S&P 500 và Nasdaq ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong gần 1 năm

Các chỉ số chính của Phố Wall tăng điểm khi giới đầu tư lạc quan với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn vào tuần tới…

Kết thúc phiên 13/9, chỉ số Dow Jones tăng 297,01 điểm (+0,72%) lên 41.393,78 điểm, S&P 500 thêm 30,26 điểm (+0,54%) đạt 5.626,02 và Nasdaq Composite leo 114,30 điểm (+0,65%) thành 17.683,98 điểm.

Trong tuần, S&P 500 tăng 4,02% và Nasdaq tăng 5,95%. Cả hai đều đánh dấu mức tăng phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 11/2023.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu của Adobe giảm 8,5% sau khi nhà sản xuất Photoshop dự báo thu nhập quý 4 thấp hơn ước tính.

Boeing trượt 3,7% do thông tin công nhân tại nhà máy Bờ Tây đình công vào sáng thứ Sáu và bác bỏ hợp đồng lao động.

Cổ phiếu của công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings giảm 2,4% khi có tin tức chính quyền Joe Biden đang thực hiện các biện pháp hạn chế hàng hóa giá trị thấp được miễn thuế vào Mỹ.

Trong khi đó, Uber tăng 6,4% nhờ hứa hẹn đưa dịch vụ gọi xe tự lái đến Austin, Texas và Atlanta.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,15 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,78 tỷ trong 20 phiên vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, các khoản đặt cược về quy mô cắt giảm lãi suất của Fed đã thay đổi. Đến cuối ngày thứ Sáu, tỷ lệ đặt cược tương đối cân bằng. Cụ thể, kỳ vọng về mức giảm 0,50 điểm phần trăm đã tăng lên 49% còn kỳ vọng về mức giảm 0,25 điểm phần trăm là 51%, theo công cụ FedWatch của CME.

Trước đó vào hôm 12/9, cựu Chủ tịch Fed New York Bill Dudley cho biết có một lý do chính đáng để cắt giảm lãi suất 0,50 điểm phần trăm. Các báo cáo từ Wall Street Journal và nhiều phương tiện truyền thông khác cũng nhấn mạnh rằng Fed đang đối mặt với một quyết định khó khăn về mức cắt giảm trong cuộc họp tháng 9.

Song song với việc các chỉ số vốn hóa lớn được thúc đẩy bởi hy vọng về mức cắt giảm lớn hơn, sự lạc quan có vẻ rõ ràng nhất ở chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000, chứng kiến đà tăng 2,5% trong ngày và 4,4% trong tuần. Các công ty nhỏ nhạy cảm hơn với lãi suất vì họ phụ thuộc nhiều vào vốn vay và các khoản vay lãi suất thả nổi.

Cũng vào thứ Sáu, một cuộc khảo sát cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã cải thiện trong tháng 9 khi lạm phát hạ nhiệt, tuy nhiên họ vẫn giữ thái độ thận trọng trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.

GIÁ DẦU HẠ NHIỆT

Giá dầu giảm vào thứ Sáu khi sản lượng dầu thô ở Vịnh Mexico của Mỹ được khôi phục sau bão Francine và dữ liệu cho thấy số lượng giàn khoan của Mỹ tăng trong tuần.

Hợp đồng tương lai dầu Brent chốt phiên ở mức 71,61 USD/thùng, giảm 36 cent, tương đương 0,5%. Dầu thô WTI của Mỹ đứng ở mức 68,65 USD/thùng, giảm 32 cent, tương đương 0,5%.

Trong tuần, Brent có mức tăng 0,8% còn WTI là 1,4% do giá “nhảy vọt” sau các cảnh báo về cơn bão Francine. Dữ liệu chính thức cho thấy tính đến thứ Năm, cơn bão đã gần như đóng cửa 42% sản lượng dầu trong khu vực - chiếm khoảng 15% sản lượng dầu của Mỹ.

Giá dầu cũng bị kéo xuống vào thứ Sáu khi có báo cáo rằng số lượng giàn khoan của nhóm dịch vụ năng lượng Baker Hughes ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất về số lượng giàn khoan dầu và khí đốt trong một năm.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/sp-500-va-nasdaq-ghi-nhan-tuan-tang-manh-nhat-trong-gan-1-nam-post554653.html