Sắc đỏ Đồi A1

Chẳng biết tự khi nào, trong trái tim mỗi người con dân nước Việt, màu đỏ trở thành một màu sắc thiêng liêng và thấm đẫm tự hào. Màu đỏ thắm của lá quốc kỳ 'cờ in máu chiến thắng mang hồn nước', tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất với biết bao hy sinh của muôn triệu đồng bào, đồng chí.

Mỗi tháng 5 về, màu hoa phượng đỏ thắm trên đỉnh Đồi A1 để lại những cảm xúc đặc biệt cho bất cứ ai đến đây. (Ảnh: PV)

Mỗi tháng 5 về, màu hoa phượng đỏ thắm trên đỉnh Đồi A1 để lại những cảm xúc đặc biệt cho bất cứ ai đến đây. (Ảnh: PV)

Những ngày này, trên đỉnh Đồi A1 - nơi ghi dấu ấn chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng có một sắc đỏ rực rỡ tô thắm bầu trời. Trên dải đất Việt Nam dấu yêu, hoa phượng có ở rất nhiều nơi nhưng những cây hoa phượng trên Đồi A1 lại đem đến những ấn tượng, cảm xúc rất riêng về mảnh đất lịch sử này. Bởi với sự hiện hữu của những cây phượng vĩ với chùm hoa đỏ rực, một lần nữa những ký ức về “ngọn đồi lửa” lại sống dậy trong trái tim mỗi người đang có mặt ở đây.

Đồi A1 - nơi đây, trong 39 ngày đêm “gan không núng, chí không mòn”, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức 4 đợt tấn công, 1 đợt phòng ngự, đánh lui 30 đợt phản kích của Pháp. Nơi đỉnh Đồi A1 hôm nay, bên cạnh đài tưởng niệm là xác của chiếc xe tăng Bazeille mà Pháp đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Thế nhưng, nó đã bị 4 chiến sĩ của ta bắn cháy vào rạng sáng ngày 1/4/1954, khiến Pháp mất hẳn hàng rào bảo vệ trên hệ thống phòng tuyến thứ 3. Lập chiến công và mãi mãi nằm lại mảnh đất này, ngôi mộ tập thể của họ được xây dựng ngay cạnh xác chiếc xe tăng.

Từ đỉnh Đồi A1, nhìn về phía Tây là hố bộc phá nghìn cân hình loa kèn rộng lớn. Để tiêu diệt hầm chỉ huy cố thủ cứ điểm A1, sau 15 ngày đêm đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, các chiến sĩ công binh đã hoàn thành đường hầm ngầm dài 47m và đặt khối bộc phá nặng 960kg sát hầm ngầm quân địch. Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, khối bộc phá được điểm hỏa. Sức nổ mạnh của khối bộc phá đã phá hủy những lô cốt chiến hào xung quanh và tiêu diệt một phần Đại đội dù số 2 của Pháp, làm cho chúng vô cùng choáng váng.

Từ đỉnh Đồi A1, nhìn về hướng Đông còn có bức phù điêu giành giật rất quyết liệt giữa các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và quân Pháp từ ngày 3/4/1954 đến ngày 6/5/1954, có rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh...

Có thể nói, để đi đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, hơn hai nghìn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã dâng hiến tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình. Còn rất nhiều liệt sĩ chưa biết tên, nhưng dù không dòng tên họ, máu của các anh đã thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ, hòa vào lòng đất mẹ yêu thương, làm nên Đồi A1 linh thiêng, huyền thoại. Như đôi câu đối ở đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ được xây ngay cạnh Đồi A1 đã khắc ghi: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.

Sau giải phóng, cùng với các điểm di tích lịch sử trong quần thể Chiến trường Điện Biên Phủ, Đồi A1 được bảo tồn, tôn tạo để lưu giữ lại những chứng tích của một thời ký ức hoa lửa. Trong ký ức của mỗi người dân Điện Biên, những cây phượng trên đỉnh Đồi A1 đã hiện diện ở đây từ lâu lắm và hàng năm, đều đặn mỗi khi tháng 5 về, màu hoa phượng lại thắm đỏ, sừng sững hiên ngang giữa đất trời để lại những cảm xúc đặc biệt cho bất cứ ai đến đây.

Màu đỏ của hoa phượng - màu đỏ của những hy sinh xương máu như vẫn nhắc nhớ mỗi người dân Việt Nam được sống trong hòa bình biết trân quý những gì mình đang có và tri ân hàng triệu con người đã hy sinh, để lại nơi chiến trường một phần xương máu và một phần cuộc sống của mình, vì nền độc lập, tự do ngày hôm nay.

Không chỉ thế, màu đỏ ấy còn thúc giục thế hệ cháu con vượt qua mọi gian nan, thử thách để nối gót cha anh, đưa Việt Nam “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Bác kính yêu đã từng căn dặn...

Xuân Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/sac-do-doi-a1-post511574.html