Sắc màu quê hương Xứ Đoài trong tranh Cổ Đô
Làng Cổ Đô xưa đã nổi danh với tên làng lụa, làng thơ, làng nghề truyền thống, vùng đất sản sinh ra những danh nhân tên tuổi... Đến thời hiện đại, Cổ Đô còn được biết đến với danh xưng 'làng họa sĩ' khi ở đây có đến cả trăm người 'cầm cọ'.
Bình dị “Sắc màu quê hương”
Nối tiếp thành công của những lần triển lãm trước, tháng 8/2023, những họa sĩ làng Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) tiếp tục đem 37 bức tranh đến Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền để giới thiệu với công chúng Thủ đô.
Họa sĩ Hoàng Tuấn Việt - Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Cổ Đô chia sẻ, đây là lần thứ 7, triển lãm “Sắc màu Quê hương” của các họa sĩ Cổ Đô được tổ chức. Tại triển lãm lần này, 31 họa sĩ với những phong cách, cá tính, bút pháp khác nhau, nhưng đều chung một niềm đam mê mãnh liệt với hội họa. “Triển lãm Sắc màu quê hương 7 phần nào khẳng định phong trào mỹ thuật của CLB ngày một phát triển và chất lượng hơn, xứng với truyền thống của quê hương Cổ Đô - Làng họa sĩ” - ông Việt nói.
Cảm nhận chung của nhiều người khi đến tham quan triển lãm là hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống con người xứ Đoài được khắc họa một cách mộc mạc, chân thực. Người xem bắt gặp ở đây những hình ảnh đơn sơ mộc mạc ngàn đời của làng quê qua những chiếc cổng thâm trầm cũ kỹ, một cây gạo đơn lẻ trổ hoa mỗi mùa tháng ba, một khung cảnh sông nước bình yên ở xóm vạn chài hay một lát cắt về khu chợ vùng cao nhiều màu sắc…
Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tranh của các họa sĩ làng Cổ Đô vẫn giữ nguyên được cái hồn cốt của tâm hồn Việt, của mỹ cảm Việt với những cái nhìn hết sức trong trẻo, bình dị và mộc mạc. “Nét bút ở đây có thể vụng về nhưng đây là cảm xúc, là cái nhìn của họ cho nên chính điều đó đã tạo ra một sự quyến rũ riêng. Đây là điều hết sức thú vị, đặc sắc, có một cái duyên riêng trong toàn cảnh của nền văn hóa Việt Nam” - ông Lương Xuân Đoàn nhận xét.
Vùng quê “đậm đặc” không khí hội họa
Cổ Đô là một làng cổ, từ xưa đã nổi tiếng với nghề dệt lụa, làm bún. Nơi đây còn là đất học, đất khoa bảng với hai danh nhân nổi tiếng Nguyễn Sư Mạnh, Nguyễn Bá Lân. Còn đến thời hiện đại, Cổ Đô được nhiều người biết đến với danh xưng “làng họa sĩ” và người đem “nghề vẽ” về với mảnh đất này là họa sĩ Sỹ Tốt.
Nói đến Sỹ Tốt, người ta nhớ ngay đến những bức tranh nổi tiếng như “Tiếng đàn bầu”; “Ơ! Bố”, “Em nào cũng được học cả”, “Đan mũ” hay “Lúa non buổi sớm”… Tác phẩm của ông đã được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Sỹ Tốt được người Cổ Đô luôn nhớ đến không chỉ bởi ông là người thành công nhất về hội họa của làng mà ông chính là người đã khơi gợi, nuôi dưỡng tình yêu hội họa cho nhiều thế hệ người dân nơi đây.
“Khi nghỉ hưu về với quê hương năm 1976, ông cùng con trai là họa sĩ La Vuông trực tiếp dạy vẽ, để rồi sau đó có không ít người đã trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam” - họa sĩ Hoàng Tuấn Việt kể lại.
Ông Việt cho biết thêm, đến nay, làng Cổ Đô đã có tới 4 thế hệ họa sĩ đã định hình phong cách. Sau Sỹ Tốt là thế hệ thứ hai với những cái tên Trần Hòa, Giang Kích, Sỹ Luân, La Vuông… Thế hệ thứ ba có thể kể đến Ngọc Nho, Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Đức, Hoàng Liệt… và tiếp sau là Trường Yên, Phan Quang Tùng, Duy Nguyên, Thế Luân… Cổ Đô cũng là làng quê rất đặc biệt khi có tới gần 20 họa sĩ “có chân” trong các hội chuyên ngành về mỹ thuật, trong đó 12 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ở làng có tới 2 bảo tàng mỹ thuật và hàng chục phòng tranh lớn nhỏ, trưng bày cả nghìn bức tranh của các “họa sĩ làng”.
Một thống kê gần đây cho thấy trong số hơn 800 nóc nhà ở Cổ Đô, hầu như nhà nào cũng có người cầm cọ vẽ tranh. Dường như hội họa đã ăn sâu vào máu người dân Cổ Đô, họ coi vẽ như một thú giải trí thường nhật. Cả ngày vất vả với công việc đồng áng, nhưng khi chiều về, rất nhiều người lại mang giấy bút, toan, màu ra triền đê say sưa ngồi vẽ. Chính vì thế, khi đến với ngôi làng nhỏ hiền hòa này, rất dễ bắt gặp hình ảnh những người nghệ sĩ nông dân, những cụ già tóc bạc và cả những em nhỏ say sưa bên những mảng màu. Giá vẽ có thể đặt ngay bên đường, dưới những bờ tre rì rào hay bên ruộng lúa, chỉ cần ngơi tay làm việc là những “họa sĩ làng” có thể sáng tác ngay được. Đôi khi cũng chẳng cần giá vẽ, người Cổ Đô có thể “tốc ký” bút bi, bút chì cùng với một tờ giấy A4.
Các tác phẩm mà họa sĩ Cổ Đô sáng tác chủ yếu nói về những hình ảnh thân thuộc hàng ngày như cảnh hàng cau, bụi chuối, con trâu, góc vườn... nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Nghệ thuật ở làng Cổ Đô vẫn giữ nguyên được cái hồn cốt của tâm hồn Việt, của mỹ cảm Việt với cái nhìn hết sức dung dị, hồn nhiên trong từng nét cọ.
Tiến tới sự chuyên nghiệp, hiện đại
Theo họa sĩ Hoàng Tuấn Việt, trước sự phát triển “vũ bão” của phong trào hội họa, các họa sĩ Cổ Đô phải tính đến việc tạo ra một mái nhà chung để các thành viên sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, nâng cao chất lượng các tác phẩm. Năm 2016, CLB Mỹ thuật Cổ Đô ra đời, chấm dứt thời kỳ hội họa tự phát manh mún. Đến nay, CLB đã có gần 40 thành viên, tổ chức được nhiều cuộc trưng bày tranh ở các trung tâm triển lãm lớn. Đặc biệt, không khí sinh hoạt chuyên môn trong CLB rất sôi động, chất lượng, họ luôn tìm tòi ngôn ngữ hội họa mới để tạo nên nét độc đáo, khác biệt của “làng họa sĩ”.
“Chẳng hạn khi sưu tầm được một bức tranh “lạ”, chúng tôi sẽ đem ra để mọi người cùng mổ xẻ, bình phẩm, để mỗi người đều rút ra bài học cho riêng mình. Hoặc ai đó nắm được thông tin về một xu hướng mới nào đó đều chia sẻ lên nhóm để cùng bàn sâu về chuyên môn. Mọi người đều rất cầu tiến, không hời hợt bằng lòng với chính mình” - ông Việt nói.
Để bắt nhịp cùng thời đại, bên cạnh trường phái hiện thực, nhiều họa sĩ Cổ Đô gần đây đã cập nhật nhanh những xu hướng mỹ thuật hiện đại, thử nghiệm mình trong nhiều phong cách mới. Tranh của họa sĩ Cổ Đô giờ đây đã đến được với những nhà sưu tập trong và ngoài nước. Theo ông Việt, tuy chưa ai nói mình sống được bằng nghề, nhưng đã có thành viên có thu nhập lên đến cả tỷ đồng mỗi năm từ việc bán tranh, còn con số vài trăm triệu thì rất nhiều.
Vị chủ nhiệm CLB Mỹ thuật cũng chia sẻ thêm, không chỉ tập trung vào sáng tác, các thành viên CLB cũng rất quan tâm đến việc đào tạo, truyền dạy các em nhỏ trong làng.
“Hè năm nào chúng tôi cũng tổ chức ít nhất 1 lớp dạy vẽ cho khoảng trên 50 em thiếu nhi. Qua lớp học, các em có năng khiếu sẽ được phát hiện và bồi dưỡng để có thể phát huy hết khả năng của mình. Kết quả vài năm qua rất tốt khi đã có lúc, tranh của lớp học chiếm 16 trong tổng số 24 giải của một cuộc thi toàn quốc. Bởi vậy, chúng tôi tin tưởng, tiếp nối truyền thống hội họa của làng sẽ là thế hệ các họa sĩ thứ 5, thứ 6 và nhiều hơn nữa”.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sac-mau-que-huong-xu-doai-trong-tranh-co-do-post274523.html