Sắc màu chợ quê
Chợ truyền thống từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, những phiên chợ Tết quê lại thêm đông vui, náo nhiệt. Mọi người đến đây không chỉ để mua sắm hàng hóa mà còn để cảm nhận những hương vị rất riêng của ngày Tết.
Xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn có 94% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Cũng như bao chợ phiên khác họp theo ngày đã quy định, chợ phiên Thượng Cửu họp vào các ngày 1,6,11,16, 21, 26 âm lịch. Từ hơn 4 giờ sáng, chợ Thượng Cửu đã tấp nập, tiếng cười nói rôm rả. Không chỉ bán những đặc sản, nông sản đặc trưng của địa phương và các vùng lân cận như: Thổ cẩm, mật ong rừng, các loại bánh, xôi, gạo, ngô, khoai, sắn, rau dớn, hạt sẻn, măng chua,... chợ phiên Thượng Cửu còn đa dạng với những gian hàng bày bán trang phục, hàng gia dụng, dụng cụ lao động sản xuất, con giống, cây giống...
Những năm gần đây, nhờ tích cực phát triển sản xuất, trồng cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi... cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá hơn. Lượng hàng hóa tiêu thụ trong mỗi phiên chợ cũng ngày càng tăng. Để bảo đảm an toàn cho người dân mua sắm, mỗi phiên chợ, địa phương đều cử lực lượng dân quân tham gia giữ an ninh trật tự, an toàn giao thông. Ngoài ra, xã Thượng Cửu còn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương và người dân cung ứng nguồn hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh Hà Văn Hoan - Tổ trưởng tổ quản lý chợ cho biết: “Hầu hết hàng hóa được bày bán ở chợ đều do người dân tự tay làm ra, từ vài nải chuối, trái bưởi, mớ trầu hay buồng cau hái ở vườn nhà. Có khi là chõ đồ xôi làm từ thân cây, rổ, rá tự đan người dân cũng mang ra chợ bán. Người dân đi chợ không chỉ để mua bán mà còn giao lưu, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện trong cuộc sống. Nơi đây cũng chính là sợi dây vô hình giúp tình làng, nghĩa xóm được xích lại gần hơn”.
Hiện toàn tỉnh có gần 200 chợ nông thôn. Những năm gần đây, công nghệ số phát triển, cuộc sống của người dân đã tiện ích hơn nhưng không vì thế mà những phiên chợ quê trở nên kém phần nhộn nhịp. Ngay giữa lòng thành phố Việt Trì, chợ Dầu được người dân nhắc đến với sự gần gũi, thân thuộc. Chợ Dầu xưa họp ngay ven sông Lô trên đồi Mỏ Cú, nay chuyển về trên đường Trần Phú, phường Dữu Lâu và vẫn mang tên chợ Dầu. Xung quanh khu vực chợ hoạt động sản xuất thủ công phát triển với nhiều làng nghề chế biến nông sản, chợ Dầu theo đó cũng sôi động, người mua người bán tấp nập. Dân làng các vùng xung quanh như: Hùng Lô, Phượng Lâu, Kim Đức vẫn mang các sản vật làm được tới chợ để bán với mặt hàng rau giống, hạt giống, nông sản, thực phẩm, công cụ nông nghiệp, đồ thủ công,...
Bà Nguyễn Thị Oanh ở phường Dữu Lâu chia sẻ: “Tôi đã bán hàng ở chợ gần 30 năm. Những năm gần đây xuất hiện nhiều hình thức bán hàng mới nhưng chợ Dầu vẫn luôn tấp nập khách hàng. Hằng năm vào tháng Chạp, sức mua của người dân tăng cao, vì nhiều gia đình sửa sang sắm lễ cho Tết Nguyên đán”.
Bước vào không gian chợ Dầu ngày cận Tết là vô vàn các gian hàng nhỏ xếp sát nhau ngay ngắn với đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm. Từ hàng công nghệ đến sản vật cây nhà lá vườn rau, củ, quả, lá dong, gạo, đỗ, dưa hành đều có. Khu hàng hoa rực rỡ sắc màu từ hồng đỏ, cúc vàng, thắm sắc hoa đào, thược dược,... Cuối chợ những âm thanh của hàng bán gà, vịt, ngan, tiếng cá quẫy trong bể sục... Tất cả đã tạo nên âm sắc sống động của chợ Tết đậm chất quê trong lòng thành phố.
Cho dù cuộc sống hiện đại khiến dấu ấn chợ quê đang phai nhạt dần, nhưng mỗi khi Tết từ người già đến con trẻ ai ai cũng háo hức đi chợ, người thì tranh thủ mua cành đào về trang trí nhà cửa, người thì mua bó lạt, bó lá dong để gói bánh chưng. Những em bé cũng hào hứng theo sau bố mẹ chọn quần áo mới... Tất cả như cộng hưởng với nhau làm cho không khí trở nên vui tươi và náo nhiệt. Như điểm hẹn du Xuân, những phiên chợ quê còn là nơi nhắc nhở mọi người hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/sac-mau-cho-que-nbsp-226784.htm