Sắc màu văn hóa cổ truyền trong lễ khai hội Gióng ở đền Sóc
Sáng 27-1 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Đền Sóc, huyện Sóc Sơn diễn ra lễ khai hội Gióng - 'hội trận' với ý nghĩa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội Gióng ở đền Sóc diễn ra trong 3 ngày (27, 28, 29-1), với nhiều nghi lễ tín ngưỡng độc đáo, mang đậm màu sắc văn hóa cổ truyền dân tộc, trong đó điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách thập phương là nghi thức rước kiệu truyền thống, với: Giò hoa tre, ông ngựa, ông voi, ngà voi, trầu cau, cầu húc, cỏ voi và nữ tướng vào đền Thượng tế lễ.
Trước đó, các thôn Vệ Linh, Phù Mã, xã Phù Linh; Dược Thượng, xã Tiên Dược; Đức Hậu, xã Đức Hòa; Đan Tảo, xã Tân Minh và Yên Sào, xã Xuân Giang đã được giao chuẩn bị các vật phẩm, chọn bé gái đóng vai nữ tướng và huy động, chọn lựa lực lượng tham gia lễ rước lên tới hàng trăm người, tạo nên không khí vô cùng tưng bừng, náo nhiệt.
Lễ rước bắt đầu từ 6h30 sáng từ các thôn về đền Thượng, rồi lần lượt từng thôn vào làm lễ tế. Sau nghi thức rước và tế lễ, các vật phẩm giò hoa tre và trầu cau được đưa về đền Hạ và đền Mẫu, để phát cho người dân có nhu cầu. Với hình thức này, truyền thống vẫn được bảo đảm như đã cam kết với UNESCO mà không gây ra cảnh tượng tranh cướp phản cảm, mất kiểm soát như nhiều năm về trước.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, trong sớm khai hội, không khí tại hội Gióng vô cùng náo nhiệt, thu hút hàng nghìn du khách tham dự. Thời tiết lạnh, nhưng khô ráo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách du xuân, trẩy hội.
Sau các nghi lễ truyền thống, người dân nô nức vào lễ thánh, xin lộc đầu năm, trải nghiệm các trò chơi dân gian, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật... Đặc biệt, nghi thức kéo mỏ lần đầu tiên được tổ chức tại không gian di sản đã thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo nhân dân và du khách.
Bà Trần Thị Chung, 67 tuổi (thôn Phù Mã, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) cho biết: Để chuẩn bị cho hội rước, từ 25 tháng Chạp, dân làng đã chuẩn bị các nguyên liệu, vật dụng để kết ngựa thờ. Bên cạnh phẩm vật quan trọng này là các lễ mặn, lễ hoa quả… được chọn lựa, nấu nướng tinh khiết, sắp đặt đẹp mắt để dâng lên đền. Năm nay, thời tiết chiều lòng người, việc tiến hành rước, tế của nhân dân địa phương rất thuận lợi, mọi người đi lễ đông, song ứng xử rất văn minh, không có cảnh chen lấn, xô đẩy.
Cùng hòa vào dòng người về dâng hương tại khu di tích, ông Đặng Văn Cảnh (phường Hoa Bằng, Cầu Giấy) chia sẻ: “Không gian cảnh quan, môi trường trong khu di tích được chỉnh trang đẹp mắt. Công tác vệ sinh đền, chùa cho các nghi thức tâm linh được chú trọng. Ngoài nơi thờ tự, Ban tổ chức còn bố trí rất nhiều khu vực vui chơi, các hoạt động giải trí, trải nghiệm văn hóa dân gian…, góp phần tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân đi hội".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, sau 2 năm tạm dừng do dịch Covid-19, lễ hội mở trở lại cũng là lúc địa phương chủ động kế hoạch ứng phó với khả năng tăng “đột biến” lượng người tham gia lễ hội. Lực lượng an ninh được bố trí khắp không gian di tích, kịp thời hướng dẫn nhân dân cũng như xử lý các vấn đề phát sinh từ ùn tắc giao thông đến mất an ninh trật tự...
Việc tăng cường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, đậm bản sắc, góp phần mang đến không khí lễ hội vui tươi, giảm việc tập trung đông người tại khu vực thờ tự… Việc phát lộc thay cho hình thức “cướp lộc” đã xóa bỏ hình ảnh phản cảm, làm biến tướng ý nghĩa, giá trị di sản văn hóa của hội Gióng.