Rút ngắn khoảng cách lao động chưa qua đào tạo nghề
Phát triển kỹ năng nghề cho người lao động nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề và phát triển kỹ năng của người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao; giúp người sử dụng lao động tuyển, sử dụng nguồn lao động chất lượng, hiệu quả... Tuy nhiên, tại Việt Nam trên 70% lực lượng lao động có trình độ kỹ năng nghề ở các bậc khác nhau nhưng chưa được công nhận.
Xuất phát từ thực tế trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề chú ý một số hoạt động. Trong đó có việc phối hợp với doanh nghiệp (DN) công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề. Đặc biệt, đổi mới các phương thức đào tạo theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, gắn với khung trình độ quốc gia và thị trường lao động, ưu tiên phát triển phẩm chất, hình thành các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ cho người học.
Ngoài ra, đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người lao động yếu thế nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Đơn vị phối hợp với bộ chủ trì, lĩnh vực thuộc quản lý bộ, ngành xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo nhu cầu thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, chuẩn hóa, đánh giá và cấp chứng chỉ cho người lao động tự học, tự trang bị; cơ sở đào tạo căn cứ vào đó xây dựng các chương trình đào tạo. Việc chuẩn hóa các kỹ năng nghề không chỉ giúp các trường học, mà chính các DN cũng đào tạo được người lao động.
Liên quan đến vấn đề trả lương cho sinh viên tốt nghiệp dựa vào vị trí việc làm, bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, việc trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề đã được đưa vào các chỉ đạo, chỉ thị, ưu tiên trong chính sách, chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên trên thực tế việc trả lương thuộc về quyền tự chủ của DN, nhưng khi có định hướng, việc truyền thông, tăng cường nhận thức vai trò của yếu tố kỹ năng, DN sẽ có chính sách phù hợp.
Đề cập về vấn đề nâng chất lượng đào tạo, TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, việc phân loại sinh viên trong quá trình thực tập rất quan trọng. Ví dụ sinh viên chuyên ngành ô tô thì thực tập về ô tô, chuyên ngành điện thì thực tập điện và gắn với nhu cầu sử dụng lao động của DN. “Nhà trường sẽ tìm những DN có nhu cầu, đúng lĩnh vực để sinh viên thực tập, tham gia các hoạt động ở DN như thiết kế, sản xuất đem lại nguồn lợi cho DN.