Sắc hoa xuân trong ánh nắng ngọt ngào

Xuân về, cả vùng biên cương cực Bắc Đồng Văn khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ của những cánh hoa đào, hoa mận, hoa lê trong ánh nắng ngọt ngào đầu xuân như xua đi cái lạnh cắt da cắt thịt của miền sơn cước cao nguyên đá Hà Giang. Đây cũng là lúc đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Lô Lô... ở khắp các bản làng biên cương rộn ràng đón Tết, vui xuân, trẩy hội.

Khắp các bản làng của huyện biên giới Đồng Văn, từng đôi trai gái tay trong tay, váy áo xúng xính cùng nhau về trung tâm của xã vui xuân, tham gia các trò chơi như ném pao, múa khèn, đánh quay, hát giao duyên, đặc biệt là Lễ hội Gầu Tào của người dân tộc Mông.
Ông Ly Mí Say, trưởng ban Công tác Mặt trận-người có uy tín của thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (huyện Đồng Văn)-cho biết: "Gầu Tào là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất của người Mông được tổ chức vào dịp năm mới. Mục đích tổ chức lễ hội là để cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho mỗi người trong bản sức khỏe, làm ăn phát đạt, bước sang năm mới mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Năm nay, thôn tổ chức lễ hội có quy mô lớn hơn và nhiều hoạt động trong phần hội. Vì vậy, bà con trong thôn vui lắm...".

Xuân Ất Tỵ, Đồng Văn đã khoác lên mình tấm áo mới, đường làng, ngõ xóm đều có đường bê tông.

Xuân Ất Tỵ, Đồng Văn đã khoác lên mình tấm áo mới, đường làng, ngõ xóm đều có đường bê tông.

Xuân về, cả thung lũng Sủng Là (Đồng Văn) rực rỡ hoa đào, hoa mận, hoa lê.

Xuân về, cả thung lũng Sủng Là (Đồng Văn) rực rỡ hoa đào, hoa mận, hoa lê.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Là: Trong năm 2024, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, xã đã vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa về chỉnh trang thôn Lũng Cẩm Trên, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch.

Việc chỉnh trang thôn không chỉ mang lại giá trị về mặt kinh tế cho bà con mà còn mang giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nét văn hóa độc đáo, truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao nguyên đá.

Nhờ tạo được sự đồng thuận, cấp ủy, chính quyền và người dân đã xây dựng 32 gian nhà kiến trúc truyền thống để trưng bày và bán sản phẩm địa phương với nguồn kinh phí hoàn toàn từ việc xã hội hóa, đồng thời xây dựng bờ rào đá có chiều dài gần 200m dọc tuyến đường chính của thôn (đường vào nhà Pao).

Trong năm 2024, thôn Lũng Cẩm Trên có 4 hộ dân tự nguyện hiến hàng chục mét vuông đất để xây dựng cổng làng. Từ nguồn xã hội hóa, thôn đã xây dựng 15 trụ đèn năng lượng mặt trời thắp sáng đường làng...

Rời xã Sủng Là đến thị trấn Đồng Văn, trung tâm kinh tế-xã hội của huyện, một bức tranh tươi mới hiện lên trước mắt chúng tôi. Dưới chân núi Tù Sán, địa danh gắn liền với tên tuổi người anh hùng dân tộc Mông Sùng Mí Chàng, người đã chọn nơi này làm căn cứ địa để khởi nghĩa chống thực dân Pháp.

Thị trấn nhỏ xinh càng thêm đẹp khi vạt nắng xuân ngọt ngào luồn qua kẽ lá, vắt mình qua hàng rào đá, làm cho những cánh hoa mơ, hoa mận, hoa đào bung nở rực rỡ. Điều ấn tượng ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là dãy nhà ở khu phố cổ hàng trăm năm tuổi còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc truyền thống độc đáo, lợp ngói âm dương. Phía sau khu phố cổ là những ngọn núi đá cao vút, dựng đứng như một tường thành vững chắc, tạo nên bức tranh hùng vĩ, nên thơ.

Bên cạnh những sản phẩm du lịch hiện có, huyện Đồng Văn đã đồng loạt triển khai xây dựng 23 công trình hạ tầng du lịch để vừa bảo tồn, vừa phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc vùng cao nguyên đá như cổng vào nhà, bờ rào đá...

Chào xuân Ất Tỵ 2025, niềm tin vào tương lai ổn định, phát triển, hạnh phúc đang hiện hữu trên mỗi gương mặt của người dân Đồng Văn.

Bài và ảnh: DƯƠNG NGỌC ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/sac-hoa-xuan-trong-anh-nang-ngot-ngao-814073