Lăng Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt đã tồn tại khoảng 2 thế kỷ. Tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng (Quận Bình Thạnh, TP HCM) và vốn gần khu vực chợ Bà Chiểu nên lâu nay mọi người còn quen gọi là "Lăng Ông Bà Chiểu". Cổng tam quan Lăng Ông, tức cổng Nam hướng ra đường Vũ Tùng, có ghi ba chữ Hán "Thượng Công Miếu".
Kiến trúc cổng độc đáo này cũng là một trong những hình ảnh mang tính biếu tượng khi nhắc đến vùng đất Sài Gòn - Gia Định.
Lăng được thiết kế theo 3 phần: Sau cổng Tam quan là Văn bia, khu mộ phần và điện thờ cúng.
Toàn khu lăng rộng khoảng 18.500 m2, tọa lạc trên một gò đất cao với vị thế đắc địa.
Tết năm nay, Ban Quản lý Lăng Ông đã có nhiều dụng công, tâm huyết tạo nên các tiểu cảnh bắt mắt, đậm chất văn hóa dân gian, khiến ai nấy thêm phần phấn khởi, hào hứng khi đến đây.
Không gian rộng rãi, thoáng mát, rợp bóng cây xanh của Lăng Ông thêm sinh động, tràn đầy sắc Xuân với lối trang trí mang phong vị Tết xưa, hài hòa, đẹp mắt.
Một đại gia đình rất đông thành viên cùng đến dâng lễ, cầu nguyện bình an và chụp ảnh lưu niệm.
Ông bà và cháu thành tâm khấn nguyện trước mộ phần Đức Thượng công và phu nhân
Một điều đáng quý nữa là không ít gia đình dẫn theo con em đến để giáo dục truyền thống đạo lý tốt đẹp của cha ông, khơi dậy tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Có mặt tại Lăng Ông Bà Chiểu ngày mùng 3 Tết Quý Mão, người viết chứng kiến cảnh các ông bố, bà mẹ khuyến khích con mình vào khu Văn bia để đọc và ghi chép nhằm thấu hiểu sâu sắc hơn công ơn của tiền nhân cống hiến cho nước nhà.
Nhiều bạn trẻ chăm chú đọc Văn bia do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết vào năm Giáp Ngọ (1894) được đặt trang trọng tại đây.
Ông Huỳnh Diệu Minh nay đã gần 70 tuổi, cho biết dù sức khỏe ngày càng hạn chế, đi lại khó khăn nhưng những ngày đầu xuân mới thì ông nhất định phải đến Lăng Ông.
Với ông Minh, ngày Tết thật sự trọn vẹn khi được dâng hương, cầu nguyện Đức Thượng Công phù hộ cho quốc thái dân an, gia đạo thuận hòa và rước về một cành lộc biếc.
Một bạn trẻ đến từ quận Gò Vấp (TP HCM) có mặt tại Lăng Ông từ sáng sớm, thành tâm dâng hương, đèn.
Chàng trai này cho biết đã duy trì thói quen đến Lăng Ông mỗi dịp Tết Nguyên Đán suốt hơn 10 năm, bắt đầu từ khi còn là sinh viên năm thứ hai đại học cho đến nay.
Bước vào công trình văn hóa - lịch sử - tâm linh nổi tiếng này, mọi người đều ý thức mặc y phục kín đáo, lịch sự.
Ngày càng nhiều bạn trẻ chọn áo dài truyền thống khi du xuân
Hoàng Yến (25 tuổi) lần đầu đến Lăng Ông và vô cùng ấn tượng với nét kiến trúc cổ xưa tuyệt đẹp nơi này.
Lăng Ông có từ năm 1848, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Lễ hội Khai hạ - Cầu an ở lăng cũng được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hoa Sala, hay còn gọi là cây Vô Ưu, trong khuôn viên Lăng Ông đang khoe sắc, tỏa hương thanh khiết vào ngày xuân mới
Các gian hàng thư pháp, vật phẩm phong thủy tạo thêm sự sinh động cho không gian chung
Các thông điệp tốt lành cho năm mới như An khang thịnh vượng, Tấn tài tấn lộc, Vạn sự như ý...vốn dĩ quen thuộc song vẫn luôn được ưa chuộng.
Dấu ấn trăm năm của Lăng Ông còn nằm ở nhiều cổ thụ, cây cảnh quý hiếm, lâu đời được chăm sóc tận tình; giữ được mảng xanh tuyệt đẹp ngay giữa lòng thành phố.
Ngày thường, Lăng Ông cũng là điểm hẹn văn hóa, nơi dạo mát, sinh hoạt tập thể, thưởng lãm nghệ thuật với nhiều sự kiện ý nghĩa cho người dân
Ở khu Tây Lang của lăng, âm thanh "lắp xắp" đều đặn phát ra mỗi khi có người lắc ống xăm. Đây là phong tục đặc sắc của cộng đồng từ xưa vẫn lưu truyền đến nay. Mọi người đến xin xăm vào dịp đầu năm, hay lúc có việc hệ trọng cần kính thỉnh thần ý…
Hành trình viếng Lăng Ông khép lại, trên tay ai nấy là cành lộc xanh tươi và trong tâm hồn là sự an nhiên, lấp lánh hy vọng cho năm mới. Từ lâu nay, việc xin lộc - cho lộc ở Lăng Ông Bà Chiểu được bố trí khu vực riêng, rất văn minh và hợp lý, tránh hiện tượng tùy tiện bẻ cành, "hái lộc" mất kiểm soát.
Nhành lộc xanh tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, là may mắn bình an, là những điều tươi mới được hình thành
Bài và ảnh: Xuân Huy