Sa Pa linh hoạt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thời gian qua, thị xã Sa Pa đã có nhiều sáng tạo trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chị Chảo Tả Mẩy, thôn Trung Tâm, xã Tả Phìn vừa tham gia khóa học thêu thổ cẩm do Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa tổ chức. Sau khóa học, chị Mẩy tự tin khi có chứng chỉ hành nghề và tập hợp một nhóm phụ nữ trong lớp cùng thêu các sản phẩm thổ cẩm theo đơn đặt hàng của một công ty tại tỉnh Hải Dương. Chị Mẩy cho biết: Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch giảm, người dân phải chuyển hướng sang các ngành nghề khác để có thêm thu nhập. Tham gia khóa học, các học viên không chỉ được nâng cao tay nghề, mà còn tìm được đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm, ổn định thu nhập.

Người dân xã Tả Phìn được đào tạo kỹ năng làm du lịch cộng đồng.

Người dân xã Tả Phìn được đào tạo kỹ năng làm du lịch cộng đồng.

Ngoài chị Mẩy còn có nhiều người dân trên địa bàn xã đăng ký theo học các lớp đào tạo nghề ngắn hạn như trồng lan, xây dựng, hướng dẫn viên du lịch… Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng hiệu quả vào phát triển sản xuất, mang lại thu nhập cao.

Ông Lý Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: Xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2021. Chính vì thế, công tác đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho người dân được chú trọng. Từ đầu năm đến nay, xã đã mở 4 lớp đào tạo nghề, trong đó 2 lớp nông nghiệp, 2 lớp phi nông nghiệp với 140 học viên. Sau 3 tháng, các học viên đủ điều kiện được cấp chứng chỉ và đây sẽ là những nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế.

Mới đây, Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa phối hợp với Trường Cao đẳng Lào Cai, UBND xã Liên Minh khai giảng các lớp đào tạo nghề nông nghiệp tại xã Liên Minh. Anh Lù Văn Tài, thôn Nậm Nhìu, học viên lớp chăn nuôi gia súc cho biết: Sau 2 tháng học, tôi đã biết áp dụng các kiến thức kỹ thuật vào chăn nuôi như pha trộn và dự trữ thức ăn, trồng cỏ, ủ cỏ để dùng trong mùa mưa, che chắn chuồng trại. Tôi có thể áp dụng các kiến thức đã học để phát triển mô hình kinh tế gia đình.

Theo kế hoạch, năm nay xã Liên Minh tổ chức 5 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 175 học viên, trong đó có 1 lớp chăn nuôi gia súc, 1 lớp nuôi thủy sản, 1 lớp trồng cây ăn quả, 1 lớp trồng ớt, 1 lớp trồng dưa bao tử. Thời gian đào tạo 2 tháng với nội dung học lý thuyết và thực hành.

Bà Hoàng Thị Thúy Hồng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Sa Pa cho biết: Thị xã đang tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề theo hướng “dạy nghề theo địa chỉ, dạy theo nhu cầu” gắn với giải quyết việc làm; chọn hướng đào tạo nghề xuất phát từ nhu cầu thực tế địa phương thông qua nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân và chú trọng phát triển các nghề truyền thống. Năm 2021, thị xã sẽ mở 23 lớp phi nông nghiệp trên địa bàn (nấu ăn, du lịch cộng đồng, điện dân dụng, kỹ thuật cơ khí…). Đến hết tháng 7/2021, thị xã đã mở được 8 lớp nông nghiệp từ nguồn ngân sách thị xã và xã hội hóa; 1 lớp phi nông nghiệp với tổng số 315 người tham gia. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 456 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Năm 2021, thị xã Sa Pa phấn đấu có 2 xã là Tả Phìn và Liên Minh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện 2 xã này đã xây dựng kế hoạch và tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Mỗi địa phương có những cách làm khác nhau dựa trên tình hình thực tế và tiềm năng, lợi thế của mình. Theo kế hoạch, thị xã Sa Pa sẽ chi hơn 3 tỷ đồng để mở các lớp đào tạo nghề cho 2 xã, đảm bảo tiêu chí lao động qua đào tạo có việc làm thường xuyên đạt 65% trở lên.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các lớp đào tạo phi nông nghiệp, đặc biệt là du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng. Trước khó khăn đó, thị xã đã phối hợp với các xã nông thôn mới rà soát và điều chỉnh một số lớp phi nông nghiệp sang nghề phù hợp. Dự kiến sẽ điều chỉnh 1 lớp hướng dẫn viên du lịch tại xã Tả Phìn, 2 lớp nấu ăn tại xã Tả Phìn và xã Mường Hoa sang lớp thêu may. Đồng thời, ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm đối với người bị thu hồi đất nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2021 giải quyết việc làm cho 1.034 lao động; đào tạo nghề cho 1.395 lao động.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346715-sa-pa-linh-hoat-trong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon