. Riêng Đà Nẵng, từ năm 2015 đến nay đã thu thêm mỗi chủ mỏ 500 triệu đồng tiền cược. Hết hạn khai thác, các chủ mỏ chỉ được lấy lại tiền ký quỹ và tiền cược khi đã được nghiệm thu hoàn thành việc phục hồi môi trường. Nếu không, Đà Nẵng sẽ sử dụng 2 khoản tiền này để đấu thầu thuê đơn vị khắc phục hồi.
Dù đã dừng khai thác, đóng cửa mỏ nhiều năm nhưng quá trình phục hồi môi trường tại các mỏ đá thuộc quận Liên Chiểu vẫn chưa hoàn thành. Với các mỏ đá, đất tầng phủ đã bị bóc đi trong quá trình khai thác, giờ muốn trồng cây, phục hồi môi trường cần phủ lớp đất mới, tốn nhiều thời gian.
Trong khi đó, tại huyện Hòa Vang, người dân và chính quyền phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các hố ở các mỏ đá sau khi hết giấy phép, ngừng khai thác.
Tại thôn Phước Thuận - Phước Hậu, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) hơn 10 năm nay, hơn 130 ha đất đồng ruộng của người dân phải bỏ hoang vì có tới 8 mỏ khai thác đá vây quanh. Có thể kể tên các mỏ của Công ty Khoáng sản miền Nam, Công ty Quang H.T, Công ty Cầu đường 2 Đà Nẵng, Doanh nghiệp thương mại Đỗ Hữu Minh, Công ty CP Vật liệu xây dựng 323, Xí nghiệp khai thác đá Hố Bàn, Công ty CP Chu Lai, Công ty Huỳnh Đức May...
Đất đai, ruộng vườn của người dân bỏ hoang vì khai thác đá từ trên cao nước mưa tràn xuống kèm bùn, đá làm đất hoang hóa không thể sản xuất.
Ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận - Phước Hậu cho biết: Do ảnh hưởng từ việc khai thác mỏ, nguồn nước ngầm bị cắt đứt, đất trở nên hoang hóa. Khi mỏ còn hoạt động, các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ người dân khoảng 1,5 triệu đồng/ha/năm nhưng từ khi hết hạn, người dân không còn được hỗ trợ nữa. Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng do ruộng đồng không thể tái sản xuất. "Tại các buổi tiếp xúc cử tri người dân, chính quyền đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa có chuyển biến gì", ông Tuân cho biết.
Vừa qua, sau khi kiểm tra việc phục hồi môi trường tại 17 mỏ khoáng sản, Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã có thông báo, chỉ rõ thực trạng và yêu cầu khắc phục với từng mỏ. Tuy nhiên, quá trình phục hồi môi trường của các chủ mỏ diễn ra chậm nên chưa thể nghiệm thu, bàn giao mặt bằng cho địa phương quản lý.
Hiện nay, nhiều mỏ tại huyện Hòa Vang đã hết hạn khai thác nhưng các đơn vị vẫn chưa phục hồi hoàn thổ theo quy định. Nhiều mỏ được khai thác sâu xuống hàng chục mét, tạo thành những hố nguy hiểm. Trên đỉnh núi, dù cây keo được người dân trồng đã đến kỳ khai thác nhưng không thể thu hoạch vì xung quanh là vách đá dựng đứng, không có đường lên.
Nguyễn Thành