Rượu bia ngày tết và những hệ lụy
Tết đến, xuân về, việc nâng ly rượu, cốc bia chúc nhau những điều tốt đẹp nhất đã trở thành một nét văn hóa ở nước ta, tuy nhiên sự lạm dụng, biến tướng của nét đẹp văn hóa này đã và đang gây ra những tác hại khôn lường cho xã hội.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Dịp tết cũng là thời điểm được xem là mùa tổng kết, liên hoan tất niên ở khắp nơi. Từ những bữa tiệc của cơ quan, cho tới các nhóm bạn bè, quan hệ xã hội, nhậu đã trở thành trào lưu. Trong khi đó, tai nạn giao thông vẫn cứ xảy ra; số người bị thương, thậm chí bị chết do điều khiển xe sau khi sử dụng rượu, bia vẫn luôn là nỗi ám ảnh mỗi độ tết đến, xuân về. Khi đã say mà còn điều khiển xe thì thường dẫn đến các vi phạm khác, như: phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường, thiếu chú ý quan sát... Hơn thế nữa, việc uống quá nhiều rượu, bia ngày tết còn gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong vòng 2 năm trở lại đây, vào dịp Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân cấp cứu do rượu, bia đều tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường và đang có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, số ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông từ bia, rượu cũng tăng đột biến so với ngày thường. Điều này cho thấy, việc lạm dụng rượu, bia hiện nay đã đem đến những hệ lụy, tác hại khôn lường cho các gia đình và toàn xã hội.
Trường hợp của anh Nguyễn Văn T., ở huyện Thường Xuân là một ví dụ. Những ngày giáp tết, do bẫy được vài con chim rừng nên anh T. mang ra thị trấn làm mồi nhậu với mấy người bạn. Sau buổi họp mặt, hàn huyên “chén chú chén anh”, anh T. chia tay mọi người để về nhà khi trời đã nhá nhem tối. Và bi kịch đã xảy ra với gia đình anh T. khi người thân phát hiện thi thể nằm bên cạnh cây cột điện... Sự ra đi của anh T. không chỉ khiến gia đình, họ hàng không được đón cái tết cổ truyền mà không khí tang thương còn bao trùm lên một vùng quê yên ả. Bởi lúc sinh thời, anh T. rất được lòng bà con lối xóm, là người chí thú làm ăn, ít khi nhậu nhẹt, chè chén... Tội nhất là hai đứa con thơ, thay vì xúng xính trong những bộ quần áo mới, thì nay lại chít vành khăn trắng trên đầu.
Nhập viện ngày 12-12 âm lịch và vẫn còn trong thời gian điều trị, nhưng anh Lê Văn H., ở TP Thanh Hóa vẫn chưa hết bàng hoàng với tình trạng của mình. “Hôm đó liên hoan cuối năm với cơ quan, tôi uống hơi quá chén và tự đi xe về. Đang đi trên đường thì thấy chân tay bủn rủn rồi đâm vào lan can bên đường. Lúc tỉnh dậy thì mới hay mình nằm trong bệnh viện. Thật may, nếu không có ai phát hiện kịp thì chắc giờ tôi không biết mình sẽ như thế nào nữa”, anh H. chia sẻ.
Đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, cho biết: Nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do vi phạm quy định về nồng độ cồn đã được cảnh báo nhiều, tuyên truyền nhiều, cưỡng chế quyết liệt nhưng sự chuyển biến về ý thức chưa rõ nét nên vi phạm vẫn còn khá phổ biến. Bởi vậy, trong thời gian tới lực lượng cảnh sát giao thông trong tỉnh sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nói chung và vi phạm nồng độ cồn nói riêng. Trong đó, cùng với công tác tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường trọng điểm như quốc lộ, lực lượng công an sẽ tăng cường phối hợp xử lý các vi phạm trên các tuyến từ thành thị đến nông thôn nhằm góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe”.
Việc dùng rượu, bia trong những ngày xuân đã thành phong tục của người Việt Nam, rượu đã thành rượu lễ, rượu nghĩa tức là uống rượu phải có nghi thức, có phép tắc và uống rượu chỉ trong chừng mực. Bởi vậy, mỗi người chúng ta hãy biết “Vui có chừng, dừng đúng lúc”, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, đừng vì cạn ly mà để cạn mất những ngày xuân tươi đẹp.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ruou-bia-ngay-tet-va-nhung-he-luy/177937.htm