Rút ngắn thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ 10 ngày xuống còn 3 ngày

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết, việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 3 ngày trong trường hợp thông thường, từ 15 ngày xuống còn 9 ngày trong trường hợp cần xác minh.

Sáng 7/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thông tin về một số kết quả công tác tư pháp quý 3 và nhiệm vụ trọng tâm công tác quý 4/2024. Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý chủ trì hội nghị.

Thông tin tại cuộc họp, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết, trong quý 3/2024, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đảm bảo tiến độ thực hiện đối với các nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, Bộ Tư pháp đã trình 3/3 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý thông tin tại buổi họp báo.

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý thông tin tại buổi họp báo.

Hiện nay, Bộ đang tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8; xây dựng Luật Thi hành án dân sự, đề nghị xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).

Từ ngày 22/6/2024 đến 23/9/2024, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 6 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và 48 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo), Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tiến hành rà soát đối với các VBQPPL với trọng tâm là “rà soát, xử lý các vướng mắc có tính chất cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”.

Trên cơ sở Báo cáo số 332/BC-BTP của Bộ Tư pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng 3 dự án luật sửa đổi, bổ sung 12 luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân.

Hiện nay, 3 dự án luật này đã đang được các Bộ xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp (tháng 10/2024).

Bên cạnh đó, ông Đỗ Xuân Quý thông tin, công tác theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh; công tác cải cách hành chính được quan tâm và chỉ đạo sát sao, trong đó tập trung chủ yếu vào xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp có những chuyển biến tích cực, đặc biệt, tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2024 (VDA), Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp được vinh danh cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với sản phẩm Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản.

Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tư pháp, nhất là trong những lĩnh vực gắn chặt với người dân, doanh nghiệp như hộ tịch, con nuôi, lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý... được Bộ quan tâm thực hiện.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử”; phối hợp các cơ quan có liên quan hỗ trợ địa phương kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp.

“Về hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) để triển khai thực hiện thí điểm trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024 tới ngày 30/6/2025.

Trong đó rút ngắn thời gian cấp Phiếu LLTP (từ 10 ngày xuống còn 3 ngày trong trường hợp thông thường, từ 15 ngày xuống còn 9 ngày trong trường hợp cần xác minh)“, ông Quý cho biết.

Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, trong đó, có 48/63 tỉnh/thành phố đã thử nghiệm thành công về kỹ thuật, trong đó có 5 địa phương đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin để sẵn sàng thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên Ứng dụng định danh quốc gia VNeID, các tỉnh đã thử nghiệm thành công còn lại đang thực hiện kiểm thử toàn trình, chuẩn bị đánh giá an toàn thông tin…

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện thành công nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng trong khuôn khổ các chuyến thăm cấp Nhà nước của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó có việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam và Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ trước sự chứng kiến của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh - mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước.

Trong quý III/2024, Bộ Tư pháp cũng đã ký các chương trình hợp tác năm 2024 với Bộ Tư pháp Lào và có nhiều hoạt động đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, Cu-ba, Nhật Bản…

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/rut-ngan-thoi-gian-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-tu-10-ngay-xuong-con-3-ngay-178689.html