Sắc tím bất động sản dân cư trở lại, VN-Index bật tăng hơn 12 điểm
Phiên giao dịch đầu tuần ngày 14/7 tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, với chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 12,66 điểm (+0,87%) lên mức 1.470,42 điểm, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Diễn biến nổi bật nhất trong phiên là sự trở lại mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư, giúp thị trường duy trì được đà hưng phấn bất chấp áp lực chốt lời lan rộng.

Bất động sản dân cư "lột xác", dẫn dắt thị trường
Dẫn dắt đà tăng của VN-Index không chỉ có các mã Bluechips quen thuộc như nhóm Vingroup hay ngân hàng, mà còn là màn bứt phá mạnh mẽ của loạt cổ phiếu bất động sản dân cư. Nhiều mã trong nhóm này tăng kịch trần với thanh khoản đột biến, tạo điểm nhấn nổi bật cho thị trường.
Cụ thể, cổ phiếu DXG (Đất Xanh) tăng trần lên 18.200 đồng/cp, với dư mua giá trần gần 4 triệu đơn vị. “Người anh em” DXS (Đất Xanh Service) cũng tăng hết biên độ 7% lên 10.000 đồng/cp. Tương tự, HDC (Hodeco) tăng trần 6,9% lên 27.750 đồng/cp. Các mã NHA, LDG, FIR cũng đóng cửa trong sắc tím.
Dù không tăng trần, nhiều cổ phiếu khác như PDR, NTL, KDH... vẫn ghi nhận mức tăng mạnh trên 3%, với thanh khoản cải thiện đáng kể.
Đáng chú ý, nhìn dài hơn trong 3 tháng gần đây, nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư đã ghi nhận mức hồi phục rất ấn tượng: VHM tăng 83%, DXG tăng 73%, NLG tăng 52%, PDR tăng 31%, KDH tăng 29%, NHA tăng 27%.
Phiên hôm nay chứng kiến sự rung lắc mạnh ngay trong phiên sáng. VN-Index có lúc giảm tới -1,81% chỉ trong vòng 25 phút, do áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Rổ VN30 ghi nhận nhiều mã giảm sâu: VHM giảm 2,05%, VCB giảm 2,71%, CTG giảm 2,02%, TCB giảm 1,86%...
Tâm lý nhà đầu tư trở nên bất an khi độ rộng thị trường đảo chiều rất nhanh, từ chỗ số mã tăng nhiều gấp 2,8 lần số mã giảm đầu phiên, chuyển sang số mã giảm gấp 3 lần lúc thấp điểm. Tuy nhiên, đà hồi phục trở lại mạnh mẽ vào cuối phiên nhờ sự kiên định của dòng tiền nội.
Chốt phiên, sàn HoSE có 206 mã tăng/117 mã giảm, độ rộng thị trường cải thiện rõ rệt so với thời điểm rung lắc. Chỉ số VN30-Index tăng 0,73% với 18 mã tăng/11 mã giảm. Thanh khoản rổ VN30 tuy giảm nhẹ so với trung bình tuần trước (chỉ khoảng 7%), vẫn đạt gần 13.900 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền chưa hề suy yếu.
Nhiều mã Bluechips đảo chiều tích cực trong phiên chiều như BCM tăng 3,79% so với đáy, GVR hồi 3,37%, MWG hồi 3,92%, VHM phục hồi mạnh 3,14%. Đặc biệt, VIC và VPB là hai cổ phiếu duy nhất không giảm trong nhịp điều chỉnh đầu phiên, thể hiện sức mạnh bền bỉ của một số mã trụ.
Động lực chính giúp nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư khởi sắc đến từ các tín hiệu tích cực trên thị trường nhà ở. Báo cáo từ BSC Research đánh giá, khung pháp lý cho các dự án bất động sản đang dần thông suốt, giúp tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, quý I/2025 ghi nhận 26 dự án với 15.780 sản phẩm được cấp phép mới (tăng 61% so với cùng kỳ năm trước) và 59 dự án với 19.760 sản phẩm đủ điều kiện bán hàng (tăng 258%). Bước sang quý II, các dự án từng bị “mắc kẹt” pháp lý đã có chuyển biến rõ rệt như AquaCity (Đồng Nai), NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận), Casimia Balanca (Quảng Nam), hay The Water Bay (TP. Hồ Chí Minh)...

Nguồn cung nhà ở tại Hà Nội trong quý I tăng 70% so với cùng kỳ, đạt 3.920 căn
Bên cạnh đó, theo CBRE, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội trong quý I tăng 70% so với cùng kỳ, đạt 3.920 căn, chủ yếu đến từ các đại dự án của Vinhomes như Ocean Park và Global Gate. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh tuy còn hạn chế nguồn cung mới trong quý đầu năm, nhưng dự báo sẽ có sự phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2025, với số lượng sản phẩm mở bán đạt khoảng 8.150 căn, tăng 79% so với cùng kỳ.
Với việc thị trường tiếp tục thu hút dòng tiền lớn, đặc biệt là vào các nhóm ngành hưởng lợi từ vĩ mô như bất động sản, chứng khoán được kỳ vọng duy trì nhịp tăng trong ngắn hạn. Dù áp lực chốt lời là điều tất yếu khi VN-Index tiệm cận mốc 1.500 điểm, nhưng các yếu tố hỗ trợ như thanh khoản dồi dào, dòng tiền mới và cải thiện pháp lý trong ngành bất động sản dân cư đang tạo nền tảng cho đà tăng bền vững.
Nếu dòng tiền tiếp tục luân chuyển hiệu quả giữa các nhóm ngành, đặc biệt là bất động sản, ngân hàng và chứng khoán, nhiều khả năng VN-Index sẽ thử thách lại mốc kháng cự quan trọng 1.480 - 1.500 điểm trong thời gian tới.