SAAB, công ty Thụy Điển đứng sau thành công của tiêm kích đa năng JAS 39 Gripen-E nổi tiếng, vừa tiết lộ khả năng sản xuất của mình với chính phủ Ấn Độ.
SAAB nhấn mạnh sự sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cao của không quân Ấn Độ đối với máy bay chiến đấu Gripen-E nếu họ trúng được hợp đồng MRFA.
Gã khổng lồ hàng không vũ trụ Thụy Điển nhấn mạnh rằng cơ sở Linköping của họ có thể sản xuất tới 25 máy bay chiến đấu Gripen-E mỗi năm.
New Delhi đặt mục tiêu tăng cường nhanh chóng cho phi đội chiến đấu trên không của mình trong vòng 6-7 năm tới.
Do đó, cần tìm kiếm một nhà sản xuất chất lượng có khả năng sản xuất ít nhất 18 máy bay chiến đấu mỗi năm.
Chương trình Máy bay chiến đấu đa năng (MRFA) của Ấn Độ là một sáng kiến đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa phi đội không quân Ấn Độ (IAF), bằng cách mua các máy bay chiến đấu đa năng tiên tiến.
Chương trình này nhằm tăng cường khả năng hoạt động của IAF trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau, bao gồm chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất, trinh sát và chiến tranh điện tử.
Chương trình MRFA là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng rộng lớn hơn của Ấn Độ, bao gồm nâng cấp các nền tảng hiện có và mua các công nghệ mới để giải quyết các thách thức an ninh mới nổi.
Chương trình dự kiến sẽ liên quan đến đầu tư và hợp tác đáng kể với các nhà sản xuất quốc phòng quốc tế.
Một số công ty hàng không vũ trụ toàn cầu đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia chương trình MRFA.
Các công ty này đang cung cấp máy bay chiến đấu mới nhất và tiên tiến nhất của họ để đáp ứng các yêu cầu của IAF.
Những ứng cử viên tham gia vào chương trình máy bay Ấn Độ bao gồm các đối tác phương Tây như: Lockheed Martin với F-21, Boeing với F/A-18E/F, Dassault Aviation với Rafale, Eurofighter GmbH với EF-2000, SAAB với Gripen E.
Tập đoàn máy bay thống nhất của Nga giới thiệu MiG-35, trong khi đó, Sukhoi thì đề xuất cung cấp Su-35.
Chương trình MRFA không chỉ là mua máy bay mà còn bao gồm chuyển giao công nghệ, sản xuất tại địa phương và hợp tác với các ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.
Điều này phù hợp với sáng kiến 'Sản xuất tại Ấn Độ' của New Delhi nhằm mục đích thúc đẩy năng lực sản xuất quốc phòng trong nước và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Gripen E là máy bay chiến đấu đa chức năng hiện đại do công ty hàng không vũ trụ Thụy Điển SAAB phát triển.
Đây là phiên bản mới nhất trong dòng Gripen, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của chiến đấu trên không và phòng thủ hiện đại.
Tiêm kích Gripen E được biết đến với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, tính linh hoạt vượt trội và hiệu quả về chi phí, khiến nó trở thành một lựa chọn tốt trên thị trường máy bay chiến đấu toàn cầu.
Kích thước của tiêm kích Gripen-E bao gồm chiều dài khoảng 15,2 mét, sải cánh khoảng 8,6 mét và chiều cao khoảng 4,5 mét.
Kích thước này góp phần tạo nên thiết kế nhỏ gọn và linh hoạt, cho phép máy bay hoạt động hiệu quả trong nhiều môi trường khác nhau.
Hệ thống đẩy của Gripen-E được cung cấp năng lượng bởi một động cơ General Electric F414-GE-39E với hiệu suất đẩy tốt.
Động cơ này cung cấp lực đẩy tối đa 22.000 pound, cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa Mach 2.
Động cơ F414 được biết đến với độ tin cậy và hiệu suất, góp phần vào sự nổi tiếng linh hoạt của dòng máy bay này.
Gripen-E có các đặc điểm kỹ thuật tiên tiến, bao gồm hệ thống điều khiển fly-by-wire kỹ thuật số, giúp tăng cường khả năng cơ động và độ ổn định.
Máy bay cũng được trang bị bộ tác chiến điện tử tích hợp, cung cấp khả năng phòng thủ mạnh mẽ chống lại nhiều mối đe dọa khác nhau.
Ngoài ra, nó có kiến trúc điện tử hàng không dạng mô-đun, cho phép dễ dàng nâng cấp và tích hợp các hệ thống mới.
Hệ thống điều khiển của Gripen-E bao gồm một hệ thống fly-by-wire cực kỳ tinh vi, thay thế các điều khiển thủ công truyền thống bằng giao diện điện tử.
Hệ thống này cải thiện khả năng phản ứng và độ chính xác của máy bay, cho phép phi công thực hiện các thao tác phức tạp một cách dễ dàng hơn.
Buồng lái được thiết kế với giao diện trực quan với các màn hình LCD lớn để hiện thị thông tin.
Bộ thiết bị điện tử hàng không của Gripen-E được đánh giá là rất hiện đại, góp phần nâng cao nhận thức tình huống và hiệu quả chiến đấu.
Các thành phần chính bao gồm radar mảng quét điện tử chủ động [AESA] Raven ES-05, cung cấp khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu cùng lúc.
Máy bay cũng có hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại [IRST], cho phép phát hiện thụ động các mối đe dọa trên không.
Vũ khí của Gripen-E rất đa dạng và có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí cho các nhiệm vụ khác nhau.
Nó có thể được trang bị tên lửa không đối không như AIM-120 AMRAAM và IRIS-T, bom GBU-49 và tên lửa hành trình KEPD 350, tên lửa chống hạm như RBS-15. Ngoài ra, ngoài ra còn có pháo Mauser BK-27 27mm để giao chiến tầm gần.
Tầm hoạt động của Gripen-E là khoảng 1.500 km với nhiên liệu bên trong, có thể được mở rộng bằng cách sử dụng các thùng nhiên liệu thả bên ngoài.
Máy bay cũng có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, giúp tăng cường thêm tầm hoạt động và sức bền cho các nhiệm vụ dài ngày.
Điều này làm cho Gripen-E phù hợp với nhiều tình huống hoạt động khác nhau, từ phòng không đến tấn công mặt đất và các nhiệm vụ trinh sát.
Việt Hùng